152Thứ Bảy, 26/03/2022, 19:02
835 · Vĩnh Thoát Luân Hồi - Đây Là Trí Tuệ Bậc Nhất

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 26/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 835

“VĨNH THOÁT LUÂN HỒI - ĐÂY LÀ TRÍ TUỆ BẬC NHẤT”

Chúng sinh trôi lăn trong vòng sanh tử đã không biết bao nhiêu lần, nhưng để có thể giác ngộ, tìm đường thoát ra vô cùng khó. Chúng ta phải có duyên lành gặp thiện tri thức, nhờ thiện tri thức nhắc nhở thì may ra mới tỉnh ngộ, nếu không chúng ta vĩnh viễn trôi lăn.

Chúng ta học Phật pháp thì mới hiểu hơn lời Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Bình thường chúng ta nghe câu này nhưng không có cảm nhận sâu sắc. Dần dần khó khăn, nghịch duyên đến, chúng ta mới dần dần cảm nhận được câu nói đó là thật. Để có thể hình thành nên một lớp học, phải có đầy đủ nhân duyên, nếu thiếu đi một yếu tố thì lớp học không thành. Hôm qua, trong khi chúng ta học, đường truyền internet bị rớt ba lần. Đó chỉ là chướng ngại nhỏ, còn những chướng ngại lớn hơn sẽ khiến chúng ta khó tiếp cận Phật pháp hơn. Nếu mắt mờ, tai điếc, đãng trí thì chúng ta làm thế nào để tiếp cận Phật pháp? Do vậy khi còn khỏe mạnh thì chúng ta phải hết sức nỗ lực!

Hòa Thượng nói: “Phật ở trên Kinh thường nói với chúng ta: Khởi tâm động niệm của chúng ta ngay trong một sát na, ngay trong một khoảnh khắc ngắn nhất đã trùm khắp hư không pháp giới. Với đạo lý này, nếu bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì cũng trùm khắp hư không pháp giới. Bạn hiểu rõ được chân tướng sự thật này thì bạn được gọi là người giác ngộ. Bạn không hiểu rõ chân tướng sự thật này thì bạn đang mê. Hiểu rõ được chân tướng thì bạn liền hồi phục được tâm Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Từ Bi. Nếu không hiểu rõ chân tướng sự thật này thì bạn một ngày từ sáng đến tối vẫn nghĩ tưởng xằng bậy. Đây gọi là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Các vị phải nên biết: Tất cả những phiền não, tất cả những lo buồn, tất cả những khổ nạn cho đến sinh tử luân hồi đều từ ở trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà ra. Hàng ngày chúng ta quán chiếu thử xem: Tại sao ta có phiền não? Tại sao ta có lo buồn, khổ nạn rồi dẫn đến luân hồi? Tất cả đều đến từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”.

Chúng ta khởi một niệm bất thiện hay một niệm thiện cũng trùm khắp hư không pháp giới. Chúng ta khởi một niệm “A Di Đà Phật” cũng trùm khắp hư không pháp giới. Chúng ta cho rằng người ta đang nói xấu mình, chúng ta chấp trước thì tự nhiên sẽ có phiền não, khổ đau. Chỉ vì một việc đơn giản như vậy mà hàng ngày chúng ta khổ đau, phiền não không biết bao nhiêu lần!

Ngài Bố Đại Hòa Thượng đi đâu cũng vác một bao thật to. Có người hỏi Ngài: “Làm thế nào để hết khổ đau, phiền não?”. Ngài liền buông cái bao xuống đất. Họ lại hỏi: “Vậy sau khi hết khổ đau phiền não thì làm gì?”. Ngài lại vác bao lên đi tiếp. Khi chúng ta buông xuống được phiền não thì không còn gì nặng nề nữa. Tâm không còn vọng tưởng, phiền não, khổ đau thì chúng ta mới có thể phục vụ chúng sanh. Ngũ dục “Tài sắc danh thực thùy” là phiền não, là căn gốc của sanh tử. Nếu chúng ta đắm chấp vào ngũ dục thì phiền phức, nhưng nếu chúng ta dùng nó để phục vụ, làm lợi ích cho chúng sanh thì không có gì chướng ngại. Ví dụ ta ôm một đống tài sản rồi sợ thành sợ bại, sợ được sợ mất, nhưng khi buông nó đi thì chúng ta tự tại.

Hòa Thượng nói: “Tất cả những phiền não, lo buồn, khổ nạn, thậm chí sinh tử luân hồi đều từ nơi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sinh ra. Sáu cõi luân hồi là từ nơi vọng tưởng mà biến hiện ra”. Chúng ta không nhận ra được chân tướng sự thật mà cứ chấp trước vào những cái hư giả, cho rằng cái giả là thật. Chúng ta cho rằng tiền tài là thật, danh vọng là thật, ngủ nghỉ, ăn uống cũng là thật, thậm chí còn cho rằng cái thân mình là thật, cho nên chúng ta hết sức bảo vệ, vỗ về nó. Đến khi nhận ra nó không phải là thật thì chung ta khổ đau đến cùng tận.

Con người chúng ta mỗi lần trải qua những khó khăn, nghịch cảnh sẽ có thể nhìn thấu hơn. Có những điều khi chúng ta “lực bất tòng tâm” rồi thì chúng ta mới cảm thấy hết sức trân trọng. Cho nên Hòa Thượng nói: “Tất cả đều là nhân duyên tốt, thuận cảnh, nghịch cảnh cũng là nhân duyên tốt. Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu chính là ở tâm của mình”. Chúng ta thấy nó tốt thì nó tốt, nếu chúng ta thấy nó không tốt thì đủ thứ không tốt sẽ tràn về.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook