
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 14/04/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 854
“KHÔNG MÊ TÍN, KHÔNG BẰNG MÊ TÍN NÀY CỦA TA!”
Thế gian nói họ không mê tín vì họ không biết, không hiểu. Hòa Thượng nói: “Thế gian này họ cho rằng họ không mê tín. Không mê tín, không bằng mê tín này của ta”. Họ cho rằng chúng ta mê tín vì chúng ta tin Phật, tin nhân quả báo ứng, tin rằng trồng dưa được dưa, tin rằng trồng đậu được đậu, tin rằng gieo nhân yêu thương thì sẽ gặt hái được quả yêu thương. Chúng ta tin rằng chúng ta hiếu kính Cha Mẹ, kính trọng trưởng bối thì chúng ta sẽ làm ra tấm gương tốt để thế hệ con cháu noi theo, học hỏi, bắt chước. Người thế gian cho rằng họ không mê tín vì vậy họ không tin có địa ngục, không tin có thiên đường, không tin có cõi ngạ quỷ, hay nói đầy đủ hơn là họ không tin có lục đạo luân hồi. Chúng ta tin có lục đạo luân hồi.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay báo chí nhiều nơi trên thế giới đã đăng quá nhiều, quá nhiều những sự việc nhân quả báo ứng. Đó chính là những chứng cứ của sáu cõi luân hồi, đó là những chứng cứ của nhân quả báo ứng. Rất nhiều người thế gian họ yêu cầu chúng ta cho họ xem bằng chứng, đó chính là những bằng chứng. Nghiệp nhân quả báo, nhân quả luân hồi, chứng cứ chính ngay ở trước mặt mà họ không tin tưởng thì không còn cách nào. Nhân quả báo ứng không phải là Phật hay vị thần tối cao nào đó chế định ra mà đó là một định luật của vũ trụ. Nhân tốt thì quả tốt”.
Khi chọn hạt giống để trồng trọt, chúng ta thường dùng từ “hạt giống sạch”, có nghĩa là hạt giống hoàn toàn không có mầm mống của sâu bệnh. Vậy thì rõ ràng, nhân tốt thì quả tốt. Khi trồng trọt, tôi thấy rõ ràng những hạt giống sạch được họ làm kỹ lưỡng, chăm sóc từ khi cây mẹ có hạt thì hạt đó sạch. Ta trồng cây từ hạt giống sạch thì sâu bệnh rất ít. Những hạt giống không tốt dù được trồng thủy canh, được trồng trong nhà lưới nhưng sâu rầy vẫn sinh ra, sinh sôi rất nhiều. Vậy thì rõ ràng nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu. Quy luật này không phải do ai chế định.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay có rất nhiều người học Phật nhưng đối với những sự việc nhân quả báo ứng họ không đích thân nhìn thấy nên họ không tin tưởng, đến khi họ nhìn thấy, họ tin rồi thì hối hận không kịp, quá trễ!”.
Trong nhà Phật có câu: “Thà chấp có lớn như hư không, còn hơn chấp không như hạt cải”. “Chấp có lớn như hư không” là có thiên đường, có địa ngục, có ngạ quỷ, có súc sanh, có lục đạo luân hồi, có nhân quả báo ứng. “Chấp không” là không có lục đạo luân hồi, không có nhân quả báo ứng. Những người không tin có nhân quả luân hồi, không tin có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì họ không thúc liễm khởi tâm động niệm mà họ tùy tiện tạo nghiệp. Người tin có lục đạo luân hồi, tin có nhân quả báo ứng thì mỗi khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế họ đều hết sức dè chừng. Trong nên trong nhà Phật nói: “Thà rằng chấp có lớn như hư không, còn hơn chấp không như hạt cải”. Người chấp có là người tin rằng có nhân quả báo ứng, tin rằng có lục đạo luân hồi, tin rằng nhân tốt được quả tốt, nhân xấu được quả xấu. Người chấp không là người không tin gì hết vì vậy trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế họ tùy tiện, không dè chừng, không thúc liễm.
Tựa đề bài hôm nay Hòa Thượng nói: “Không mê tín không bằng mê tín này của ta”. Họ cho rằng lục đạo luân hồi là mê tín, nhân quả báo ứng là mê tín, tin Phật Bồ Tát là mê tín. Họ cho rằng họ không mê tín, còn chúng ta mê tín. Chúng ta tin nhân quả, tin rằng gieo nhân tốt sẽ gặt quả tốt, tin rằng gieo nhân yêu thương sẽ gặt quả yêu thương, tin có sáu cõi luân hồi cho nên trong mọi khởi tâm động niệm, việc làm đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta đều hết sức thúc liễm, kiểm soát, không để nó tùy tiện. Người mà chấp không như hạt cải thì mọi khởi tâm động niệm của họ sẽ tùy tiện.
Hòa Thượng nói: “Đáng buồn là có rất nhiều người học Phật nhưng đối với những sự việc nhân quả báo ứng họ cũng không tin vì họ cho rằng họ không thấy nên họ không tin, đến khi họ thấy, họ tin rồi thì không còn kịp. Một hôm tôi nghe hai vị Hòa Thượng nói chuyện với nhau mà tôi nổi hết da gà. Người này hỏi người kia: “Ông có tin nhân quả không?”. Người kia nói: “Tôi không tin! Ông có tin thì tin chứ tôi không tin!”.
Nhân quả không phải là sự áp đặt, không phải là sự áp chế của bề trên. “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu” là đạo lý rất hiển nhiên, “thiên kinh địa nghĩa”, là đạo lý chắc thật, không có gì phải nghi ngờ. Chúng ta muốn cây phát triển tốt thì phải tìm mua hạt giống tốt, ngày nay gọi là “hạt giống sạch”. Hạt giống sạch đắt gấp 2 - 3 lần, thậm chí đắt gấp 5 - 7 lần so với hạt giống thường. Một hạt giống sạch giá có thể đến 1.200 đồng.
Ngày trước tôi trồng củ cải xanh. Đợt đầu tôi được cho hạt giống rất đắt tiền, trồng ra củ rất tốt, không có sâu bệnh. Đợt sau có người đến bán hạt cải, thì khi nhìn vỏ hạt bên ngoài tôi đã nghi ngờ. Hạt lần trước xuất xứ từ Nhật Bản, còn hạt lần này xuất xứ từ vùng lân cận. Tôi trồng hơn 100 cây nhưng chỉ ăn được 5 củ nhỏ, còn lại đều bị hỏng. Khi chúng ta trồng trọt thì chúng ta mới cảm nhận được rõ ràng phải là hạt giống sạch thì cây mới phát triển tốt, hạt giống sạch chính là nhân tốt, nhân tốt thì mới có được quả tốt. Vậy mà ngày nay rất rất nhiều người họ không tin nhân quả! Thậm chí có người còn nói: “Làm gì có nhân quả!”. Bạn muốn ăn dưa, bạn phải trồng hạt dưa thì mới có trái dưa. Bạn muốn ăn đậu thì bạn phải trồng hạt đậu. Bạn muốn ăn đậu que, đậu đũa, đậu rồng thì phải trồng các hạt giống này thì mới lên được các loại cây đó. Vậy mà họ dám táo tợn nói hùng hồn, mạnh mẽ trước mọi người là “không có nhân quả”. Người không tin nhân quả thì việc gì cũng dám làm, khởi tâm động niệm là tùy tiện, túng tình theo “tự tư tự lợi”, theo “danh vọng lợi dưỡng”, theo “năm dục sáu trần”, theo “tham sân si mạn”. không biết thúc liễm. Người không tin nhân quả thì nhất định họ không có tâm đồng cảm.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta hãy thật bình lặng mà quán sát xung quanh, có những người tuy không hiểu luân lý, phương pháp nhưng tin tưởng nhân quả báo ứng thì luôn luôn có hậu phước vì họ không dám làm hại ai! Cho dù họ vẫn chưa buông xả ý niệm tự tư tự lợi nhưng họ lại sợ nhân quả báo ứng. Những người này đa phần rất hiền từ cho nên luôn có hậu phước, phước dày. Người không sợ nhân quả báo ứng thì việc gì cũng dám làm. Trong ý niệm họ chỉ thấy cái lợi mà không thấy được làm việc này sẽ có nhân quả không tốt.””.
“Hậu” là dày, “phước” là phước báu, “hậu phước” có nghĩa là phước báu rất sâu dày. Rất nhiều cụ ở làng quê có thể không thông về luân lý, không thông về đạo lý nhưng các cụ rất tin tưởng nhân quả. Hòa Thượng nói đa phần những người đó có “hậu phước”. Có nhiều người nói ra rất nhiều đạo lý nhưng chưa chắc họ đã tin nhân quả, họ vẫn làm sai nhân quả. Họ làm sai nhân quả có nghĩa là họ chưa tin nhân quả. Hòa Thượng nói tâm trạng của những dân người bình thường trong xã hội tuy không hiểu đạo lý, vẫn còn ý niệm “tự tư tự lợi” nhưng họ tin tưởng nhân quả báo ứng, họ sợ báo ứng. Đây gọi là “lương tâm vốn thiện”.
Trong nhân gian cũng có những câu nói về nhân quả, vậy mà nhiều người không tin. Ở miền Nam có câu: “Bánh ít đi thì bánh quy lại”, miền Bắc có câu: “Người ta ăn thì còn, con ăn thì hết”. Những câu này đều khuyên chúng ta hãy cho đi, hãy cúng dường, hãy ban tặng. Người càng cho nhiều, càng cúng dường, càng ban tặng nhiều thì hậu phước sẽ càng dày. Đây chính là đạo lý nhân quả. Vậy mà họ vẫn không tin nhân quả!
Hòa Thượng nói: “Chúng ta ngay đời này còn có thể bình bình, an an trải qua ngày tháng là nhờ vào việc chúng ta tin sâu nhân quả. Chúng ta có thể tin tưởng nhân quả vì chúng ta đã đích thân trải qua, huống hồ từ lúc nhỏ chúng ta đã được tiếp nhận giáo dục nhân quả”.
Trẻ nhỏ 4 - 5 tuổi cùng người lớn đi chùa miếu thắp hương thì Ông Bà, Cha Mẹ chỉ vào Thập Điện Diêm Vương nói: “Nói dối thì bị cắt lưỡi”, “trộm cắp thì bị cưa tay”. Rõ ràng rất đơn giản để hiểu được nhân quả. Trong Thập Điện Diêm Vương nhắc nhở mọi người rất nhiều những việc mọi người thường hay phạm như: Nói dối, trộm cắp... Tôi rất nhớ câu: “Có chồng mà lại lấy trai, chết xuống âm phủ cưa hai nấu dầu”. Cách nói này nhấn mạnh giáo dục nhân quả. Lúc nhỏ tôi cũng thường theo Bà nội đi chùa. Khi nhìn thấy cảnh Thập Điện Diêm Vương thì tôi thất kinh hồn vía, khi về nhà đi ngủ, lúc nhắm mắt lại là tôi vẫn thấy cảnh tượng đó nên nhớ rất sâu sắc!
Hòa Thượng nói: “Những hình tượng người ta vẽ ở Thập Điện Diêm Vương nói về nhân quả, tạo tội gì thì sẽ bị hình phạt đó, hiện tại tạo nhân gì thì tương lai sẽ bị quả báo đó. Từ nhỏ tôi đã được giáo dục nhân quả một cách sâu sắc cho nên cả đời tôi không dám làm càn, làm quấy, không dám làm những sự việc trái với lương tâm, không dám làm những việc hại người để lợi mình”.
Ngày nay trong xã hội có một số người chỉ vì lợi, chỉ vì muốn làm giàu cho bản thân mà khiến cho người khác phải tan nhà nát cửa. Có những câu chuyện tôi được nghe cách đây 10 – 20 năm, chỉ cần họ cho người đến dọa nạt, bắt ép người đó ký giấy là người đó bị mất nhà, nhưng hiện tại pháp luật ngày càng nghiêm minh nên không có những sự việc vậy xảy ra. Họ chỉ đắp thêm cho sự giàu sang, dư dả của họ, còn người khác thì tan nhà nát cửa, thậm chí chết người nhưng họ vẫn làm. Đó là vì từ nhỏ họ không được tiếp nhận giáo dục nhân quả cho nên tùy tiện làm càn làm quấy, làm những việc trái với lương tâm.
Hòa Thượng nói: “Người ngày nay không tin nhân quả báo ứng, dám làm càn làm quấy. Họ tự cho rằng họ làm những việc như vậy là không có báo ứng, thật ra không phải không báo mà là thời giờ chưa đến”. Người xưa nói: “Dưới vòm trời này, những việc nhân quả báo ứng không hề sót lọt đến một mảy lông”, có nghĩa là cho dù nhỏ như một “cọng lông” cũng không thể nào sót được. “Gieo nhân thiện thì gặp quả thiện, gieo nhân ác thì nhất định gặp quả ác”, không ai có thể thoát được nhân quả. Ở thế gian này chúng ta có thể trốn được nhưng khi chuyển thế, chúng ta lại phải tiếp tục nhận lấy nhân quả do chính mình gây ra. Người xưa nói: “Lưới trời lồng lộng, một mảy lông cũng không sót lọt”. “Lưới trời” chính là nhân quả. Không ai có thể thoát được nhân quả, làm sai thì phải nhận kết quả sai, làm đúng mới nhận được kết quả đúng. Có người thấy ấm ức: “Tại sao mình làm đúng lại phải chịu thiệt thòi? Tại sao người ta làm sai mà không bị thiệt thòi?”. Nếu chúng ta tỉ mỉ quan sát xem thì ta sẽ hiểu.
Hôm trước có một anh đến giúp tôi trồng cây. Tôi nói: “Ngày xưa Cha của anh có chức vị rất lớn phải không?” Anh nói: “Không ạ! Ngày xưa Bố của con cũng không phải là làm chức lớn lắm, nhưng Bố con cả đời rất thanh liêm nên giờ đây hai anh em con làm ăn được, không bị người ta mắng chửi!”. Anh là người không biết đạo lý gì nhưng tin tưởng nhân quả báo ứng. Người thế gian cũng thấy rõ, cũng cảm nhận được rằng “đời cha tạo phúc thì đời con hưởng phúc”.
Hòa Thượng nói: “Hiện tại người không tin tưởng nhân quả báo ứng, họ làm càn làm quấy, tự cho rằng làm sai cũng không có quả báo. Họ thấy những người tin tưởng nhân quả như chúng ta thì họ ở đó cười khẩy, cho rằng chúng ta là mê tín. Họ còn cho rằng chúng ta là ngu si, nói rằng chúng ta là mê tín. Chúng ta “mê tín” như thế này có gì là không tốt! Chúng ta nhờ “mê tín” như thế này mà có thẻ trải qua đời sống bình bình, an an”.
Ở thế gian các cụ tuy không biết đạo lý nhưng họ tin nhân quả, họ sợ nhân quả nên cả một đời họ sống hiền từ, có hậu phước. Những người hiền từ hậu phước trải qua đời sống bình bình an an, họ không giàu nhưng sống thảnh thơi. Có những người giàu nhưng không thảnh thơi, đầy lo toan, đầy bất an.
Hòa Thượng nói: “Tuy rằng bạn không mê tín, cho dù bạn chiếm được không ít những tiện nghi, bạn có được đời sống với nhiều hậu đãi tốt đẹp, nhưng thử đem so sánh hai đời sống, một người được cho là mê tín và một người không mê tín. Bạn không mê tín, không tin nhân quả, tùy tiện tạo tác chiếm rất nhiều tiện nghi, tiền của dư dả, có cuộc sống đầy đủ, tiện nghi dư giả, đi siêu xe, ở biệt thự nhưng bạn có thể trải qua đời sống bình bình an an không, hay đời sống của bạn đầy những sóng gió, đầy những sự bất an, lo toan?”. Đem so sánh hai đời sống của hai hạng người thì sẽ hiểu rất rõ.
Hòa Thượng nói câu kết: “Vậy thì không mê tín không bằng mê tín”. Vì họ tạo nghiệp không giống nhau nên quả báo cũng không giống nhau. Người thế gian không mê tín thì tạo nghiệp đa đoan, làm càn làm quấy để rồi nhận lấy những kết quả vô cùng xấu. Còn người bị thế gian cho là mê tín thì không dám tạo nghiệp, không tùy tiện, không làm càn làm quấy, làm gì cũng dựa trên giáo huấn của Phật, làm gì cũng dựa trên tinh thần nhân quả: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu”. Quả báo thiết thực nhất là ngay trong đời sống này họ trải qua một đời sống bình bình an an, không lo buồn, không phải bận tâm. Còn những người làm càn, làm quấy, họ tưởng chừng như sự việc đã rồi nhưng rồi 5 năm, 10 năm, 20 năm sau, sự việc đó vẫn là mới”.
Chúng ta xem câu chuyện trong “Nhân quả báo ứng hiện đời”, một ông quan nhận tiền của triều đình để cứu dân bị bão lũ, ông chỉ dùng một ít tiền để giúp dân, toàn bộ phần tiền còn lại ông biển thủ, sau đó ông dời nhà đến một nơi khác để sinh sống. Khi có cuộc sống giàu sang vinh hiển, ông bắt đầu tích cực làm từ thiện, bắc cầu, làm đường, bố thí nên ai cũng tán thán. Nhưng sau đó ông bị chết bất đắc kỳ tử khiến cho ai cũng tiếc thương: “Người tốt vậy mà sao bị chết sớm thế!”. Nhưng khi họ tìm hiểu ra thì biết rằng ông đã biển thủ tiền đi cứu tế dân trong nạn thiên tai, bão lũ. Hòa Thượng nói: “Không tin nhân quả, khi nhân quả hiện tiền thì hối hận không kịp”.
Hòa Thượng nói: “Họ cho rằng chúng ta là mê tín. Người mê tín thì sợ nhân quả báo ứng nên tuân thủ giới luật, tuân thủ pháp luật không dám làm càn làm quấy. Người không tin nhân quả thì làm càn làm quấy, tạo nghiệp”. Cho nên nhân quả của người họ cho là mê tín thì hoàn toàn tốt, còn người không mê tín thì tạo ra những việc nhân quả báo ứng vô cùng to lớn. Cho nên Hòa Thượng nói: “Chúng ta thử đem hai người này ra so sánh, người mà họ cho là mê tín thì tin tưởng nhân quả báo ứng cho nên rất thúc liễm thân và tâm, không dám tùy tiện cho nên cả đời trải qua một đời sống bình bình an an. Còn người không mê tín, không tin nhân quả thì trải qua một đời sống đầy sóng gió, bất an, lo toan”.
Hòa Thượng nói: “Không mê tín, không bằng mê tín của chúng ta”. Chữ “mê tín” là họ cho rằng chúng ta mê tín. Họ nói: “Làm gì có nhân quả!”. Nhân quả là “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Nhân quả là “bánh ít đi bánh quy lại”. Chúng ta cho họ bánh tét thì họ lại cho chúng ta bánh quy. Nếu chúng ta đóng của ăn một mình, không cho ai thì người ta cũng đóng cửa ăn một mình. Đạo lý rõ ràng như vậy mà họ không tin! Nhà Phật cũng dạy chúng ta đạo lý: “Đừng làm các việc ác, vâng làm các việc lành, giữ tâm mình trong sạch”. Làm lành thì được quả lành, còn làm ác thì nhất định bị ác báo.
Trong “Cảm Ứng Thiên” nói: “Nhà nào làm nhiều việc thiện ắt nhiều việc vui, nhà nào làm việc ác ắt dư thừa việc xấu”. Đây là đạo lý rất rõ ràng, thế mà có rất nhiều người không tin. Họ không tin có nhân quả thì nhân quả vẫn y như vậy, tạo ác thì nhất định gặp quả xấu, làm lành làm thiện thì nhất định gặp quả tốt.
Vừa qua chúng ta thấy rất nhiều người làm những việc sai trái, tưởng chừng như có thể che được trời nhưng cuối cùng đều phải nhận lấy nhân quả. Người xưa nói: “Lưới trời lồng lộng, một mảy lông cũng không sót lọt”. Đạo lý nhân quả là đạo lý ngàn đời, là “thiên kinh địa nghĩa”, không thể khác được. Hòa Thượng nói: “Bạn không tin thì tôi tin!”. Bạn không tin là việc của bạn. Còn tôi tin, tôi làm theo, không dám làm sai, làm quấy!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!
Chúng con chân thành cảm ơn!