162Thứ Tư, 06/04/2022, 16:32
846 · Chân Tướng Của Vũ Trụ, Vạn Pháp Là Bất Sinh Bất Diệt

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 06/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 846

CHÂN TƯỚNG CỦA VŨ TRỤ, VẠN PHÁP LÀ BẤT SINH BẤT DIỆT

Chúng ta thường nghe nhà Phật nói đến “vô thường”, “chân thường”. Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, tất cả pháp giống như là mộng, là huyễn, là bọt nước. Hôm nay chúng ta lại nghe nói: Chân tướng của vạn pháp ở trong vũ trụ là bất sinh, bất diệt. Chỗ này chúng ta phải hiểu, nếu không thì sẽ nhầm lẫn. Phật nói “vô thường” là nói đến cái giả tướng, cái không thật, cái giả tướng là “vô thường”. Nói “chân thường” là nói đến chân tướng, nó chỉ chuyển thể hình thái, chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác chứ không hề mất đi, cho nên chân tướng là thường hằng, là bất sinh, bất diệt.  

Cái “vọng” là cái giả, cái không thật. Ta gọi là “vọng” bởi vì nó không thật. Thí dụ, một ngày chúng ta phiền não nhất, từ sáng đến chiều đều vọng tưởng. Chúng ta cô đặc vọng tưởng, phiền não lại thì nó cũng không bằng được hạt mè, nếu nó bằng được hạt mè thì nó không gọi là “vọng” vì nó có tướng rồi. Cho dù chúng ta có cô đặc lại đến mức nào thì nó cũng không bằng được hạt mè, vì nó là “vọng”, không có hình tướng. “Vọng” thì không thật, dễ mất đi. Thế mà người ta cứ chấp vào nó để rồi phiền não, khổ đau!

Ngược lại với “vọng” là “chân”, trong “vọng” có “chân”. Thí dụ ta cố tình gột rửa, chặt bỏ, diệt hết vọng tưởng đi để ta tìm cái thật, cái thật nằm ở trong “vọng”, khi nào hết “vọng” thì là chân. Nhà Phật có câu: “Phiền não tức là Bồ Đề”, khi còn phiền não, khi còn vọng tưởng thì vẫn còn là phàm phu, khi không còn vọng tưởng, không còn phiền não nữa thì đó chính là Bồ Đề. Thí dụ chúng ta nói: “Hôm qua tôi buồn khổ quá”, “hôm nay tôi vui quá”. Người hôm qua buồn khổ và người hôm nay vui quá không khác nhau, vẫn là một người. Trong cái vọng có cái chân, cái thật. Lìa cái “vọng” để tìm cái thật thì không có. “Chân” và “vọng” đang tồn tại.

Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp nói đến cái “chân” và cái “vọng”. Cái vọng là cái giả, cái không thật. Ngược lại với “vọng” là “chân”, trong cái vọng có cái chân. Trong cái vọng có cái chân, cái thật, lìa cái vọng này để tìm cái thật thì không có, chân và vọng đang tồn tại. Vọng thì sẽ mất đi còn cái chân nhất định không thay đổi, vĩnh viễn thường trụ. Những gì có thể diệt thì trong Phật pháp gọi là giả tướng”, không phải là chân tướng.

Chúng ta thử nghĩ xem: Cái tướng gì là vĩnh viễn, bất biến? Không có tướng nào là vĩnh viễn, bất biến, đã có hình tướng rồi thì không vĩnh viễn bất biến. Tìm không ra! Động vật thì Sinh – Lão - Bệnh - Tử, thay đổi theo từng sát na, sát na, từng khoảnh khoắc rất nhỏ. Thực vật thì Sinh - Trụ - Dị - Diệt, hình thành, tồn tại, biến đổi rồi mất đi, cũng biến đổi theo từng khoảnh khắc. Khoáng vật cũng Thành – Trụ - Hoại – Không, cũng đang ở trạng thái biến đổi. Nói một cách khác, bạn không tìm ra được thứ nào là vĩnh hằng, bất biến. Cho nên Phật pháp mới nói cho bạn biết là: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, phàm hễ cái gì có hình tướng thì đều là hư vọng. Chúng ta đừng dính mắc, đừng chấp chước nó để rồi khổ đau”.

Ta cứ cho rằng thân này là của ta, nhưng thật ra thân này đang chuyển đổi theo từng sát na, thay đổi theo từng khoảng khắc nhỏ nhất, thay đổi hoàn toàn. Người của ngày hôm nay không phải là người của ngày hôm qua và người của ngày hôm qua không phải là người của ngày hôm nay. Thân này đã hoàn toàn mới rồi nhưng chúng ta không nhận ra vì sự thay đổi diễn ra nhanh quá. Nếu chúng ta không gặp một người sau 1 đến 2 tháng, hoặc 1 đến 2 năm thì khi gặp lại, ta sẽ phát hiện họ đã già đi một chút rồi. Khi xem lại những thước phim video chúng ta làm cách đây mấy năm thì chúng ta cũng thấy người xung quanh đã già nua đi rất nhiều, nhưng chính bản thân mình lại không cảm nhận thấy mình đã già đi. Cái thật đang diễn biến ở trong ta nhưng chúng ta không thấy, chúng ta cứ chạy theo cái giả. “Tự tư tự lợi” là giả, “danh vọng lợi dưỡng” là giả, hưởng thụ “năm dục sáu trần” là giả, “tham sân si mạn” cũng đang là giả nhưng chúng ta lại rất dính mắc, vướng bận vào những thứ này.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook