Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 29/03/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 838
“XEM THƯỜNG NHÂN LUÂN HẬU QUẢ SẼ THẾ NÀO?”
Bài học hôm nay, Hòa Thượng muốn nói: “Luân thường đạo lý là nền tảng căn bản rất mật thiết đối với con người”. Nếu con người xem thường nhân luân, không học tập, không chú trọng nhân luân thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong gia đình thì con không hiếu thảo với Cha Mẹ, Cha không ra Cha, con không ra con. Ở trường thì Thầy không ra Thầy, trò không ra trò. Trong đoàn thể thì cấp trên cấp dưới không có chừng mực. Đó là một sự mất trật tự.
Hòa Thượng nói: “Thế giới của chúng ta ngày nay, ý niệm đối với đạo đức và khoa học kỹ thuật không tương đồng. Khoa học kỹ thuật thì ngày một phát triển nhưng đạo đức thì đang không ngừng tuột dốc. Điều này chắc chắn sẽ mang đến cho xã hội sự động loạn, sự bất an”. Ngày nay người ta nghiêng nặng về khoa học kỹ thuật và quá xem thường luân lý đạo đức. Bài học này Hòa Thượng giảng cách đây hơn 20 năm, khi đó internet và khoa học còn chưa phát triển như bây giờ nhưng Ngài đã nhìn thấy viễn cảnh này.
Ngày nay khoa học kỹ thuật đã phát triển đến đỉnh cao, internet đã phủ sóng toàn cầu. Hòa Thượng nói: “Khoa học kỹ thuật đang không ngừng nâng lên cao nhưng luân lý đạo đức đang ngày một xuống thấp, mọi người không xem trọng”. Con người phải lấy luân lý đạo đức làm nền tảng, làm căn bản để đối nhân xử thế tiếp vật nhưng con người lại xem thường điều này. Đến khi Cha không ra Cha, con không ra con, bạn bè không còn ra bạn bè, người ta mới phản tỉnh thì cũng đã muộn. Trong bài giảng đề tài “Hạnh phúc trong một niệm” năm 2010, Thầy Thái Lễ Húc đã nói: “Có những bậc Cha Mẹ đã từng thốt lên rằng: “Con cái biết hiếu thảo với Cha Mẹ chắc là chỉ còn ở thế hệ của chúng tôi mà thôi!”. Từ mười mấy năm trước, các bậc Cha Mẹ đã có cảm giác bất an. Thầy Thái giảng ở các diễn đàn trên toàn thế giới như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mỹ… Các Ngài từ rất lâu đã cảm nhận được nên đã cực lực nhắc nhở, cảnh báo chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Người xưa lấy giáo dục luân lý làm tông chỉ cho giáo học. Giáo dục của thời hiện đại chỉ chú trọng đến khoa học kỹ thuật, xem thường nhân luân thì hậu quả tương lai là gì? Cha không ra Cha, con không ra con, Thầy không ra Thầy, trò không ra trò. Đó chính là nỗi thống khổ của nhân sinh”.
Ta có nhà cao cửa rộng, ta đi ô tô nhưng trong nhà không có những người con không hiếu thảo, con cái không biết quan tâm đến Cha Mẹ, người sống với người gần như vô cảm, không có bổn phận, không có trách nhiệm, không có nghĩa vụ thì đời sống không vui chút nào!
Hòa Thượng nói: “Quan hệ giữa người với người ở hiện tại chỉ là quan hệ lợi và hại. Con người không biết đến mối quan hệ giữa người với gia đình, mối quan hệ người với xã hội và mọi người xung quanh thì đời sống rất đáng thương. Bạn xem thấy gia đình của thời hiện tại, kết hợp của vợ chồng là cảm tình, là mê cảm, không phải là lý tánh cho nên không có nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm. Đời này họ kết hợp nhưng không có một mục tiêu chung, không có một phương hướng chung”.
Trong đĩa giảng “Hạnh phúc trong một niệm”, Thầy Thái nói: “Xin hỏi mọi người, trước khi kết hôn có ai học qua 5 ngày để biết được làm thế nào để vợ chồng hòa thuận hay không?”. Không có ai giơ tay. “Vậy thì trước khi sinh con, các vị có học qua 5 ngày để biết làm thế nào để giáo dục con được tốt không?”. Cũng không có ai giơ tay. Thầy Thái nói: “Tôi quá nể phục mọi người! Một sự kết hợp vô cùng quan trọng như vậy mà chúng ta không hề có sự chuẩn bị”. Đây cũng là nhắc nhở những người trẻ chưa có gia đình cần phải có ý thức về điều này!
Hòa Thượng nói: “Sự kết hợp của vợ chồng phải có cùng mục tiêu, cùng phương hướng trong cả một đời để cùng xây dựng, vậy thì sự kết hợp đó mới bền lâu được. Nếu không thì tỷ lệ ly hôn sẽ rất rất cao. Nếu vợ chồng chưa có con thì vợ chồng ly hôn không làm hại cho thế hệ sau nhưng nếu đã có trẻ nhỏ thì những đứa trẻ chính là người phải gánh chịu sự tổn thương lớn nhất vì những đứa trẻ thiếu mất tình Cha, thiếu mất tình Mẹ”.