220Thứ Ba, 22/03/2022, 16:37
831 · Phật Không Dạy Người Bần Cùng, Không Dạy Người Lạc Hậu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 22/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 831

“PHẬT KHÔNG DẠY NGƯỜI BẦN CÙNG, KHÔNG DẠY NGƯỜI LẠC HẬU”

Rất nhiều người không hiểu được nhà Phật, không hiểu giáo huấn của Phật nên họ cho rằng Phật dạy người bần cùng, dạy người lạc hậu. Ý niệm đó hoàn toàn sai lầm! Để đạt đến quả vị Phật, quả vị Bồ Tát thì người học Phật phải hoàn thành giai đoạn hoàn thiện bản thân để công cuộc độ sinh, lợi ích chúng sanh được tốt hơn. Có người nói: “Phật giáo là vô ngã, vậy thì ai tu thành Phật, ai niệm Phật để vãng sanh? Các vị vãng sanh, các vị tu thành Phật. Đó chẳng phải là đại ngã hay sao?”. Họ không hiểu rằng thành Phật, thành Bồ Tát mới chỉ là hoàn thành học vị để công cuộc độ sanh, giúp chúng sanh được tốt hơn.

Đức Phật đã làm ra tấm gương nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm, ba y một bát. Phật không tham cầu vì Ngài biết rõ rằng “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả đều là hư vọng, chúng ta dính mắc, chấp trước thì chúng ta sẽ khổ đau. Đức Phật thị hiện đời sống như vậy để chúng sanh thấy Ngài đáng được sống vinh hoa phú quý nhưng Ngài lựa chọn không sống vinh hoa phú quý. Ngài làm ra biểu pháp để chúng sanh học theo, không dính mắc vào “tài sắc danh thực thùy” chứ Ngài không bắt buộc hoặc khuyên bảo chúng ta phải sống như vậy. Phật pháp chú trọng trên tâm chứ không chú trọng trên tướng. Ta sống ở thế gian làm thế nào để không bị nhiều thứ ràng buộc phân tâm, như vậy mới đúng!

Hòa Thượng nói: “Thông thường người thế gian không muốn tiếp nhận Phật pháp, căn bản không hiểu Phật pháp rồi cho rằng Phật dạy người bần cùng, lạc hậu. Tư tưởng cách nghĩ này của họ là sai lầm. Vì sao Phật trải qua đời sống khổ cực đến như vậy? Đức Phật trải qua ngày tháng khổ cực vì muốn giúp đỡ chúng sinh, đem mức độ đời sống của họ nâng lên cao. Các bạn muốn hỏi: Không làm việc, không buôn bán, không nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật thì dùng phương pháp gì để nâng cao đời sống của chúng sanh?

Có một đại học vấn ở trong đó. Nếu chúng ta dùng vật chất để cứu giúp người khác thì đây không phải là việc tốt vì cứu tế vật chất chỉ có thể cứu nhất thời, không thể cứu một đời. Chúng ta nhất định không thể bảo người ta cả một đời sống chỉ dựa vào sự cứu tế! Không có đạo lý này! Cha Mẹ thương yêu, chăm sóc con cái đầy đủ mọi mặt nhưng con cái không thể cả một đời nương tựa vào Cha Mẹ. Phải hướng dẫn họ, giúp đỡ họ khai mở trí tuệ! Phải giúp họ có năng lực để mưu sinh! Đây mới là chân thật thương yêu, chân thật chăm sóc.

Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh, giúp họ khai mở trí tuệ, giúp họ nâng cao phẩm chất của đời sống. Người chân thật học Phật nhận được lợi ích trước mắt là an thân, an tâm, pháp hỷ sung mãn, rồi từ đời sống phàm phu nâng cao lên đời sống của Bồ Tát, của Phật. Đó là mục tiêu mà Đức Phật giáo hóa chúng sanh. Để giúp chúng sanh nâng cao đời sống từ đời sống của phàm phu tạo nghiệp bất thiện, Đức Phật dạy họ thay đổi khởi tâm động niệm. Khi họ chân thật làm được rồi thì họ thay đổi từ đời sống phàm phu thành đời sống của Phật Bồ Tát. Đó mới là chân thật nghĩa mà Đức Phật muốn dạy chúng sanh”.

Nếu Đức Phật từ cõi khác đến, tự nhiên trở thành vị Phật, không trải qua những ngày tháng khổ cực thì người ta sẽ nghi ngờ. Phật muốn trải qua đời sống giống như người khổ cực nhất. Chúng sanh trải qua đời sống khổ đến tận cùng thì Ngài cũng có thể sống như vậy. Đó chính là “hòa hoan hồng trần”.

Người ta thấy Đức Phật buông bỏ, không tham chấp, không vướng mắc thì họ tưởng rằng Phật dạy người phải sống bần cùng, lạc hậu. Phật không dạy chúng ta bần cùng, không dạy chúng ta lạc hậu mà Ngài dạy chúng ta nhận ra chân giá trị của đời sống để không chìm đắm trong những cái giả. Nếu chúng ta chìm đắm trong cái giả thì khi vô thường đến, chúng ta sẽ khổ cùng cực. Chúng sanh ở thế gian trải qua tám khổ “sinh lão bệnh tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ”. Phật dạy chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sinh để chúng ta sống một cách tự tại. Có nhiều người nói: “Cuộc đời này khổ đau quá, không cần làm gì hết nữa!”. Đó là sai rồi! Ta biết rõ để không đắm chấp vào nó, để ta trân trọng, sống cho trọn vẹn thời gian ở thế gian này.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook