141Thứ Sáu, 01/04/2022, 11:37
841 · Nhân Tình Lý Sự Thay Đổi Phức Tạp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 01/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 841

“NHÂN TÌNH LÝ SỰ THAY ĐỔI PHỨC TẠP”

Nhân tình lý sự thay đổi phức tạp, nhà Phật gọi là “nhân tình lý sự biến hóa đa đoan”. Trong một giây, trong ta đã khởi lên vô số ý niệm. Mỗi một ý niệm vi tế đều có hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần. Nếu ý niệm có hình tướng giống như những cuốn phim màn bạc ngày xưa thì một giây ta xả ra rất nhiều phim gốc. Ý niệm nhiều đến như vậy nên nhân tình lý sự rất phức tạp!

Hòa Thượng nói: “Xã hội này vô cùng, vô cùng phức tạp, thay đổi biến hóa không thể lường được! Nhân tình thế sự thay đổi nhiều đến như vậy thì chúng ta phải làm như thế nào để ứng phó với nó? Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta cần tu Giới - Định – Huệ. Sự biến hóa đa đoan của người, đó là việc của họ. Chúng ta chuyên cần tu Giới, tu Định, tu Huệ thì giữa sự biến hóa đa đoan như vậy, họ bất an nhưng chúng ta vẫn an ổn”.

Nhân tình sự lý của con người phức tạp đến mức không thể đo lường được! Chúng ta muốn ta an ổn thì chúng ta chuyên cần tu Giới, tu Định, tu Huệ. Người ta không có lòng nhân, ác ý, đa đoan. Còn chúng ta cứ dùng thiện tâm, thiện hạnh đối đãi với tất cả mọi người, kể cả đối với người hại chúng ta. Người ta bất nhân, bất nghĩa còn chúng ta lúc nào cũng tràn đầy sự nhân nghĩa. Chúng ta nhân nghĩa ngay với cả người hại chúng ta chứ không chỉ nhân nghĩa với người chúng ta thích, người chúng ta có cảm tình. Đó chính là Giới.

Người ta không có lễ nhưng chúng ta tuyệt đối tuân thủ lễ. Người ta thiếu trí tuệ, mờ mịt. Chắc hẳn chúng ta cũng không có đủ trí tuệ nhưng chúng ta nương vào trí tuệ của Phật Bồ Tát, nương vào trí tuệ của Thánh Hiền mà làm. Chúng ta không có trí tuệ của Hòa Thượng thì chúng ta mượn nhờ trí tuệ của Ngài, có nghĩa là tất cả khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, chúng ta đều làm theo lời dạy của Ngài. Ban đầu chúng ta có thể có sự chuệch choạc, làm chưa chuẩn nhưng dần dần sẽ chuẩn. Vậy thì dù thế sự này biến hóa đa đoan nhưng đó là việc của họ, chúng ta không bị ảnh hưởng.

Giới là rào cản, là mực thước để chúng ta an ổn ở trong đó. Ví dụ khi chúng ta đi đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, mọi người không nhìn thấy chú công an đứng đó thì vượt đèn đỏ còn chúng ta vẫn giữ chuẩn mực, đèn đỏ thì dừng lại, đèn xenh thì đi tiếp.

Hòa Thượng nói: “Cho dù xã hội có phức tạp đến mức nào đi chăng nữa nhưng ta vẫn có thể giữ được Giới – Định – Tuệ thì tự nhiên ta an ổn giữa bao nhiêu người không an ổn. Trong đời sống vật chất, ta có chỗ nương về rất an ổn. Trong đời sống tinh thần, ta cũng có chỗ nương về rất an ổn. Vậy thì còn gì để ta phải bận tâm? Cho nên người xưa nói Giới – Định – Tuệ là thành trì vững hơn sắt thép”.

Đây chính là sức mạnh, tinh thần, nghị lực giúp chúng ta lúc nào cũng phấn chấn, không ủ dột. Giới – Định – Tuệ là thành trì giúp chúng ta an ổn giữa phong ba. Sinh - lão - bệnh - tử cũng không làm chúng ta phải bận tâm. “Cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ” cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm thế nào để sống an ổn giữa những người bất an, giữa nhân tình thế sự biến hóa đa đoan như thế này? Cần tu Giới – Định – Tuệ”. Như vậy thì dù xung quanh ta bất an đến thế nào nhưng ta vẫn an ổn, tất cả mọi vấn đề ta đều có thể giải quyết. Trong tâm thanh tịnh của ta, mọi vấn đề đều không thể trở thành vấn đề. Người này bất an thì đến nói với ta thế này, người kia bất an thì đến nói với ta thế kia, dù họ thấy bất an nhưng ta vẫn thấy bình thường.

Một vị Hòa Thượng nghe hai học trò phân bua, thắc mắc. Sau khi nghe xong, đối mỗi người học trò thì người Thầy đều nói: “Ừ! Ông đúng!”. Người thị giả nghe thấy vậy thì nói: “Thưa Thầy, con thấy sư huynh nói đúng mà?”. Vị Hòa Thượng lại nói: “Ừ! Ông cũng đúng!”. Ba người kia sống trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Riêng vị Hòa Thượng không sống trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cho nên Ngài có tâm an.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: “Cái gì là Giới – Định – Tuệ? Giới có điều, có văn, những chuẩn mực quy phạm đều là Giới. Định là tâm thanh tịnh, tuyệt đối không bị ngoại cảnh bên ngoài khiến cho mình dao động. Huệ là giác. Định có thể sinh huệ”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook