153Thứ Bảy, 19/03/2022, 16:03
828 · Tạm Biệt Tôi Đi Đây

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 19/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 828

TẠM BIỆT! TÔI ĐI ĐÂY!”

Chúng ta đã mơ mơ hồ hồ mà đến thì không thể để cho mình mơ mơ hồ hồ mà ra đi. Hòa Thượng nói: “Nếu mơ mơ hồ hồ mà ra đi thì bạn đã uổng phí cả một cuộc đời rồi!. Cho dù bạn là ai, dù bạn làm việc gì đi chăng nữa mà lúc ra đi bạn mơ mơ hồ hồ thì coi như bạn đã uổng phí một lần đến nhân gian.

Người xưa có câu: “Việc tốt không bằng không việc gì”, câu này nghĩa là bạn làm việc tốt mà tâm dính mắc, vướng bận thì không bằng không làm gì. Có người cho rằng làm việc tốt sẽ khiến tâm họ vướng bận nên họ không làm việc tốt mà chỉ niệm Phật. Người xưa muốn nhắc nhở: Chúng ta nên làm việc tốt nhưng tâm không vướng bận, không dính mắc để khi ra đi được tự tại. Chúng ta tu hành, vẫn làm những việc lợi ích cho thế nhân, đến khi ra đi thì tự tại:Tạm biệt nhé! Tôi đi đây!”. Đã có rất nhiều người làm được vậy, đây không phải là việc bất khả thi.

Trong “ngũ phước” thì mọi người thường hay dán ở cửa nhà vào ngày Tết phước cuối cùng là “khảo chung mệnh” có nghĩa là chết an lành. Người không niệm Phật nhưng ra đi một cách an lành thì vẫn có thể sinh về thế giới an lành. Nếu bạn mơ mơ hồ hồ mà ra đi thì nhất định sẽ về một thế giới mơ mơ hồ hồ. Ta quán sát xem: Hàng ngày ta làm việc có rõ ràng, tường tận hay không? Nếu hàng ngày ta làm việc không rõ ràng, không tường tận, hiện tại ta mơ hồ thì đến lúc sau cùng ta cũng sẽ mơ mơ hồ hồ.

Có nhiều người quên trước quên sau, việc vừa mới xảy ra đã quên rồi. Chúng ta làm việc, mọi thứ đều phải tường tận, rõ ràng. Hàng ngày tôi làm việc, chỗ nào trồng cây gì tôi đều nhớ. Có bữa tôi ủ một lúc năm - sáu loại hạt, tôi phải nhớ loại hạt nào nảy mầm sớm, loại nào nảy mầm trễ để lấy hạt đi gieo đúng vào thời điểm phù hợp. Nếu những việc này mà tôi lơ đễnh, quên trước quên sau thì cây sẽ không thể phát triển được. Việc nhỏ mà chúng ta còn mơ hồ thì đến việc lớn sinh tử cũng vậy!

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật chúng ta sợ nhất là lúc lâm chung, nghiệp chướng hiện tiền. Lúc lâm chung, ta bị bệnh nhẹ nhàng thì không sao nhưng nếu có bệnh khổ, bệnh nặng làm mê man thần trí thì coi như cuộc đời tu hành đã uổng phí. Người niệm Phật mà khi lâm chung có bệnh khổ thì sự việc này rất phiền phức. Lúc bình thường, chúng ta tinh tấn niệm Phật, tích công bồi đức là để cầu đến khi lâm chung được chết một cách nhẹ nhàng, gọi là “lâm chung hưởng phước”. Người có phước thì tuổi già không bị bệnh khổ, đến lúc lâm chung không có bệnh khổ. Người có phước thì khi lâm chung rõ ràng, tường tận, minh tường mọi sự việc, không mơ mơ hồ hồ”.

Người mơ mơ hồ hồ thì không thể về được cõi an lành. Nhiều người lúc bình thường việc gì cũng mơ mơ hồ hồ, họ nghĩ lúc Phật rước thì họ sẽ tỉnh táo, nhưng bình thường họ đã mơ hồ rồi thì khi lâm chung họ sẽ càng mơ hồ hơn. Hòa Thượng nhắc chúng ta trong đời sống hiện tại phải tích cực tạo phước. Người xưa luôn biết tích công bồi đức, không phải tích phước để hưởng thụ trong đời sống mà để khi về già “lâm chung hưởng phước”.

Hòa Thượng nói: “Các vị bình lặng mà quan sát xem: Không luận là người xuất gia hay tại gia, khi lâm chung có mấy người có được thần trí rõ ràng? Việc này rất đáng để chúng ta phản tỉnh! Nếu chúng ta không phản tỉnh thì coi như đã lãng phí một đời tu hành”.

Điều cản trở chúng ta chính là vọng tưởng, chấp trước, từ đó sinh phiền não. Chúng ta cứ cho rằng người ta xem thường mình, không kính trọng mình. Rất nhiều tập khí của chúng ta dấy khởi, làm hại cho cuộc đời tu hành của chúng ta, trong đó tập khí nặng nhất là dính vào “cái ta”, “cái của ta”. Những gì dính đến “người của ta” thì liền có sự phân biệt chấp trước.

Hòa Thượng nói: “Các vị quán sát xem: Ngày nay người xuất gia và tại gia, mấy người lúc lâm chung được định tĩnh mà nói được: “Bái bai! Tạm biệt nha! Tôi đi đây!”. Điều này rất đáng để chúng ta phản tỉnh! Trong 1000 người chỉ có 1 đến 2 người có được sự định tĩnh như vậy. Chúng ta quán sát xem khởi tâm động niệm của mình có được định tĩnh như vậy không. Hòa Thượng nói: “Ngài Lý Bỉnh Nam có hơn 300.000 học trò mà trong đó chỉ có hơn 30 người vãng sanh”. Thời đó, tâm người còn thuần phác, internet chưa có, điện thoại rất ít mà số người vãng sanh còn ít như vậy. Ngày nay mạng xã hội Zalo, TikTok, Facebook...làm cho tâm người càng thêm động loạn. Hôm trước có người gọi điện cho tôi nói: “Chú ơi, con gửi bảng đánh giá chất lượng dịch vụ. Chú làm ơn đánh giá giúp con xem dịch vụ như này có tốt không”. Tôi nói: “Tôi dùng điện thoại “cùi bắp”, không thể mở được bảng đánh giá nên anh cứ ghi là tôi đánh giá ở mức tốt nhất!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook