15302/04/2022, 16:32 06/04/2022, 16:40
842 · Mạnh Được Yếu Thua - Đây Có Phải Là Chân Lý

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 02/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 842

“MẠNH ĐƯỢC YẾU THUA - ĐÂY CÓ PHẢI LÀ CHÂN LÝ?”

Mạnh được yếu thua” có nghĩa là người mạnh ăn hiếp người yếu, người có sức mạnh chèn ép người yếu. Đây chắc chắn không phải là chân lý! Có người nói: “Nhược nhục cường thực, thích giả sinh tồn”. “Nhục” là thịt, “nhược” là yếu, những con vật yếu sẽ bị những con vật mạnh ăn thịt. “Thích giả sinh tồn” là con vật yếu sẽ bị con vật khỏe ăn thịt, kẻ mạnh sẽ tồn tại, kẻ mạnh sẽ lấn át kẻ yếu. Người thế gian thường cho rằng các loài động vật đương nhiên phải làm thực phẩm, làm thức ăn cho loài người nên họ ra sức ăn nuốt, ra sức giết hại động vật không thương tiếc.

Hòa Thượng nói: “Thế gian cho rằng mạnh được yếu thua, con vật yếu phải phục vụ cho con vật mạnh, đây là một lẽ đương nhiên. Điều này không bao giờ là đạo lý, không bao giờ là chân lý mà đây là sự áp chế.”. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn là Thái tử, một hôm Ngài đi ra đồng để dự lễ bội thu của người dân vào mùa thu hoạch. Ngài nhìn thấy người nông dân đang cày những luống cày, những luống đất được cày xới lên. Ngài nhìn thấy khi những con côn trùng ở dưới đất bị cào lên thì những con chim ở trên cao xà xuống ăn côn trùng, ở xa xa lại có những người giăng bẫy để bắt những con chim đó. Ngài nhìn thấy cảnh “mạnh được yếu thua” đó và muốn ra về chứ không muốn dự buổi lễ nữa. Một bậc giác ngộ khi nhìn vào cảnh nhân sinh tương tàn lẫn nhau như vậy đã nhìn thấy được nỗi thống khổ của chúng sanh trong thế giới “mạnh được yếu thua” này. Chúng ta thì gần như không có một sự giác ngộ nào, thậm chí còn cho đó là một điều đương nhiên, cho rằng con vật yếu đương nhiên phải phục vụ cho con vật mạnh, con vật mạnh vừa vừa thì đương nhiên phải phục vụ con mạnh hơn. “Mạnh được yếu thua” chỉ là đạo lý của kẻ mạnh chứ không phải là chân lý.

Chúng ta quan sát trong cuộc sống thường ngày thì thấy có nhiều người tự cho mình là mạnh, tự cho mình là người có quyền được nói, tùy tiện công kích người khác. Người thế gian vì sự đố kị, ganh ghét, vì tranh giành tiện nghi trong cuộc sống, vì muốn giành phần hơn nên bất chấp thủ đoạn, ngay đến những người tu hành, người học đạo lý của Thánh Hiền cũng sẵn sàng làm những chuyện mà người thế gian còn không thèm làm.

Người hiểu được sẽ có sự nhận biết, giác ngộ, tỉnh thức để “yểm ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”, xa rời Ta Bà, mong cầu Cực Lạc. Thánh chúng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là Bồ Tát Bất Thoái. Còn ở thế giới Ta Bà này, hôm qua họ là Thầy trò, hôm trước là ân nhân nhưng hôm sau có thể là những người đối đầu, không thèm gặp nhau, thậm chí không thèm ngó mặt. Họ mở miệng ra là nói “muốn về Cực Lạc làm Bồ Tát” nhưng họ bất nhân, bất nghĩa, bất kính. Chúng ta nhìn thấy mà cảm khái! Chúng sanh Ta Bà từng ý niệm, từng ý niệm chuyển đổi, họ sẵn sàng đánh đổi, trút bỏ hết những ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa mà trước đây người ta dành cho họ. Đây chẳng qua là do con người thiếu giáo dục chân chính của Phật. Con người cần có giáo dục chân chính chứ không phải là giáo dục lệch lạc, chuệch choạc. Họ nói là họ từng học đạo Thánh Hiền nhưng họ không biết gì về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. “Tín” là tín dụng, giữ chữ “tín”. Trước đây họ từng nói: “Học đạo Thánh Hiền rất tốt vì giúp gia đình hạnh phúc, con cái ngoan hiền”, nhưng sau đó họ đi nghe tư tưởng khác rồi thay đổi suy nghĩ. Như vậy là không giữ chữ “tín” rồi!

Người học Phật phải “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”. Chúng ta học Phật thì phải hết sức cẩn trọng, phải tư duy, quán sát xem thông tin chúng ta đang tiếp cận là thông tin chính xác, chánh đáng hay sai lầm. Chúng ta ngày ngày ngồi học để phát sinh trí tuệ, để có thể hình thành một “bộ lọc”, bỏ đi cặn bã, bỏ đi tà tri tà kiến, loại bỏ đi những gì tác hại cho giáo huấn Thánh Hiền, tác hại cho giáo huấn của Phật Bồ Tát. Hòa Thượng từng nhắc: “99.9% chúng ta có nguy cơ rơi vào tà kiến”.

Đồ chúng của Ngài Lý Bình Nam rất đông, có khoảng 300.000 người. Chúng ta nuôi cá trong một cái áo, vì được chăm sóc tốt nên cá rất mập mạp. Người ta thích đến câu cá, bắt đi những con cá mập mạp. Khi có những vị Thầy nổi tiếng đến thăm Ngài Lý Bỉnh Nam thì Ngài Lý Bỉnh Nam ra tận sân bay đón tiếp, cúng dường hậu hĩnh nhưng không bao giờ mời họ khai thị, giảng pháp. Học trò hỏi: “Thưa Thầy, vị đó nổi tiếng lắm, sao Thầy không mời họ giảng?”. Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Đó là tôi đang hộ pháp cho các vị. Những người đó tu Mật, tu Thiền, tu Kim Cang, tu Bát Nhã chứ không tu pháp niệm Phật. Tôi không mời họ giảng là vì tôi sợ các vị bị mất đi tín tâm đối với Tịnh Độ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook