139Thứ Sáu, 22/04/2022, 15:08
862 · Nghiệp Ắt Có Nhân, Nghiệp Ắt Có Quả

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 22/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 862

“NGHIỆP ẮT CÓ NHÂN, NGHIỆP ẮT CÓ QUẢ”

Những bài học gần đây, Hòa Thượng luôn nhắc về nghiệp chướng, nghiệp lực, dẫn nghiệp. Hôm qua chúng ta học đề tài “ảnh hưởng của nghiệp lực rất lớn chúng ta không biết”. Có thể nói, nghiệp chướng vô cùng vi tế, nó diễn biến rất phức tạp, từ ngay trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta. Dẫn nghiệp dẫn đạo hành động tạo tác khiến chúng ta làm những việc làm sai lầm nhưng nó rất vi tế nên đôi khi chúng ta không hề phát hiện ra. Cái gì nặng thì sẽ dẫn đạo phía trước, cái gì nhẹ thì sẽ dẫn đạo phía sau. Thí dụ trong “tài sắc danh thực thùy”, cái nào nặng thì nó sẽ dẫn đạo chúng ta trước. Khi chúng ta đi vào ba đường cũng vậy, nghiệp nào nặng thì sẽ đi phía trước. Thí dụ “tham sân si” dẫn đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nghiệp nào nhiều thì chúng ta đi theo nghiệp đó trước. “Tham” nhiều thì chúng đi vào ngạ quỷ trước, “sân” nhiều thì chúng ta đi vào địa ngục trước, “si” nhiều thì chúng ta đi vào súc sinh trước.

Bài hôm nay, Hòa Thượng dạy: “Nghiệp ắt có nhân, nghiệp chắc chắn phải có quả”, không thể nào có tạo nghiệp mà không có quả. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải hiểu cho rõ, nói đến nghiệp chướng thì phải nói đến ba loại nghiệp chướng lớn là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng”.

Phiền não chướng: “Chướng là chướng ngại, phiền não thì trùng trùng, vô cùng vô tận.

Nghiệp chướng: Nghiệp cũng vô cùng vô tận.

Báo chướng: Chúng ta tạo ra nhiều nghiệp chướng thì báo chướng cũng vô cùng vô tận.

Chúng ta phải biết rằng: Chúng ta có mặt ở thế gian này thì phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng đã có sẵn, có đủ hết rồi, cho nên chúng ta đừng bao giờ nói rằng mình không thấy phiền não. Chúng ta tu hành để chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ tinh thần để đối mặt với phiền não và nghiệp chướng. Hòa Thượng nói: “Nghịch đến thì thuận nhận”. Khi nghịch cảnh đến thì chúng ta phải thuận tâm đón nhận chứ đừng nghĩ rằng nghịch cảnh sẽ không đến.

Hòa Thượng nói: “Trong nhà Phật thường nói: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu”. “Tam chướng” chính là phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng. Có ba chướng nhưng chúng ta chỉ thường nghe nói đến “nghiệp chướng” bởi vì “phiền não chướng” là nhân của “nghiệp chướng”, còn “báo chướng” là quả của “nghiệp chướng”.

Hòa Thượng phân tích để chúng ta thấy rõ ràng hơn về nhân quả: “Phiền não chướng” là nhân của “nghiệp chướng”. Chúng ta khởi phiền não thì chúng ta đã tạo nhân. “Báo chướng” là quả báo, là quả của “nghiệp chướng”. Hòa thượng nói: “Chúng ta nói đến nhân quả báo ứng, “phiền não chướng” là nhân, “báo chướng” là quả, bạn tạo nghiệp từ trong phiền não. Đây là sự tương quan của nhân quả”.

Khi nghe danh từ thì chúng ta thấy hơi lờ mờ. Phiền não khởi lên thì chúng ta đã tạo nhân của nghiệp, “báo chướng” chính là quả của nghiệp. Hàng ngày từ sáng đến chiều chúng ta phiền não rất nhiều, nếu gom gom lại thì phiền não chật cả nhà. Sáng sớm thức dậy chúng ta đã phiền não, khi chuẩn bị ăn sáng, đi làm cũng phiền não. Đi làm chúng ta cũng không hài lòng, lúc ăn cơm trưa chúng ta cũng không hài lòng. Về nhà thấy cơm chưa nấu, nhà cửa chưa quét chúng ta cũng không hài lòng. Vậy thì từ sáng đến chiều chúng ta sống trong phiền não. Phiền não hình thành thì chúng ta đã tạo nghiệp, khi nghiệp đã hình thành thì nhất định có quả báo.

Trong sự vô tình, chúng ta không hề biết rằng suốt ngày chúng ta tạo nghiệp, suốt ngày chúng ta vẫn để phiền não dấy khởi. Rất nhiều việc phiền não như vậy thì tâm chúng ta làm sao mà thanh tịnh được! Tâm không thanh tịnh thì làm sao có thể sanh được trí tuệ! Muốn sanh được trí tuệ thì tâm phải tịnh. Không có trí tuệ thì phiền não sẽ càng nhiều, chúng ta không nhìn mọi việc được một cách thấu suốt. Nếu có trí tuệ thì khi gặp việc đáng ra phiền não nhưng chúng ta không phiền não. Người ta chưa được giáo dục, chưa được tiếp nhận giáo dục đạo đức, chưa được tiếp nhận giáo dục nhân quả cho nên mới dám làm những việc tạo nghiệp. Chúng ta muốn có được sự tinh tường, thấu suốt được mọi việc thì phải có trí tuệ. Chúng ta muốn khai mở trí tuệ, muốn có được trí tuệ thì tâm chúng ta phải thanh tịnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook