174Thứ Tư, 23/03/2022, 17:29
832 · Chúng Ta Học Phật Phải Giống Được Như Phật - Đây Mới Gọi Là Học Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 23/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 832

“CHÚNG TA HỌC PHẬT PHẢI GIỐNG ĐƯỢC NHƯ PHẬT! ĐÂY MỚI GỌI LÀ HỌC PHẬT!”

Hòa Thượng nói: “Học Phật phải thành Phật! Có những người học Phật mà còn chưa bước được vào cửa Phật, chưa nói đến việc vào được bên trong”.

Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại: Học Phật thì phải thành Phật! Đây mới gọi là học Phật! Học Phật mà thành ma, thành đồ chúng của ma thì thật đáng buồn! Hòa Thượng thấy đề tài này quá quan trọng nên Ngài nhắc đi nhắc lại đề tài này rất nhiều lần để người học Phật tự kiểm điểm khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của mình xem đã giống như Phật chưa. Chúng ta còn thấy được có nghĩa là còn có cơ hội, nếu không thấy, không có người nhắc thì cơ hội càng lúc càng xa, thậm chí không có cơ hội.

Hàng ngày chúng ta được nghe Hòa Thượng nhắc nhở. Đây là điều rất may mắn! Có nhiều người hàng ngày có đọc Kinh, có lạy Phật, có nghiên cứu Kinh giáo nên họ cho rằng họ đã học Phật nhưng đó mới chỉ là làm những việc Phật học chứ chưa phải là học Phật. Vậy thì học Phật phải như thế nào?

Hòa Thượng nói: “Học Phật chính là hướng đến Phật học tập. Ở trên Kinh giáo, Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta nhất định phải nỗ lực mà làm! Phật dạy chúng ta không được làm, không nên làm thì chúng ta nhất định phải nghe lời, không những thân không được làm mà ở trong ý niệm cũng không được có! Đây mới được gọi là học Phật.

Người học Phật phải có trí tuệ. Trí tuệ từ ở đâu mà có? Ở trong giai đoạn hiện tiền này, nguồn để tiếp nối, khai mở trí tuệ chỉ có một biện pháp là nghe Kinh và niệm Phật. Nghe Kinh mà không niệm Phật thì khai mở trí tuệ sẽ rất chậm, niệm Phật mà không nghe Kinh thì trí tuệ khai mở cũng rất chậm. Nghe Kinh niệm Phật hợp nhất lại thì trí tuệ khai mở được rất nhanh. Phật bảo chúng ta phải chuyển thức thành trí. Khi mê thì trí chuyển thành thức, chính vì vậy nó biến chúng ta thành ra như hiện tại”. Chúng ta luôn cảm tình mà hành động, làm việc gì cũng từ ở nơi cảm tình vọng động nên nó mới biến chúng ta thành ra như thế này. Thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục), buồn vui thương ghét giận hờn rất dễ xảy ra.

Hòa Thượng nói: “Sau khi giác ngộ thì thức sẽ chuyển thành trí, vậy thì bạn sẽ hồi phục lại bản lai diện mục của mình. Đây mới gọi là học Phật! Bản lai diện mục chính là tự tánh thanh tịnh không hề ô nhiễm của mỗi chúng ta. Chúng ta học Phật, làm học trò của Phật, làm đệ tử của Phật thì học cái gì? Trước tiên, chúng ta phải học giữ tâm của Phật, phải có được tâm của Phật, phải có hằng tâm của Phật”. Tự tánh của chúng ta vốn thanh tịnh nhưng chúng ta làm cho nó bị ô nhiễm bởi tình thức, cảm tình làm việc.

Trước đây tôi đã từng giảng đề tài: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn”. Phật tâm là tâm của Phật. Ngày nay chúng ta Phật hiệu cũng quên mà Phật tâm thì không có, vậy thì chúng ta thành đồ chúng của ma, học trò của ma, nhưng không phải là học trò hàng đệ tử cao mà chỉ là hàng đệ tử thấp. Trước tiên, chúng ta phải có tâm của Phật, ban đầu chưa giống nhưng chúng ta cố gắng hướng đến, cố gắng làm, chỗ nào chưa giống thì chúng ta phải sửa cho giống!

Hòa Thượng nói: “Điều thứ hai, học Phật thì chúng ta phải học sự dụng tâm của Phật, có được tâm của Phật rồi nhưng phải học sự dụng tâm của Phật. Có tâm của Phật, có dụng tâm của Phật vậy thì tâm của chúng ta không hề khác biệt với Phật. Đó mới gọi là học Phật. Nếu chúng ta không có được tâm Phật, không dụng tâm của Phật thì chúng ta học cái gì?”.

Hiện tại có rất nhiều người học Phật nhưng không có kết quả tốt vì không làm đúng. Họ không có tâm Phật, cũng không dụng được tâm Phật. Hàng ngày họ vẫn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Học Phật mà dụng tâm của ma thì thành ma, thành đồ chúng của ma.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta mỗi ngày thời khóa sớm tối, mỗi ngày đọc Kinh niệm Phật, đây có phải là học Phật không? Không phải! Đó chỉ là tiếp xúc một chút “không khí” của nhà Phật, chỉ là mới tiếp xúc một chút cảnh duyên của nhà Phật. Vậy thì như thế nào mới được gọi là học Phật? Phải học làm Phật: Phật chân thành đối với người thì chúng ta phải chân thành đối với người. Phật bình đẳng đối với người thì ta phải bình đẳng đối với người. Phật từ bi đối với tất cả chúng sinh thì chúng ta phải từ bi đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta phải từ chỗ này mà học tập! Phải bắt đầu làm từ ngay chỗ này! Vậy thì mới gọi là học Phật!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook