210Thứ Năm, 07/04/2022, 17:38
847 · Con Người - Loài Động Vật Khó Bảo

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 07/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 847

“CON NGƯỜI - LOÀI ĐỘNG VẬT KHÓ BẢO”

Khi đọc lời tựa này, tôi cũng cảm thấy tiêu đề này dễ khiến người ta hiểu lầm nhưng đọc nội dung mới thấy thật sự Hòa Thượng nói không sai chút nào. Người xưa cũng đã nói: “Tác nhân nan! Tác nhân nan!”, làm người khó! làm người khó! Trong “Kinh Địa Tạng”, Phật cũng nói: “Chúng sinh Diêm Phù Đề cang cường nan hóa”, chúng sinh rất khó dạy, rất khó bảo. Chư Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức dùng vô số phương tiện để dìu dắt nhưng chúng ta cũng không dễ tiếp nhận. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói: “Chúng sinh thời mạt pháp bất kính Tam Bảo, bất hiếu Cha Mẹ, không tạo nghiệp thiện, chuyên tạo nghiệp ác”. Trong tất cả những loài động vật, chúng ta được mệnh danh là động vật cao cấp nhưng nếu chúng ta không được giáo dục một cách chuẩn mực thì chúng ta là một loài động vật vô cùng khó bảo.

Hòa Thượng nói: “Con người phải được tiếp nhận giáo dục nhân quảgiáo dục luân lý đạo đức. Chúng ta thử nghĩ xem: Nếu chúng ta không được tiếp nhận giáo dục thì chúng ta có gì khác biệt không?”. Con người ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt đa phần là theo tập tính, tập khí, đến giờ ăn mà không được ăn, đến giờ ngủ mà không được ngủ, đến giờ cập kê mà không được cập kê thì đều khó chịu, đều làm theo bản năng của mọi loài. Cho nên nếu con người không được dạy, không được tiếp nhận giáo dục chuẩn mực, giáo dục luân lý đạo đức, giáo dục luân thường đạo lý thì sẽ như thế nào?

Trong xã hội hiện đại, có một cậu bé bị Cha Mẹ nhốt trong chuồng gà khoảng hai chục năm, sau đó tay chân của chú bé hành xử y như con gà, miệng ăn, cách kêu cũng y như con gà dù chú bé đã hơn 20 tuổi. Một đứa bé được bầy sói nuôi từ nhỏ, khi lớn lên đứa bé đó cũng hành xử y như bầy sói hoang. Chúng ta thấy giáo dục quan trọng đến nhường nào, nhất là giáo dục nhân luân, giáo dục luân thường đạo lý của con người! Nhưng ngày nay có rất nhiều người xem thường, bài bác, tìm cách để cản trở, thậm chí họ lại chính là những người học Phật, là những người muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc làm Bồ Tát Bất Thoái.

Trong bài thơ “Nửa đêm”, Bác Hồ cũng đã viết:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.

Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Nếu thiếu đi giáo dục, nhất là thiếu giáo dục nhân luân thì con người có phải là con người nữa không? Rất nhiều người ngày nay hành xử không giống con người vì họ không được tiếp nhận giáo dục nhân luân. Cho nên khi con người phạm phải điều sai trái, đứng trên góc độ nhà Phật mà nói thì họ đáng thương hơn đáng trách vì chẳng qua họ chưa được tiếp nhận giáo dục mà thôi! Mỗi người đều có năng lực hoàn thiện chính mình, hoàn thiện đến mức tột cùng của nhân cách thì thành Phật. Thành Phật mà còn có thể làm được thì thành một con người hoàn thiện không khó! Chẳng qua là họ không được tiếp nhận giáo dục mà thôi!

Chúng ta những người học Phật, những người học luân lý đạo đức thì chúng ta phải tích cực phát tâm mang luân lý đạo đức, mang chuẩn mực làm người đến với mọi người. Phải làm với tâm vô tư, vô cầu, làm với tâm hi sinh phụng hiến, làm với tâm “chí công vô tư” vì đó là bổn phận làm người của chúng ta. Bổn phận của người đã được học, người đã biết qua là phải phát huy, tiếp nối giáo dục. Điều này có gì lớn lao đâu! Ta làm người thì phải làm tròn bổn phận làm người, không có gì đáng để khoe khoang, kể công! Nếu không làm thì ta chưa làm tròn bổn phận của mình. Rồi đây, thế hệ sau sẽ nhìn những thế hệ đi trước, nhìn xem Tổ tiên của mình đã làm gì cho mình.

Hòa Thượng thường nói một câu đau lòng: “Chúng ta đã bỏ mất đi lời dạy của Tổ tiên đã 5 - 7 đời, đã hơn 200 năm rồi!”. Một đời là khoảng 30 năm. Đó là Hòa Thượng nói về dân tộc của Ngài. Khi xem lại điển tích những tấm gương đức hạnh của dân tộc Việt Nam, chúng ta thấy có những người rất đề cao giáo dục nhân luân, luân thường đạo đức, giáo dục nhân quả. Chúng ta học lịch sử về tấm gương Ngài Lý Thường Kiệt, sau khi ngăn chặn ngoại bang, khi trở về Ngài cấp tốc xây dựng thành ấp, xây dựng chùa chiền để giáo dục nhân quả cho nhân dân. Qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, chúng ta thấy người xưa rất chú trọng đến giáo dục nhân luân, giáo dục nhân quả. Vậy thì đời này chúng ta phải tiếp nối!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook