124Thứ Năm, 17/03/2022, 17:55
826 · Cảm Có Bốn Loại, Ứng Cũng Có Bốn Loại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 17/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 826

“CẢM CÓ BỐN LOẠI, ỨNG CŨNG CÓ BỐN LOẠI”

Bài học hôm nay, Hòa Thượng giải thích cho chúng ta đạo lý của cảm ứng. Đôi khi chúng ta cảm thấy rất mơ hồ, không hiểu rõ như thế nào là “cảm”, như thế nào là “ứng”, “cảm” như thế nào để có được “ứng”. Đơn giản là khi chúng ta cầm cái dùi gõ vào cái trống, khi ta gõ nhẹ thì nó phát ra tiếng kêu nhẹ, khi ta gõ mạnh thì nó phát ra tiếng kêu to. Vậy thì tâm cảm của ta phải như thế nào để có thể cảm được Phật Bồ Tát? Không phải là Phật Bồ Tát yêu cầu chúng ta phải nịnh bợ các Ngài đến một mức độ nào đó thì các Ngài mới ứng mà cảm ứng đến từ mức độ thành tâm, thành ý của chúng ta. Thế gian có rất nhiều người không phát khởi được tâm cảm thuần chánh thuần thiện. Tâm cảm không thuần chánh, thuần thiện mà họ muốn có ứng thuần chánh thuần thiện thì không thể nào có được!

Cảm ứng cũng chính là đạo lý nhân quả, trồng nhân tốt thì nhất định sẽ có quả tốt, trồng nhân xấu thì phải nhận quả xấu. Tổ Ấn Quang đã nói: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. Tâm chúng ta chân thành đến tột đỉnh thì tự nhiên chuyển được tâm phàm, có nghĩa là chúng ta toàn tâm toàn ý muốn cải đổi thì mới có thể cải đổi được. Có nhiều người cứ ngồi đó mà cho rằng chỉ người khác mới làm được, còn họ không thể làm được nhưng không có chuyện “không thể” mà do họ không thật làm. Phật Bồ Tát cũng là phàm phu tu hành nhiều đời. Bao nhiêu đời Tổ Sư Đại Đức cũng là phàm phu, các Ngài mô phỏng theo Phật Bồ Tát mà làm. Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải nỗ lực mà làm, thật làm thì mới thật chuyển đổi, nếu không thật làm thì không thể có được sự chuyển đổi.

Thế gian nói: “Bỉ ký trượng phu, ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thối khuất”. Người là trượng phu, ta không là trượng phu sao? Người là quân tử, ta không là quân tử sao? Người là Phật Bồ Tát thì ta cũng có thể là Phật Bồ Tát. Chẳng qua chúng ta không làm mà thôi, nếu chúng ta thật làm thì nhất định sẽ làm được. Thật làm thì chúng ta phải bỏ đi những tập khí phiền não của mình. Tập khí là những thói quen xấu: Chúng ta đã quen nói dối nên bây giờ không nói thật được. Chúng ta đã quen “tự tư tư lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” nêu nếu không có “danh vọng lợi dưỡng” thì cảm thấy lỗ lã. Chúng ta đã quen hưởng thụ “năm dục sáu trần” nên nếu không được hưởng thì không chịu nổi.

Chúng ta bỏ đi những tập khí phiền nào này chính là thật làm. Thật làm không phải là hàng ngày bưng phẩm vật, đồ cúng, tiền bạc dâng lên cho Phật Bồ Tát. Đây là hành động lo lót, bợ đỡ. Vậy mà có những người cho rằng làm như vậy sẽ được Phật Bồ Tát ban phước. Chúng ta kính dâng phẩm vật cúng dường Phật Bồ Tát, Tổ Sư Đại Đức là để hoài niệm, tri ân chứ không phải để cầu xin, trao đổi.

Nhà Phật có câu: “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”, trong nhà Phật có cầu tất có ứng. Nhiều người hiểu sai, họ cầu mua may bán đắt, cầu thăng quan phát tài, cầu giàu sang vinh hiển. Họ không biết đạo lý cầu, không hiểu rõ đạo lý: “Muốn có tiền tài thì bố thí tiền tài; Muốn thông minh trí tuệ thì bố thí năng lực, bố thí pháp; Muốn khỏe mạnh sống lâu thì bố thí vô úy”. Gieo nhân yêu thương thì gặt hái quả yêu thương. Đó là đạo lý. Chúng ta làm ra nhiều việc oan trái, khiến cho bao nhiêu người khổ đau mà lại muốn mình được an lạc, khiến cho người khác nghèo đói mà lại muốn mình được ấm no. Chúng ta cúng Phật Bồ Tát những đồng tiền bất chính thì làm sao có được quả tốt!

Hữu cầu tất ứnglà có cầu ắt có ứng nhưng phải hiểu rõ đạo lý thì có cầu mới có ứng, nếu không hiểu rõ đạo lý thì chỉ là mê tín. Trong nhà Phật, người hiểu rõ được điều này rất ít. Những người học Phật như vậy chỉ là danh tự học Phật, chỉ là “hữu danh vô thực” chứ thực chất không học Phật. Thế gian nhìn vào họ cho rằng người học Phật là mê tín.

Hòa Thượng nói: “Đạo lý của cảm ứng, sự tướng của cảm ứng rất phức tạp. Phật vì chúng ta nói rõ và đem quy nạp thành bốn loại: Loại thứ nhất làhiển cảm hiển ứng, ta làm một cách rõ ràng ta cũng có được cảm ứng rõ ràng. Loại thứ hai là hiển cảm minh ứng, ta làm một cách hết sức rõ ràng nhưng ứng âm thầm. Loại thứ ba là minh cảm hiển ứng, minh cảm là trong tâm ta khởi, bên ngoài không thấy, hiển ứng là nghĩ trong lòng nhưng kết quả rất rõ ràng. Loại thứ tư là minh cảm minh ứng”, có nghĩa là cái cảm ở trong tâm và cái ứng là chúng ta cảm nhận được rằng mình đã nhận được”. “Minh cảm minh ứng” là chúng ta cảm nhận được dường như có Long Thiên Thiện Thần, Phật Bồ Tát gia hộ cho nên việc này mới tốt như vậy.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook