Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ hai ngày 28/03/2022
****************************
CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 837
ĐỐI VỚI PHẬT LÝ KHÔNG RÕ,
ĐỐI VỚI NHÂN TÌNH THẾ CỐ CŨNG KHÔNG HIỂU
“Phật lý” là giáo huấn của Phật. Đối với Phật lý, chúng ta không hiểu. Đối với “nhân tình thế cố”, có nghĩa là làm sao cho hợp tình, hợp lý, hợp pháp mà chúng ta cũng không hiểu. Vậy thì rất đáng thương! Học Phật là học giác ngộ. Trong tiếng Hán, chữ “ngộ” có chữ “tâm” đứng đầu, ở bên cạnh là chữ “ta”. Người mà “hiểu ra” thì được gọi là “ngộ”.
Học Phật thì phải hiểu ra được phải quấy tốt xấu, việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Thế nhưng có những người càng học lại càng mê. Có nhiều người hỏi tôi về những việc cúng, kính, lễ, tiết. Họ rất chú trọng cúng, kính, lễ, tiết nhưng những việc điều thân, điều tâm thì gần như họ không quan tâm. Người như vậy thật đáng thương! Đối với Phật pháp họ không hiểu, đối với thế pháp họ cũng mờ mịt. Làm thế nào cho hợp tình, hợp lý, hợp pháp, họ đều không biết. Chúng ta nhìn xung quanh cũng thấy những người đáng thương đó rất nhiều. Người đáng thương đó có thể là chính chúng ta!
Trên “Kinh Đại Thừa”, Phật nói: “Phật pháp ở thế gian không hoại thế gian pháp”. Phật pháp đến thế gian là để làm cho thế gian tốt hơn chứ không hề chướng ngại, không hề làm cho thế gian pháp xấu đi. Thí dụ: Mỗi quốc gia đều có luật pháp. Phật pháp đến nơi nào cũng đều giúp cho người học Phật nơi đó tuân thủ tốt luật pháp và những điều răn dạy của Phật. Mỗi người dân đều cần phải tuân thủ luật pháp và giữ năm giới, nếu sâu hơn nữa là mười thiện. Cho nên Phật pháp không làm tổn hại, không chướng ngại thế gian pháp.
NGŨ GIỚI: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu
THẬP THIỆN:
Thân: Không sát, đạo, dâm
Khẩu: Miệng không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác
Ý: Tâm không tham, sân, si.
Hòa Thượng giải thích “pháp thế gian” chính là “nhân tình thế cố”. Chúng ta làm gì cũng phải hợp tình, hợp lý và hợp pháp. Nếu chúng ta không học, không tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền, không học luân lý đạo đức, không tiếp nhận giáo dục ngũ luân và chuẩnt mực của người xưa thì làm sao ta làm được hợp tình, hợp lý! Nhưng thế gian rất ít người tiếp nhận. Nhiều năm qua, Hệ thống chúng ta đã tổ chức những lớp học bồi dưỡng chuẩn mực của người xưa, nhưng người tiếp cận được rất ít. Có người nhắn hỏi tôi lớp học đạo đức chuẩn mực ở đâu. Họ ở ngay Cầu Giấy, Hà Nội mà không hề biết về những lớp học văn hóa truyền thống của chúng ta. Làm con phải hiếu thảo Cha Mẹ, làm học trò phải kính trọng Thầy Cô, làm công dân phải kính yêu, tận trung với Tổ quốc. Những đạo lý “thiên kinh vạn quyển” như vậy nhưng cũng rất ít người biết. Họ không được dạy nên không hiểu.
Những quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” khi có cơ hội đi du học thì hầu hết đều không trở về nước. Họ có trí thông minh, có kiến thức nhưng tình yêu quê hương, dân tộc chưa đủ lớn. Từ lúc con còn nhỏ, Cha Mẹ, Thầy Cô đã dạy con cúi đầu cảm ơn người lớn, cảm ơn Cha Mẹ, Thầy Cô. Đó là những việc nhỏ nhưng hình thành nên tính cách. Từ nhỏ, trẻ chỉ được dạy đàn ca sáo nhị, ngoại ngữ, được dạy cách kiếm thật nhiều tiền và được nuôi dưỡng ước vọng giàu sang nơi phương trời nào đó. Vậy thì lớn lên chúng sẽ như vậy.
Học Phật quan trọng nhất chính là học làm một người tường tận, thông đạt sự lý, thông đạt “nhân tình thế cố”. Hòa Thượng nói: “Người hiện tại ở thế gian này phần lớn đều không rõ lý, không chịu tiếp nhận giáo lý, không hiểu được lễ nghĩa, không hiểu được nhân tình thế cố nên rất dễ dàng xảy ra xung đột”. Ai cũng cạnh tranh, đấu tranh để chiếm lợi, vậy thì xảy ra xung đột. Người không chịu tiếp nhận khuyến cáo của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, tất cả hành xử đều theo nghiệp, theo tập khí xấu ác của chính mình, vậy thì việc gì xảy ra chúng ta đều biết rồi.
Hòa Thượng nói: “Đối với người không hiểu lý, không hiểu lễ nghĩa thì chúng ta cũng không cách gì dạy bảo cho họ. Tại vì sao họ không thể tiếp nhận? Đây là hiện tượng của xã hội hiện đại này.” Bài học hôm nay, Hòa Thượng đã dạy chúng ta cách đây hơn 20 năm, lúc đó những điều này đã xảy ra rồi. Ngày nay, những việc này càng rõ nét hơn. Trước đây Hòa Thượng nói: “Hãy mau mau mà khuyến dạy người ta học tập luân lý đạo đức, chứ vài mươi năm nữa chúng ta co khuyên bảo, có làm ra thì họ cũng sẽ không nghe, không thèm nhìn, sẽ không tiếp cận”. Thời điểm bây giờ chính là “vài mươi năm nữa” kể từ lúc Hòa Thượng nói. Dù thiện tri thức, người hảo tâm cứ nỗ lực khuyến khích họ nhưng họ cũng không có thời gian. Thời đại viễn thông, thời đại 4.0 không còn là thời đại lúa nước nữa nên bây giờ chúng ta ngồi đó nói về đạo đức thì họ cũng không muốn nghe. Họ chỉ cần ngồi bấm điện thoại, đặt hàng, một lúc sau đồ ăn sẽ giao đến tận nhà cho Mẹ.