220Thứ Năm, 24/03/2022, 18:52
833 · Giáo Dục Của Phật Pháp Có Ba Lần Chuyển Pháp

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 24/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 833

“GIÁO DỤC CỦA PHẬT PHÁP CÓ BA LẦN CHUYỂN PHÁP”

Giáo dục của Phật pháp có ba lần chuyển pháp. Đây là ba cách chuyển pháp, ba cách giáo dục mà Phật đã giáo dục chúng sanh.

1. Thị chuyển: “Thị” là khai thị, khai thị để chuyển pháp. Thị chuyển là chúng ta chỉ cần nghe lời khai thị thì đã ngộ.

2. Khuyến chuyển: Khuyến khích, khuyến tấn, nhắc nhở. Khuyến chuyển có nghĩa là phải khuyên nhủ, nhắc nhở, hết lòng hết dạ dạy bảo thì chúng ta mới tin.

3. Chứng chuyển: Chứng chuyển là làm ra những điều minh chứng, nêu ra những bằng chứng, đưa ra chứng cứ thì người ta mới tin. Thí dụ chúng ta được khuyên niệm Phật vãng sanh nhưng chúng ta nói rằng phải chỉ cho chúng ta thấy người vãng sanh thì chúng ta mới tin. Chắc chúng ta thuộc về hàng thứ ba này.

Nhưng có một hàng thứ tư nữa, đó là người căn tính ngu độn, nói gì cũng không nghe, bằng chứng gì cũng không tin. Hòa Thượng nói: “Hạng người này không có duyên với Phật pháp, Phật pháp không thể độ được họ”. Hạng người này không có duyên với Phật, Phật không thể độ được họ.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp thường nói: “Tam chuyển pháp luân, giáo huấn của Phật thông qua ba phương pháp giáo dục là thị chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển. Nếu dùng lời hiện đại mà nói thì đây là ba loại phương thức giáo huấn, ba lần chuyển pháp. Thứ nhất là thị chuyển. Thị chuyển là khai thị cho bạn, nhắc nhở, giảng giải, đem những đạo lý, sự thật nói rõ cho bạn nghe. Thị chuyển dành cho hàng thượng căn thượng trí. Người thượng đẳng căn tính vừa nghe thì liền khai ngộ, hoàn toàn tiếp nhận, không hoài nghi”.

Chúng ta không thuộc về hạng người căn tánh thượng đẳng. Chúng ta đã học hơn 800 chuyên đề, Hòa Thượng nhắc nhở ân cần từng phương diện trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế của chúng ta nhưng chúng ta vẫn y như cũ, vẫn chưa thấy ngộ. Chúng ta đã được khai thị nhưng vẫn không nghe ngay, không làm ngay. Chúng ta chỉ thấy là lạ, ngồ ngộ chứ chưa phải là “ngộ” của tự tánh.

Bậc thượng căn thượng chí chỉ cần nghe qua một câu, hoặc thậm chí họ sanh ra đời tuy không gặp Phật pháp nhưng chỉ cần nhìn thấy một chiếc lá vàng rơi hoặc một cảnh tượng vô thường nào đó thì họ đã giác ngộ, đã nhận ra rồi. Thích Ca Mâu Ni Phật và Ngài Lục Tổ Huệ Năng là bậc thượng căn thượng trí, chỉ cần nghe qua một lần là ngộ.

Thích Ca Mâu Ni Phật khi còn là Thái Tử Tất Đạt Đa, Ngài sống ở trong cung vàng điện ngọc, không có bất cứ một cảnh vô thường nào diễn ra trước mặt. Đó là lệnh của Vua Cha Tịnh Phạn. Khi hoa chuẩn bị héo đã được thay hoa tươi mới, cung nữ chỉ cần gảy đàn không lưu loát thì cũng được thay. Đến khi Thái Tử Tất Đạt Đa đi dạo ra ngoài của thành, vừa nhìn thấy một người già, một người bệnh thì Ngài liền bừng tỉnh. Ngài Lục Tổ Huệ Năng xưa kia vốn một tiều phu đốn củi, bán củi đổi gạo. Khi Ngài đi giao củi cho người khác, nghe thấy tiếng ông chủ nhà tụng Kinh, chỉ nghe một câu là Ngài bừng ngộ.

Chúng ta đã học hơn 800 đề tài Phật pháp rồi nhưng chỉ thấy “ngồ ngộ” chứ chưa ngộ gì cả vì phiền não vọng tưởng vẫn rẫy đầy, đối với Sinh – Lão – Bệnh – Tử vẫn chưa thấu đáo. Trong giai đoạn này, bệnh khổ, dịch bệnh triền miên, thiên tai bão lũ, một số nước đang chiến tranh, dân chúng lầm than. Chúng ta nhìn thấy cảnh chiến tranh tang tóc ở các nước trên thế giới thì nhớ lại cảnh đất nước ta thời trước, khi đó chiến tranh diễn ra cũng rất ác liệt. Thiên tai, nhân họa diễn ra rất tàn khốc. Thời xưa chúng ta đã lam lũ vất vả nên bây giờ có vất vả hơn cũng không sao. Họ quen sống sung sướng, đời sống giàu sang nên nếu một ngày bị mất điện, thiếu ăn thì họ cảm thấy rất khủng khiếp.

Học Phật pháp giúp chúng ta nhận thấy chân tướng sự thật của kiếp nhân sinh để khéo dụng tâm, khéo tu hành. Bài hôm trước, Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật thì điều trước tiên phải học giữ tâm của Phật, phải có được tâm của Phật, dưỡng tâm của Phật thường hằng trong ta. Điều thứ hai, học Phật thì chúng ta phải học được cách dụng tâm của Phật”. Chúng ta học qua rất nhiều đề tài để học cách giữ tâm của Phật, học cách dụng tâm của Phật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook