22313/04/2022, 18:16 13/04/2022, 21:01
853 · Đời Này Chúng Ta Trải Qua Rất An Vui, Đây Là Ơn Của Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 13/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 853

“ĐỜI NÀY CHÚNG TA TRẢI QUA RẤT AN VUI, ĐÂY LÀ ƠN CỦA PHẬT”

Chúng sinh ở nơi Ta Bà vì không được tiếp nhận giáo huấn của Phật cho nên họ không biết thúc liễm, không biết kiềm chế những tập khí của chính mình. Khi “tham” nổi lên thì cứ để nó lộng hành, khi “si” nổi lên thì cứ để nó phát tác, không kiểm soát được “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta là những người học Phật, được tiếp nhận giáo huấn của Phật cho nên chúng ta được trải qua đời sống bình bình, an an. Đây là nhờ ơn của Phật.

Người ta tiếp cận khổ đau thì chỉ biết kêu than, oán trời, trách người. Chúng ta đã biết rõ được nguyên nhân của khổ đau, đã tạo nhân thì phải gặp quả, không thể tạo nhân mà không nhận quả. Chúng ta biết được điều này cũng nhờ giáo huấn của Phật. Cho nên Hòa Thượng nói: “Đời này chúng ta trải qua được an vui, đây là nhờ ơn của Phật”. Điều này hoàn toàn chính xác!

Chúng ta nghe nói về ơn Phật nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy Phật bằng gỗ, bằng xi măng, Phật rất xa vời cho nên khi nói về ơn Phật thì chúng ta không biết ơn Phật như thế nào. Nhưng chúng ta ngẫm lại thì thấy chúng ta nhờ giáo huấn của Phật mà biết đoạn ác tu thiện. Rất nhiều chúng sanh ở thế gian không biết đoạn ác tu thiện, họ cứ làm theo tập khí của chính mình. Họ vẫn “tự tư tự lợi”, vẫn “danh vọng lợi dưỡng”, vẫn ngày ngày hưởng thụ “năm dục sáu trần”, vẫn phát tác “tham sân si mạn”. Chúng ta vẫn có những tập khí xấu đó nhưng chúng đã biết kiểm soát. Khi chúng ta khởi tức giận lên, một lúc sau thì chúng ta biết mình đã sai nên mau chóng cải sửa.

Cho nên có thể nói: Chúng ta trải qua đời sống tương đối an vui. Người thế gian gặp những việc khổ đau thì họ chỉ biết kêu than, chỉ biết oán trời, trách người. Chúng ta biết đó là “nhân quả”. Nhờ ơn Phật mà chúng ta biết rằng nghịch đến thì thuận nhận nhưng thuận đến thì không tùy tiện nhận. Chúng ta ngày ngày tiếp nhận giáo huấn của Phật cho nên biết lấy bỏ một cách thỏa đáng.

Hòa Thượng nói: “Người xưa từng nói: “Người sống ở thế gian có được một chút an vui thì đời này xem như là không uổng phí”. Nếu chúng ta trải qua đời sống giống như trâu ngựa, một ngày từ sáng đến tối đều vất vả mệt nhọc, thậm chí mệt nhọc cả một đời, chúng ta không biết mình vì cái gì mà bận đến thế, bận rộn vất vả không có gì vui mà rất phiền não, vậy thì chúng ta quá đáng thương”.

Chúng ta nhìn mọi người xung quanh và nhìn chính bản thân mình thì thấy ai cũng bận rộn suốt cả ngày. Những việc cần làm thì chúng ta không thể làm, những việc không tên tuổi thì gần như chúng ta làm cả ngày, chiếm hết thời gian. Phật Bồ Tát rất bận rộn, các Tổ Sư Đại Đức cũng rất rất bận rộn. Người thế gian nhìn vào các Ngài, cho rằng các Ngài rất bận rộn.

Có người không dám gọi điện cho tôi vì họ nghĩ: “Thầy nhiều việc lắm, Thầy bận rộn lắm!”. Nhưng tôi cả ngày tâm rất thảnh thơi. Suốt ngày tôi làm việc ở ngoài vườn, tìm cách trồng cây này, ươm cây kia. Buổi trưa ăn xong tôi nghỉ trưa chưa đầy một giờ thì lại ra vườn tiếp tục làm việc nhưng tôi không lo buồn, không khẩn trương. Tôi nói vậy thì mọi người có thể sẽ không tin. Tôi không lo buồn, không khẩn trương vì tất cả những gì tôi lo nghĩ, tôi làm đều vì lợi ích cho người. Nếu kết quả được thì tốt, nếu không được thì thôi. Tôi không phiền não: “Ồ! Chỗ này không được rồi! Ồ! Chỗ kia không được rồi!”. Tôi không lo buồn mà chỉ khởi lên ý niệm là: “Chúng sinh nơi đó chưa có phước!”. Thí dụ, đáng lẽ ra thời gian này vườn thủy canh ở Đà Nẵng đã có rau sạch để tặng mọi người rồi nhưng bây giờ rau mới bắt đầu được trồng nên phải 1,5 tháng nữa chúng ta mới có rau để tặng. Tôi chỉ tiếc vì không có rau sạch sớm hơn một chút để giúp người chứ tôi không có lợi lộc gì. Nếu chúng ta cần có nhiều hàng hóa, cần có nhiều rau để bán lấy tiền thì chúng ta mới khẩn trương.

Người thế gian này cứ suốt ngày cứ bận rộn, tất bật. Tôi đã từng nghe có người nói: “Trời ơi! Sao nó khổ cực như con trâu vậy!”. Thậm chí, có người than thở: “Sao tôi lại có kiếp trâu cày, ngựa cưỡi như thế này!”. Chẳng qua là do ý niệm của họ mà thôi! Nếu từ ý niệm chúng ta cho rằng chúng ta nghiệp chướng quá nặng, chúng ta đến đây để trả nghiệp thì đúng là chúng ta phải mang kiếp trâu cày, ngựa cưỡi. Bây giờ chúng ta hãy chuyển ý niệm rằng chúng ta đến thế gian này để phục vụ, để phụng sự mọi người thì sẽ hoàn toàn khác, chúng ta sẽ rất tự tại an vui mà không phải mang kiếp trâu cày, ngựa cưỡi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook