137Thứ Tư, 27/04/2022, 12:31
867 · Diễn Kịch Chính Là Giáo Hóa, Xem Kịch Là Đi Học

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 27/04/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 867

“DIỄN KỊCH CHÍNH LÀ GIÁO HÓA, XEM KỊCH LÀ ĐI HỌC”

Người “diễn kịch” cũng giống như diễn viên ở trên sân khấu, “diễn kịch” chính là giáo hóa. Chúng ta diễn hay, diễn tốt, diễn chánh diện thì người ta nhìn thấy sự chánh diện đó để học hỏi. Nếu chúng ta diễn phản diện, diễn những vai mà người chánh diện không thích nhưng người có tà tâm cũng sẽ làm theo. Những đứa trẻ, những người phạm tội đã học cách làm những điều xấu theo trên phim ảnh rồi làm theo rất giống, thậm chí còn làm “hay” hơn.

Phật Bồ Tát đến thế gian này cũng là đang “diễn” nhiều diễn vai diễn để chúng sanh nhìn thấy, để giáo hóa chúng sanh. Trong “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hòa Thượng nói: “Bố thí pháp chính là “dĩ thân tác tắc”, chính mình phải làm ra được tấm gương, làm ra được biểu pháp để chúng sanh bắt chước”. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian đều “diễn kịch” để cho chúng sanh nhìn vào mà bắt chước, học hỏi, làm theo. Cho nên tất cả hình tượng ở trong Phật pháp đều là biểu pháp, biểu thị ý nghĩa giáo dục. Chúng sanh nhìn vào những biểu pháp đó để có những sự gợi ý, những sự nhắc nhở chứ không phải là để cầu cúng van xin như ngày nay.

Một lần, tôi đến Hải Phòng giảng pháp. Trong lúc chờ Phật tử đến, tôi đứng dưới bóng râm của cây nhãn rất to, tôi thấy người nào đến cũng hướng tới tượng Bồ Tát Quán Thế Âm để cầu nguyện, thậm chí rất nhiều người van xin. Khi vào học, tôi hỏi: “Khi nãy tôi thấy người nào cũng hướng đến Bồ Tát Quán Thế Âm để khấn nguyện. Ngài là đại từ đại bi, lắng nghe âm thanh đau khổ của chúng sanh mà cứu giúp. Vậy khi đó có ai phát hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm không hay là chỉ khấn nguyện xin xỏ?”. Họ chỉ cười tủm tỉm vì họ chỉ khấn để xin xỏ. Hình tượng Phật Bồ Tát là biểu pháp mang ý nghĩa giáo dục chứ không phải là nơi để chúng ta xin xỏ. Nếu các Ngài đợi chúng ta xin xỏ, nịnh hót, bợ đỡ mới cứu giúp thì các Ngài không phải là Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát là “vô duyên đại từ”, cứu giúp mọi chúng sanh khổ nạn với lòng từ bi không duyên cớ.

Mọi chúng sanh chúng ta đều có một vị Phật ở trong tâm của mình. Hòa Thượng nói: “Ta chính là Phật, nhưng vị Phật này đang hồ đồ, chưa tỉnh giác”. Nếu một ngày ta tỉnh giác thì ta sẽ trở thành một vị Phật đúng nghĩa. Bây giờ vị Phật này đang hồ đồ, đang bị “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” làm cho mê muội.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay, nhiều người già bị chứng bệnh ngờ ngệch chủ yếu là do ngu si. Ngày trước rất ít người già bị như vậy nhưng ngày nay thì rất nhiều. Người của thời trước được tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền, giáo dục luân lý đạo đức, giáo dục nhân quả, giáo dục thiện ác báo chứ không tiếp nhận giáo dục như hiện tại. Đây chính là trí tuệ. Người hiện tại tốt nghiệp Đại học, học qua nghiên cứu sinh, lấy được bằng Tiến sĩ nhưng không biết cách làm người”.

Giáo dục hiện tại chỉ chú trọng đến việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền, làm thế nào để nói được nhiều ngoại ngữ. Người hiện tại sau khi tốt nghiệp Đại học thì tiếp tục làm nghiên cứu sinh, lấy được bằng Tiến sĩ nhưng không biết cách làm người. Điều này Hòa Thượng nói quá chính xác! Thầy Thái Lễ Húc nói: “Một người học Đại học nhưng không hiếu thảo với Cha Mẹ thì người đó có được xem là người có học không? Người không học Đại học nhưng biết hiếu thảo Cha Mẹ vậy thì có được xem là người có học không?”. Ngày nay, nhiều người học Đại học nhưng không biết hiếu thảo Cha Mẹ, không biết kính trọng Thầy Cô. Nhiều người không học Đại học nhưng lại biết hiếu thảo Cha Mẹ, kính trong Thầy Cô, vâng lời cấp trên.

Hòa Thượng nói: “Họ hoàn toàn không biết cách đối nhân xử thế trong tất cả mọi việc. Họ học kỹ thuật, đó là học năng lực nhưng cách quan hệ giao tiếp giữa người và người thì họ không hiểu. Vậy thì năng lực mà họ học không phải là trí tuệ mà chỉ là tri thức thường tình”. Chúng ta quên rằng chúng ta là con người, thế hệ sau của chúng ta cũng là con người. Con người thì phải biết làm, biết hành xử theo cách của con người. Lớp trẻ thời hiện đại, có nhiều người tính tình rất thuần lương nhưng không biết cách làm thế nào để đối đãi với người lớn, đối đãi với các bậc trưởng bối cho đúng. Vì không ai dạy nên lớp trẻ ngày nay không biết, nhưng khi được dạy thì họ làm ngay, làm rất tốt. Vậy thì rõ ràng nếu trách thì trách người lớn, trách người trước chứ không nên trách người sau. Nếu được dạy thì họ sẽ làm, họ không làm là do chưa được dạy, hoặc dạy chưa đủ thời gian. Nếu dạy đủ thời gian, họ có đủ thời gian quy nạp thì họ sẽ làm.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook