222Thứ Sáu, 18/03/2022, 18:30
827 · Có Phải Người Tốt Chết Không Được Tốt Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 18/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 827

“CÓ PHẢI NGƯỜI TỐT CHẾT KHÔNG ĐƯỢC TỐT KHÔNG?”

Thế gian cho rằng người tốt thường chết sớm, người ác thì sống dai. Họ cho rằng đừng nên làm người tốt quá, chỉ nên tốt vừa vừa thôi. Đó là những người không hiểu nhân quả, chỉ nghe theo vọng tưởng. Chúng ta học Phật, biết nhân quả thông ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Những người hiền mà chết sớm cũng chỉ rất ít chứ không nhiều. Người ta chỉ chú tâm đến những người ác mà họ ghét, họ thấy người ác vẫn sống nên họ nghĩ: “Sao người ác cứ sống hoài, sao không chết sớm đi!”. Vì vậy họ cho rằng người ác sống lâu, người hiền chết sớm.

Trong lịch sử có rất nhiều trung thần, rất nhiều người cống hiến cho quốc gia, cho dân tộc và họ bị gian thần, tặc tử hại chết. Cho đến ngày nay cũng vậy, người tốt luôn bị kẻ xấu hãm hại. Người làm việc tốt luôn bị ghen ghét, cản trở, hãm hại. Chưa nói đến người ác, ngay những người bình thường cũng vì có tâm đố kỵ mà cản trở lẫn nhau.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay chúng ta làm việc tốt thì không nên khoa trương, không nên khoe khoang mà phải âm thầm làm vì nếu bạn khoa trương thì sẽ có một số người ác, người đố kỵ đến tạo chướng ngại. Họ gây cản trở, không để cho bạn có được thành tựu. Họ không biết được rằng khi người khác làm việc tốt mà họ phá hoại, chướng ngại, đố kỵ thì tương lai họ khổ báo rất thê thảm”.

Chỉ cần chúng ta bình lặng quán sát thế gian hiện tại thì sẽ thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Cho nên chúng ta làm việc tốt thì không khoa trương để chúng ta có nhiều thời gian làm được nhiều việc tốt hơn mang lại nhiều lợi ích cho chúng sinh. Nhiều năm chúng ta tổ chức lễ tri ân khắp ba miền Bắc Trung Nam nhưng chúng ta không mời báo chí, không mời truyền hình để quảng cáo. Đó là chúng ta nghe lời Hòa Thượng dạy, không khoa trương.

Trong mùi hương của các loài hoa, mùi hương của “hoa đức hạnh” sẽ tự nhiên ngược gió bay đến muôn phương như người xưa nói “hữu xạ tự nhiên hương”. “Hoa đức hạnh” sẽ tự tỏa hương và lan xa chứ chúng ta không cần dùng cách nào đó để đưa mùi hương ấy đi. Nếu chúng ta cố tình làm như vậy thì đó là tự mình khoe khoang, sẽ khiến cho rất nhiều người đố kỵ, chướng ngại chúng ta.

Người ta không hề biết được rằng nếu gây chướng ngại cho một người thì tội đó còn nhỏ, nhưng nếu gây chướng ngại cho người mang lại lợi ích cho nhiều người thì quả báo vô cùng to lớn. Hòa Thượng nói: “Chúng ta hại những vị Thầy, những bậc A La Hán, những bậc Bồ Tát thì không kết tội ở một người bị hại mà kết tội theo năng lực giáo hóa một phương của họ, kết tội theo số người mà họ có thể giáo hóa”. Nếu chúng ta cản trở một vị Thầy, một vị A La Hán hoặc một vị Bồ Tát thì tội của chúng ta được tính theo năng lượng độ sanh của họ, tính theo số người vì bị chúng ta cản trở mà không tiếp nhận được sự giáo hóa. Số lượng những người này vô cùng lớn cho nên nhân quả mà chúng ta tạo ta không thể tính kể! Vì vậy nhân quả của tội đố kỵ rất nặng!

Chúng ta quán sát tâm mình thì sẽ thấy khi người khác làm việc tốt, chúng ta không thực sự hoan hỷ, không tán thán theo mà chúng ta đa phần sinh tâm đố kỵ: “Người khác làm có gì hay đâu! Ta cũng làm được!”. Tâm cảnh của chúng ta luôn diễn ra sự đố kỵ. Chúng ta đang lái xe ô-tô, thấy một chiếc xe khác cố tình vượt lên thì chúng ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi chúng ta lái xe, chúng ta có thể quán sát xem mình có tâm đố kỵ hay không. Hôm qua tôi lái xe, khi có người muốn đi vượt qua xe tôi, tôi chợt nghĩ: “Chỉ cần mình tăng ga thì sẽ vượt qua được họ ngay!”. Nhưng đó là ý nghĩ đố kỵ nên tôi phải dập tắt ngay ý nghĩ đó. Khi các xe khác muốn vượt qua thì tôi nhường, khi vượt qua xe tôi rồi thì họ rất vui vẻ, sảng khoái. Nếu chúng ta không kiểm soát tâm đố kỵ của mình từng giây, từng phút thì chúng ta sẽ bị nó dẫn dắt mà chính mình không nhận ra.

Hòa Thượng nhắc: “Bạn làm việc tốt thì nên âm thầm mà làm vì nếu khoa trương thì bạn sẽ bị đố kỵ, chướng ngại, phá hoại, do vậy bạn sẽ không có cơ hội làm việc làm tốt cho chúng sanh”. Nhờ lời dạy này của Hòa Thượng mà từ lâu nay trong các buổi lễ tri ân Cha Mẹ, tôi đều tránh sự tri ân của mọi người dành cho tôi. Tôi chỉ giúp mọi người tri ân Cha Mẹ, tri ân vợ chồng của họ chứ không để mọi người tri ân tôi. Tôi dặn mọi người trong những buổi lễ hay trong những cuộc nói chuyện, mọi người không nhắc đến tôi thì càng tốt. Tâm cảnh thật của tôi đúng là như vậy! Tôi muốn có nhiều thời gian để làm những việc tốt hơn cho cuộc đời để “ngước mặt lên không hổ thẹn với trời, nhìn xuống không hổ thẹn với người”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook