165Thứ Bảy, 23/04/2022, 16:56
863 · Phú Quý Đời Này Hưởng Hết Thì Đời Sau Đi Về Đâu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 23/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 863

“PHÚ QUÝ ĐỜI NÀY HƯỞNG HẾT THÌ ĐỜI SAU ĐI VỀ ĐÂU?”

Ở thế gian chúng ta thường nghe câu: “Lộc tận thì nhân vong”, đời người mà hết phước thì mất mạng. Đó là phước trong thực tại, phước còn trong vận mạng, phước hiện đời. Khi đã hết phước thì đời sau sẽ còn thê thảm hơn, nhưng không có mấy người biết tái tạo phước báu. Gần như người ta tận hưởng hết mọi sự tiện nghi của cuộc sống hiện tại chứ không biết chia sẻ sự dư dả, không biết chia sẻ phần tiện nghi của mình cho người khác. Đây gọi là không biết tái tạo phước báu. Rất nhiều người không biết tái tạo phước báu.

Cách đây khoảng 10 năm, tôi đến giảng đề tài “Tái tạo phước báu” ở một làng người mù. Tôi hỏi họ: “Khi mình nhận được phiếu để được nhận quà này mình có xin thêm phiếu cho người khác không, mình có nghĩ cho người khác không? Mình biết có người còn khổ hơn mình, cần mình giúp đỡ không? Sau khi nhận quà, mình có nghĩ đến việc chia lại một ít cho người gặp khó khăn mà không được nhận quà không?”. Mọi người im lặng, gần như không ai biết đến những điều này. Đó là họ không biết tái tạo phước báu.

Có thể nói, trên thế gian này người biết tái tạo phước báu rất ít. Chúng ta may mắn học được Phật pháp, được học giáo huấn của Phật, chúng ta may mắn biết tái tạo phước báu, không còn nghĩ đến tận hưởng nữa. Trước đây, chúng ta thường mong muốn phải ăn thật ngon, phải ở nơi thật sang, phải xài đồ thật đắt tiền, thì bây giờ chúng ta không như vậy, không chỉ biết tận hưởng nữa mà chúng ta đã biết tái tạo phước, tiết kiệm phước.

Hòa Thượng nói: “Người xưa thường nói: “Gặp nhau thì chúc bạn bình an”. Lời nói này rất có đạo lý! “Bình” là bình đẳng. Hai chữ này đều có nhân quả, “bình” là nhân, “an” là quả. Chúng ta gặp nhau chúc nhau bình an, muốn có an thì phải có bình. Chữ “bình” là bình đẳng, bình đẳng thì mới có sự an định, bình đẳng cùng sống, bình đẳng cùng phát triển, bình đẳng cùng có lợi vậy thì mới có sự an định.

  Bạn thử nhìn xã hội hiện nay, rồi nhìn vào trong lịch sử từ xưa đến nay! Khi xã hội động loạn thì nhất định có sự chênh lệch giàu nghèo, có sự chênh lệch thế lực, người mạnh ức hiếp người yếu, vậy thì làm sao mà có an định được! Sự phân cực của giàu nghèo quá lớn thì xã hội làm sao mà bình đẳng được! Không bình đẳng vì cá nhân tạo ra nghiệp không đồng, trồng thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định gặp ác quả. Chúng ta nhận biết được mười pháp giới nhất định không bình đẳng, không bình đẳng thì nhất định không thể an toàn”.

Trong ngôn ngữ đã thể hiện đạo lý nhân quả. Thí dụ trong hai chữ “hòa bình”, chữ “hòa” là nhân, chữ “bình” là quả. Muốn có “bình” thì phải “hòa”, không có “hòa” thì sẽ không có “bình”. Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp những việc bất bình, những việc không như ý, những việc không vừa lòng vì mỗi người ý niệm tạo tác hoàn toàn sai khác.

Đối với việc chúng ta học Phật, trong những người học Phật cũng có sự tiếp nhận sai biệt rất lớn. Người này cho rằng phải tu như thế này mới đúng, người kia cho rằng phải tu như thế kia mới đúng. Đối với cách niệm Phật thì người này cho rằng phải niệm cách này mới đúng, người kia cho rằng phải niệm cách niệm kia mới đúng. Như vậy thì đã có sự khác biệt rồi! Mỗi người có một căn cơ khác nhau, mỗi người sẽ tìm cách phù hợp với căn cơ của họ. Chúng ta nên đồng thuận với họ. Chúng ta đến với người thì mình đồng thuận với người, đôi bên đồng thuận với nhau thì làm gì có sự bất hòa! Nhưng thực sự rất khó! Ai cũng cho rằng cách nghĩ, cách thấy, cách làm của mình là đúng, còn cách nghĩ, cách thấy, cách làm của người khác là sai. Vì thế chướng ngại cứ trùng trùng!

Trước đây, có một người bạn đến đạo tràng chỗ tôi. Họ muốn niệm Phật nhưng lại muốn tắt máy niệm Phật mà tôi vẫn thường xuyên mở 24/24 để mở máy niệm Phật của họ. Họ chỉ mới đến chỗ này một - hai ngày mà lại muốn tắt tiếng niệm Phật mà tôi đã bật từ rất lâu rồi. Vì thân thiết với anh ấy nên tôi nói: “Anh tưởng ở đây chỉ có mình tôi thôi à? Chúng sanh ở tầng không gian khác nhiều vô số kể, họ quen cách niệm Phật này rồi nên tôi cũng không dám thay đổi!”. Riêng một chuyện nhỏ như vậy mà cũng làm sai thì làm sao mà “hòa” được? Người ta luôn tự cho rằng cách nghĩ, cách làm, cách thấy của mình là đúng, từ đó xảy ra sự bất hòa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook