389Chủ Nhật, 24/04/2022, 12:06
864 · Đời Sống Có Khổ Hơn Chỉ Cần Giác Ngộ Thì Được An Vui

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 24/04/2022

****************************

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 864

ĐỜI SỐNG CÓ KHỔ HƠN CHỈ CẦN GIÁC NGỘ THÌ ĐƯỢC AN VUI

Chúng ta thấy nhiều người họ khổ là vì họ không hiểu vì sao họ khổ, còn chúng ta hiểu thấu được tất cả đều có nguyên nhân của nó. Ta hiểu thấu được cuộc đời này Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chắc thật. Cho dù là phàm phu hay Thánh Nhân thì cũng không vượt ngoài định luật này. Chúng ta đến thế gian này, mang thân tứ đại thì vẫn phải trải qua Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Còn bốn khổ phía sau là chúng sanh phàm tình: Ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ. Nếu chúng ta biết rõ nguyên nhân thì chúng ta không cảm thấy quá khổ. Sinh ra rồi, già nua thì đã già rồi, mang thân tứ đại thì trái gió trở trời nhất định cơ thể cũng theo đó mà bệnh, rồi đến lúc chết thì đã đến lúc phải chết rồi. Ta hiểu rõ thì cái khổ đó cũng có nhưng không phải là quá khổ. Như vừa rồi ở Hà Nội có một người có vợ bị bệnh chết, thì người chồng cũng liền tự tử đi theo. Đó là ái biệt ly khổ.

Cho nên trong lời tựa của bài học, Hòa Thượng nói: “Cuộc sống cho dù có khổ hơn, chỉ cần giác ngộ thì sẽ hết”, vậy thì chúng ta học Phật chính là học giác ngộ. Ta có sự nhận biết một cách sáng suốt, đúng đắn, chứ không phải như thế gian, họ cũng có nhận biết nhưng nhận biết sai. Bấy lâu nay họ cho rằng cách thấy, cách biết của mình là đúng, nhưng đến khi biết sai rồi thì không thể cứu vãn. Thí dụ như giáo dục, nhiều Cha Mẹ cứ cho con học trường Tây, học đủ thứ đàn ca sáo nhị. Nhưng đến khi đứa trẻ lớn rồi thì nhận ra nó không phải là con của mình thì lúc đó hối hận cũng không còn kịp.

Hôm qua, chúng ta có buổi hội thảo ở trong Vinh, chúng ta nghe chia sẻ của một phụ huynh cũng là một giáo viên cấp 3 là: “Tôi thấy rất cảm động, nếu tôi đến trường cấp 1, trường cấp 2 hay trường cấp 3 tôi cũng chia sẻ với học sinh ở đó!”. Giáo dục chuẩn mực cho trẻ nhỏ là một chuyện thiên kinh địa nghĩa, là đạo lý hiển nhiên vậy mà một thầy giáo cấp ba cũng mấy mươi năm trong nghề rồi đến bây giờ mới nhận ra. Chúng ta thấy tưởng chừng như rất dễ hiểu, tưởng chừng như rất dễ nhận ra nhưng con người ta có thể cả một cuộc đời nhầm lẫn không nhận ra.

Vừa rồi là chúng ta nói về những mảng trong đời sống như: giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội. Còn nói về triết lý nhà Phật, nói về ta từ đâu đến rồi ta đến đây rồi thì ta đi về đâu thì người xưa nói: “Mơ mơ hồ hồ đến rồi cũng sẽ mơ mơ hồ hồ mà ra đi”, đến một cách không chủ động rồi ra đi cũng hoàn toàn không chủ động. Vậy thì kiếp sống như vậy quá đáng thương. Nhà Phật gọi là: “Kẻ đáng thương!”. Nhưng nếu ai gọi mình là kẻ đáng thương thì mình sẽ phồng mang trợn mắt, sẽ không vui. Nhưng thật sự chúng ta mơ mơ hồ hồ mà đến rồi đây cũng sẽ mơ mơ hồ hồ mà ra đi.

Đó là nói về kiếp nhân sanh, còn trong cuộc đời của chúng ta cũng có rất nhiều thứ chúng ta mơ mơ hồ hồ. Như Thầy Thái nói : “Có ai lập gia đình mà học qua một tuần lễ về cách làm vợ không?”. Không có ai trả lời. Thầy hỏi tiếp: “Có ai học qua một tuần lễ về cách làm mẹ không?”. Cũng không có ai trả lời. Vậy thì mơ mơ hồ hồ mà kết hôn rồi mơ mơ hồ hồ mà làm mẹ. Chúng ta nhận ra nhiều góc trong cuộc sống chúng ta là kẻ mơ mơ hồ hồ. Nếu nói chúng ta là kẻ mơ hồ toàn tập thì đau xót quá nhưng nếu như chúng ta không được tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát thì chúng ta thật sự là kẻ mơ hồ toàn tập. Mà nếu tiếp nhận giáo dục rồi mà không nghe lời, không thật làm thì cũng vẫn là kẻ mơ hồ, chứ không phải cứ tiếp nhận là trở nên sáng suốt.

Để “giác ngộ” không dễ, muốn giác ngộ được thì phải thật nghe lời và thật làm theo giáo huấn của Thánh Hiền, của người xưa và của Phật Bồ Tát. Hay ở trong nhà thì nghe lời giáo huấn của Cha Mẹ, ở trường học thì nghe lời giáo huấn của Thầy Cô, ở cơ quan thì nghe lời giáo huấn của lãnh đạo, là một công dân thì nghe lời của lãnh đạo quốc gia. Chúng ta cứ nghe lời và thật làm từ những cái nhỏ đến cái lớn, vậy thì chúng ta làm sao mà sai được. Có Cha Mẹ nào muốn con mình sai không? Thầy Cô nào muốn học trò của mình sai không? Lãnh đạo cơ quan nào muốn nhân viên mình bệ rạc không? Hay lãnh đạo quốc gia nào có muốn công dân mình là dở không hay là muốn công dân của mình hạnh phúc. Vậy thì nghe lời thật làm là chuẩn xác. Phật Bồ Tát có muốn chúng sanh bị sai lầm không? Không bao giờ muốn chúng sanh sai lầm. Thánh Hiền nhân có lừa gạt mọi người không? Không bao giờ lừa gạt mọi người. Cho nên nghe lời thật làm thì mới có thể thật giác ngộ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook