130Thứ Ba, 05/04/2022, 16:36
845 · Trái Ngược Với Đại Tự Nhiên Thì Tai Nạn Liền Đến

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 05/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 845

“TRÁI NGƯỢC VỚI ĐẠI TỰ NHIÊN THÌ TAI NẠN LIỀN ĐẾN”

Chúng ta cứ nghĩ “đạo đức” là những chuẩn mực, phép tắc mà không biết rằng “đạo đức” có ý nghĩa rất rất rộng lớn. Những phép tắc, quy luật tự nhiên, trật tự vận hành của vũ trụ là “đạo”. Ta làm theo quy luật, trật tự vận hành đó thì đó là “đức”.

Hòa Thượng nói: “Quy luật của tự nhiên, phép tắc của vũ trụ là “đạo”. Chúng ta thuận theo, làm theo, không trái ngược quy luật, đó là “đức”. Thí dụ, người con hiếu thảo với Cha Mẹ. đây là đạo. Biết làm theo một cách rất đúng đắn thì gọi là “đức”. Điều quan trọng nhất ở trong “đạo đức” là tùy thuận theo đại tự nhiên, nhất định chúng ta không được trái nghịch. Nhưng từ xưa đến giờ, chúng ta đều làm trái nghịch”.

Tất cả sự vật, sự việc đều có quy luật của nó. Đây là “đạo”. Chúng ta làm theo, phù hợp, thuận theo, không chống trái. Đây là “đức”. Thí dụ chúng ta đang ở một xứ nóng, khi đi đến một xứ lạnh mà chúng ta vẫn ăn mặc theo kiểu ở xứ nóng thì chúng ta sai rồi. Chúng ta đến một vùng lạnh thì phải xem người ở xứ lạnh họ ăn mặc như thế nào, đó mới là thuận theo đạo. Có nhiều người du lịch tới Đà Lạt nhưng họ mặc áo phong phanh cho nên ngày hôm sau có thể bị cảm lạnh, phải mua thêm áo để mặc. Chúng ta ở xứ lạnh mà đến xứ nóng cũng vậy, chúng ta phải ăn mặc sao cho phù hợp.

Hòa Thượng nói: “Người ở địa phương nào thì nên ăn thực phẩm ở địa phương đó”. Đó là ta thuận theo đạo. Ta thích ăn đồ ngoại là trái phép tắc, vậy thì sẽ rước về một thân bệnh. Thậm chí người xưa nói: “Người muốn ít bệnh thì chỉ nên ăn những thực phẩm sinh trưởng trong chu vi nơi mình sống khoảng 50 km, nếu ăn những cây trái sinh trưởng tại chính nơi mình sống thì càng tốt. Đó là thuận theo đạo”. Xưa nay chúng ta đều làm trái nghịch với tự nhiên, thích ăn đồ lạ, thích ăn đồ ngoại nên rước về một thân bệnh. Khi chúng ta trái nghịch với tự nhiên thì tai nạn liền đến.

Có những người vừa đến một nơi lạ thì đi tắm luôn nên bị đổ bệnh ngay. Chúng ta phải để cơ thể có một khoảng thời gian tiếp xúc, làm quen với môi trường mới. Đạo lý này rất nhiều người không biết đến. Nhiều người mở điều hòa rất lạnh trong khi thời tiết ngoài trời rất nóng, họ bước vào phòng tắm để tắm nước nóng, khi vừa bước ra thì bị đột quỵ. Nhiều người chết mà không biết vì sao mình chết. Đó là do họ không cho cơ thể có thời gian để thích nghi. Trong khi ở ngoài trời rất nóng, chúng ta cũng không nên điều chỉnh điều hòa ở trong nhà quá lạnh mà chỉ nên để nhiệt độ trong nhà giảm một chút là được. Dù ở nơi nào rất nóng thì tôi cũng chỉ điều chỉnh máy điều hòa để nhiệt độ trong phòng khoảng 30 độ. Tôi thấy rất nhiều người để nhiệt độ ở 18 - 20 vì họ hoàn toàn không hiểu trật tự của tự nhiên.

Hòa Thượng rất từ bi khi nói với chúng ta những đạo lý này. Chúng ta biết cách điều tâm rồi thì cũng phải biết cách điều thân, biết cách điều thân rồi thì cũng phải biết cách điều tâm. Hai điều này phải “tương bổ, tương thành”. Nhiều người tu hành, ăn chay niệm Phật nhưng cứ bị bệnh vì không biết cách điều tâm và điều thân. Những điều này chúng ta phải được Hòa Thượng dạy thì chúng ta mới biết điều chỉnh cho phù hợp.

Hòa Thượng nói: “Bạn trái với quy luật đại tự nhiên thì bạn liền sinh bệnh, thậm chí tử vong. Nếu chúng ta tùy thuận hoàn cảnh sinh thái của đại tự nhiên thì hoàn cảnh tự nhiên đều sẽ rất tốt đẹp. Nếu bạn muốn thay đổi nó thì tự nhiên tai hại liền sẽ đến. Tai hại của tự nhiên chính là địa cầu bị bệnh. Khi địa cầu bị bệnh thì xảy ra nạn nước, nạn lửa, hạn hán, động đất, sóng thần, cuồng phong”.

Nhiều người chết vì sốc lạnh, sốc nhiệt. Nếu chúng ta làm trái với quy luật tự nhiên thì chúng ta sẽ nhận ngay hậu quả. Thí dụ hôm nào chúng ta thấy nóng quá liền đi tắm ngay thì chúng ta sẽ nhận ngay hậu quả. Đáng lẽ chúng ta nên vào phòng uống một cốc nước ấm, nghỉ ngơi 10 đến 15 phút, đọc sách, nghe pháp hay niệm Phật một lúc để nhiệt độ cơ thể bình hòa trở lại rồi mới đi tắm. Chúng ta phải chú ý việc này! Hồi nhỏ tôi đã được dạy: Mỗi lần trước khi tắm thì ngậm một ngụm nước, rồi lấy tay vỗ nước vào vùng bụng ở phía trên rốn hay gọi là “vùng trấn thủy” để khi tắm không bị cảm. Đó là kinh nghiệm của người xưa.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook