153Thứ Tư, 30/03/2022, 11:09
839 · Nhân Khí Thường Tắc Yêu Hưng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ tư ngày 30/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 839

“NHÂN KHÍ THƯỜNG TẮC YÊU HƯNG”

Người xưa dạy: “Nhân khí thường tắc yêu hưng”. “Thường” chính là thường đạo. Con người mà vứt bỏ đi “thường đạo” thì yêu ma quỷ quái sẽ xuất hiện. “Thường đạo” là làm con phải hiếu thảo với Cha Mẹ, làm học trò phải kính trọng Thầy Cô, làm công dân phải biết kính yêu Tổ quốc của mình. “Yêu ma quỷ quái” ở đây là những chuyện làm sai làm quấy. Nếu ngược lại với “thường đạo” thì con người sẽ làm ra những việc sai trái, sẽ làm càn rất nhiều rất nhiều.

Vừa rồi trong nước chúng ta xảy ra sự việc con gái đầu độc giết Cha rồi giấu xác Cha. Người nữ vốn dịu dàng, có thiên tính người Mẹ mà dám hạ độc ra tay giết Cha. Người nam thì tính tình nóng nảy, ăn nói cộc cằn, làm ra những việc “thương luân bại lý”. Khi thường đạo không còn thì những hành động yêu ma quỷ quái như vậy sẽ xuất hiện. Đó là “yêu hưng”.

Hòa Thượng nói: “Trong sách xưa nói rất hay: “Nhân khí thường tắc yêu hưng”. Nếu con người bỏ đi luân thường thì xã hội sẽ xuất hiện những yêu ma quỷ quái”. Con cái không hiếu thảo với Cha Mẹ, xem thường Cha Mẹ, thậm chí đánh đập Cha Mẹ. Như vậy quá khác thường!

Khi giảng năm 2010, Thầy Thái Lễ Húc nói: Ngày xưa, trẻ nhỏ gặp người lớn thì chào từ xa: “Con chào chú! Con chào bác! Con chào bà! Con chào ông”. Nhưng trẻ nhỏ ngày nay gặp người lớn thì chỉ ngoái đầu nhìn mà không thèm chào. Có người nói: “Nó ngoái đầu nhìn đã là không tệ rồi!”. Thầy Thái nói: “Hiện nay trẻ nhỏ gặp người lớn chỉ ngoái đầu nhìn, vậy 20 - 30 năm nữa chúng có ngoái đầu nhìn không? Có thể lúc đó người lớn phải đến trước mặt chúng chào hỏi rồi ân cần phục vụ: “Chào cháu! Cháu có muốn ăn gì không?” Đó chính là yêu hưng. Người xưa nói: “Nếu con người không tích cực đề xướng thường đạo thì thường đạo sẽ không còn, lúc đó trái đạo sẽ tràn lan”.

Hòa Thượng nói: “Xã hội ngày nay đích thực là đang diễn ra rất nhiều việc kỳ kỳ quái quái. Đáng lẽ thuận theo thường đạo thì làm con phải hiếu thảo Cha Mẹ, học trò phải kính trọng Thầy Cô, cấp dưới phải tôn trọng cấp trên nhưng ngày nay hoàn toàn ngược lại. Nếu ngược lại như vậy thì xã hội đó có phải là xã hội của con người không?”. Đây là việc đáng để chúng ta phản tỉnh một cách sâu sắc.

Ngày xưa, người con hiếu hạnh được Vua ban tặng bảng vàng, thí dụ hiếu tử Hoàng Hương. Một làng có người con hiếu hạnh cũng được Vua ban cho bảng vàng. Phụ nữ giữ trinh tiết thờ chồng, làm đúng bổn phận của mình thì được mọi người rất kính trọng. Nếu trong làng có người con bất hiếu thì cổng làng sẽ bị chặt mất một khúc, bị chặt một góc để biểu thị làng này, thôn xóm này có kẻ đại nghịch bất đạo. Người người đi qua làng sẽ biết làng này có một bất hiếu tử. Vì vậy người xưa rất sợ, không dám bất hiếu với Cha Mẹ vì nếu bất hiếu thì dân làng sẽ rất phản đối, không thể sống được ở trong làng.

Hòa Thượng nói: “Ngày trước có một luật là “thân quyền xử phận”. Nếu Cha Mẹ cảm thấy con bất hiếu, bất trị, chỉ cần Cha Mẹ báo quan thì người con đó lập tức sẽ bị đưa ra xử mà không cần phán quyết. Vì đến Cha Mẹ mà còn không cần đến người con đó nữa thì xã hội cũng không ai cần”. Ngày xưa có luật đó cho nên người con không dám làm việc bất hiếu vì nếu bất hiếu khiến Cha Mẹ báo quan thì người con đó coi như mất mạng. Thật vậy, Cha Mẹ nào cũng yêu thương con, không có Cha Mẹ nào muốn bỏ con. Đến Cha Mẹ mà còn không cần con nữa thì đứa con đó đã tệ bạc lắm rồi, không còn cứu chữa được nữa!

Hòa Thượng nói: “Cái gì gọi là yêu ma quỷ quái? Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, hiểu cho tường tận. Nếu chúng ta không hiểu thì thật là oan uổng! Những việc làm không phải là việc làm của con người thì đó là yêu ma quỷ quái. Những việc đáng nhẽ con người nên làm mà không làm thì đó là yêu ma quỷ quái. Những việc khác thường, trái với thường đạo chính là yêu ma quỷ quái. “Thường” chính là thường đạo, chính là “ngũ thường”. “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” là ngũ thường. Làm người thì phải có lòng nhân từ. Người không có lòng nhân từ là phản thường, là khác thường”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook