Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 26/04/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 866
BẠN PHẢI GÁNH LẤY TRÁCH NHIỆM NHÂN QUẢ”
Người ta đang tu một pháp tu nào đó với tâm an tịnh mà chúng ta lại bảo họ tu một pháp khác thì coi như chúng ta đã phá hoại sự tu hành của họ. Hôm trước có một người tìm tôi muốn nói chuyện với tôi qua điện thoại. Tôi khuyên cô ấy nên phát tâm làm cô giáo, phát tâm học Đệ Tử Quy và cùng tham gia học tập buổi sáng. Cô ấy nghe được hai - ba buổi thì cảm thấy chúng ta đang xen tạp. Cô ấy không phát tâm học Đệ Tử Quy, không muốn làm cô giáo nữa, chỉ muốn phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Sau đó, cô ấy gọi điện cho tôi thì tôi nói: “Tốt! Vậy cứ giữ tâm thanh tịnh chuyên tâm mà tu nhưng sau này đừng tìm tôi nữa vì sau này không còn kịp thời gian nữa. Vì thứ nhất là “thế gian vô thường, cõi nước không an”, thứ hai là mạng người ngắn ngủi vô thường, không có thời gian để làm sai rồi làm lại”. Hôm qua cô ấy nhắn tin cho tôi: “Con đã đi 20km để đến tìm gặp Thầy!”. Tôi chỉ nhắn biểu tượng cười.
Trong cuộc đời này, người ta làm sai rồi làm lại, có người làm sai đến 6 - 7 lần. Chúng ta làm sai một lần đã thấy mất thời gian rồi nhưng họ vẫn tiếp tục làm sai đến 8, 9, 10 lần. Trước đây tôi có một người rất thân quen, họ đã sai 7 lần, rồi đến 8 lần, bây giờ có lẽ đã sai đến 10 lần rồi. Người con trai của cô ấy ban đầu cũng phát tâm tu cùng với Mẹ nhưng sau đó con trai cô ấy phản đối: “Mẹ tu hành kiểu gì mà như vậy!”. Khi họ tu sai, chúng ta khuyên một lần, khuyên lần thứ hai, nếu có duyên thì khuyên lần thứ ba, nếu không khuyên được thì thôi không khuyên nữa.
Tôi là Cư sĩ, không phải là người xuất gia nên thiên hạ cũng có người nói “ông này có vợ có con rồi”. Chúng ta sống ở thế gian thì phải học cách đối nhân xử thế tiếp vật để biết đối đãi với người thế gian. Thí dụ người nữ thì cần phải học Nữ Đức để hiểu bổn phận, đức hạnh của người phụ nữ. Có người tham gia lớp “Nữ Đức”, tham gia lớp “Đệ Tử Quy” nhưng không học tập nghiêm túc mà đi lôi kéo người, không để người ta học. Đó chính là phá đạo tràng. Họ nhất định phải chịu trách nhiệm nhân quả, đọa địa ngục thì cũng phải đọa địa ngục ở tầng sâu chứ đừng nói đến vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu người ta tu đúng mà chúng ta cản trở họ thì trách nhiệm nhân quả này vô cùng to lớn, cho nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng.
Hòa Thượng nói: “Học Phật nhất định phải có sư thừa! Bạn không có sư thừa thì không thể thành tựu”. Sư thừa là sự truyền thừa từ những vị Thầy, những vị Thầy đó có sự tiếp nối. Ví dụ Hòa Thượng Tịnh Không học với Ngài Lý Bỉnh Nam, Ngài Lý Bỉnh Nam học với Tổ Sư thứ 13 của Tịnh Độ là Ngài Ấn Quang. Ngày nay chúng ta được học một mạch truyền thừa. Có những người học theo một người mà không biết người đó là ai. Hòa Thượng đã nhắc đi nhắc lại, chúng ta phải cẩn thận. Chúng ta phải xem vị Thầy mình học là ai, vị Thầy đó có sư thừa không, có “một môn thâm nhập” không. Thí dụ chúng ta tu Tịnh Độ thì phải “một môn thâm nhập”. Người tu Mật, tu Thiền cũng phải “một môn thâm nhập”. Cuộc đời này ngắn ngủi lắm cho nên chúng ta phải cẩn trọng! Chúng ta tu hành thì phải có sư thừa! Chúng ta đừng nghe đồn, đừng học theo một vị Thầy nào đó vì Thầy đó đẹp trai! Như vậy rất nguy hiểm! Chúng ta phải xem vị Thầy đó tu như thế nào, phải xem vị Thầy của vị Thầy đó tu như thế nào. Thế gian gọi là “nghề gia truyền”. Nếu một người nói “gia đình tôi có ba đời làm thợ nề” thì chắc chắn người đó có tay nghề. Chúng ta tu hành theo pháp môn có sự truyền thừa từ đời Tổ Sư chứ không phải tự nhiên nghe theo người nổi tiếng.
Có nhiều người tâm bao chao, đi sai đường một thời gian sau đó âm thầm quay trở lại. Họ nghĩ không ai biết điều đó, thậm chí họ còn nghĩ Phật A Di Đà cũng không biết. Bồ Tát Bất Thoái của Thế giới Tây Phương Cực Lạc còn biết từng khởi tâm động niệm nhỏ nhất của chúng ta chứ chưa nói đến Phật A Di Đà. Một công dân của Thế giới Tây Phương Cực Lạc đối với những gì cần biết thì họ có thể biết một cách tường tận.
Những người ở đời thì không có nghề nghiệp vững chắc, trong tu hành thì không có pháp môn ổn định thì sẽ không có niềm tin nghị lực. Những người ở thế gian có nghề nghiệp ổn định thì ở thế gian họ có chỗ nương về. Người có pháp môn tu hành ổn định thì trong tâm họ có chỗ nương về cho nên họ rất có nghị lực và rất kiên định.