Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 21/04/2022
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 861
“NGHIỆP LỰC ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN MÀ CHÚNG TA KHÔNG BIẾT”
Tất cả những điều chúng ta gặp trong cuộc sống, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh đều bị chi phối bởi nghiệp lực. Nghiệp lực có thể là nghiệp mà chúng ta tạo ngay trong đời hiện tại, đây gọi là hoa báo. Nghiệp lực cũng có thể là nghiệp mà nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tạo. Con người sống ở thế gian đều bị chi phối bởi nghiệp lực, vậy mà chúng ta không biết cảnh giác! Tại sao chúng ta không tạo nghiệp thiện mà cứ tạo nghiệp ác? Đôi khi chúng ta tưởng rằng những việc làm nhỏ của chúng ta chỉ tạo chướng ngại nho nhỏ cho người, không ảnh hưởng gì cả nhưng chỉ cần gây chướng ngại cho người thì chúng ta đã kết thành oan gia rồi.
Từ rất lâu nay, chúng ta đã tùy tiện tạo nghiệp. Vô hình trung những nghiệp chúng ta tạo đã ảnh hưởng vào trong đời sống của chúng ta mà chúng ta không hề biết. Cho nên Hòa Thượng nói: “Nghiệp lực ảnh hưởng rất lớn! Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều gặp chướng ngại, rất khó gặp được việc thuận ý vừa lòng chính là do nghiệp lực đang chi phối mà chúng ta không biết. Nếu chúng ta biết được đời sống của chúng ta bị chi phối bởi nghiệp lực thì chúng ta sẽ rất cẩn trọng, không tùy tiện tạo tác những nghiệp bất thiện, không làm ra những việc chướng ngại cho người”.
Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”. Đây chính là đời sống bị chi phối bởi nghiệp lực. Chúng ta đã biết rõ rằng một bữa ăn, một ngụm nước đều bị chi phối bởi nghiệp lực, vì sao chúng ta không tích cực tạo thiện nghiệp, nhất định không tạo ác nghiệp. Trong mọi sự việc, chúng ta đều phải tùy duyên, dù đó là việc vì lợi ích chúng sanh thì chúng ta cũng phải tùy duyên, không cưỡng cầu. Nếu làm việc vì chúng sanh mà chúng ta cưỡng cầu thì chúng ta vẫn sai. Cưỡng cầu là tạo nghiệp, tùy duyên không tạo nghiệp.
Hôm qua có người nói: “Con sẽ hết sức cố gắng để hỗ trợ Thầy!”. Tôi nói: “Không cần phải hết sức cố gắng vì đó là phan duyên, nếu cố gắng mà không được thì sẽ phiền não. Đủ duyên thì chúng ta làm. Chúng ta làm vừa sức mình, có nghĩa là vừa với tài lực của mình, vừa với năng lực của mình, thậm chí là vừa với phước báu trong vận mệnh của chính mình. Mọi sự đều có duyên, gọi là duyên độ chúng sanh, duyên tiếp cận chúng sanh”.
Đức Phật cũng không độ được tất cả mọi người. Khi Phật còn tại thế, Phật quán nhân duyên, Phật thấy người đó chỉ có Ngài Xá-Lợi-Phất độ được thì Phật cử Ngài Xá-Lợi-Phất đi, Phật thấy người đó chỉ có Ngài A-Nan độ được thì Phật cử Ngài A-Nan đi. Đức Phật là bậc “phước trí nhị nghiêm”, phước đức viên mãn nhưng cũng không thể độ được tất cả mọi người, phải là người có duyên với người đó thì mới độ được người đó.
Vợ chồng gặp nhau, thế gian gọi là “duyên nợ”. Người xưa noid: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Đã có duyên thì cho dù cách xa ngàn dặm cũng gặp nhau, nếu không có duyên thì dù đối mặt cũng không thể gặp được nhau. Cho nên chúng ta đừng cưỡng cầu! Cưỡng cầu là tạo nghiệp. Chúng ta cho rằng việc này là việc chính đáng, là việc lợi ích chúng sanh cho nên chạy đôn chạy đáo kêu gọi người này, kêu gọi người kia tham gia nhưng chúng ta sai rồi! Đó là phan duyên.
Hòa Thượng nói: “Bạn làm việc tốt mà Phật Bồ Tát không biết hay sao? Nếu Phật Bồ Tát không biết thì các Ngài còn không bằng bạn! Bạn làm việc tốt, chân thật làm việc tốt thì Phật Bồ Tát đều biết, Phật Bồ Tát sẽ đến ủng hộ bạn. Nếu bạn làm mà Phật Bồ Tát không đến, đó là do việc bạn làm không hoàn toàn vì lợi ích chúng sanh. Bạn cưỡng cầu làm thì tạo nghiệp, vô hình trung gây chướng ngại cho chúng sanh, gây chướng ngại cho chính mình, chướng ngại trùng trùng mà bạn không hề biết. Chúng ta làm sao mà biết được nghiệp lực đang chi phối chúng ta vô cùng mạnh mẽ.”
Chúng ta đã biết đời sống của chúng ta bị chi phối bởi nghiệp lực thì chúng ta cứ tích cực tạo nghiệp thiện. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định”, một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước nghiệp của mình đã định.