276Thứ Tư, 16/03/2022, 11:12
825 · Tự Tìm Đến Cái Chết

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 16/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 825

“TỰ TÌM ĐẾN CÁI CHẾT”

Ai cũng sợ chết, ai cũng trân quý sự sống, vậy mà trên thế giới có những người không tự vẫn nhưng họ xin được chết. Có một số quốc gia đồng ý cho người bệnh được chọn cái chết. Trước đây tôi đọc một bài báo về vấn đề này nên tôi mới có thể hiểu được việc này. Bài báo đó nói về một nhà khoa học lớn tuổi, ông không muốn sống nữa nên xin được chết. Cuộc sống có muôn vàn điều tốt đẹp nhưng họ không biết dùng cuộc sống để hi sinh phụng hiến, để làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời mà họ cảm thấy buồn chán vì sống hoài không chết.

Cụ bà Hứa Triết sống đến 114 tuổi. Cả đời cụ hi sinh phụng hiến, hơn 110 tuổi rồi mà cụ vẫn đi lo cho những người bệnh già nhỏ tuổi hơn mình. Cụ hoan hỉ làm những việc rất khổ cực, vất vả để chăm sóc người bệnh như tắm rửa, chăm sóc, hót phân cho người bệnh. Trước khi mất, cụ dặn người thân không thông báo cho mọi người biết để không tốn giấy mực, không tốn những tràng hoa phúng viếng.

Chúng ta thấy trên đời có những người tận hiến như vậy nhưng cũng có rất nhiều người đi tìm cái chết. Họ đi tự vẫn, nhảy lầu, uống thuốc độc tự sát làm cho Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc vô cùng đau lòng. Cuộc sống này rất quý báu, vậy mà họ không dùng nó để làm những việc lợi ích cho cộng đồng xã hội mà đi làm những việc dại khờ. Thầy Thái Lễ Húc nói: “Đời sống cần có những tấm gương để chúng ta có mục tiêu phương hướng, để làm những việc cần làm, không làm những việc thừa”. Nếu không có những tấm gương, không có mục tiêu thì đời sống của chúng ta sẽ có rất nhiều những việc thừa không cần thiết.

Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện đại, có những người vì ở trong một giai đoạn bệnh khổ cực đoan nên mong muốn mọi người hãy cho họ được chết một cách nhẹ nhàng. Trong xã hội có người tán đồng nhưng cũng có người phản đối cách làm này. Họ không biết rằng tất cả những thọ nhận trong cuộc đời của chúng ta đều là nhân trước quả sau. Nếu đời này chúng ta không trả hết những món nợ thì nợ vẫn còn, lại lây rây đến đời sau phải trả tiếp. Điều này giống như việc chúng ta phải thanh toán một khoản tiền. Hóa đơn thanh toán gửi đến rồi, chúng ta phải trả đầy đủ thì mới hết nợ. Nếu chúng ta quỵt nợ, trốn nợ thì chỉ trốn được nhất thời chứ không trốn được mãi mãi”.

Họ không học Phật nên không hiểu “nhân sanh thù nghiệp”. Chúng ta đến cuộc đời này để trả những nghiệp đã vay, đã tạo. Nhiều người bệnh khổ quá nên muốn tìm đến cái chết, họ tưởng rằng “chết là hết”. Họ không biết rằng sau khi chết, họ lại đi vào vòng luân hồi sinh tử, rồi vẫn phải quay trở lại để trả nghiệp cũ. Người học Phật hiểu được điều này nên biết cách sống như thế nào cho đúng.

Bồ Tát rất hoan hỷ thọ nhận tất cả những gì họ cần phải tiếp nhận trong cuộc đời. Còn chúng sanh khi ở trong tiện nghi, thuận cảnh thì vui, nhưng khi gặp nghịch cảnh thì oán trời, trách người, không chịu tiếp nhận mà luôn tìm cách trốn tránh, tránh né. Thậm chí có những người tìm đến cái chết, nếu không tự chết được thì họ xin được chết.

Bài học hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Điều này tưởng chừng dễ hiểu nhưng rất nhiều người không hiểu. Ngày ngày chúng ta được nghe Phật pháp. Có người cảm thấy nghe nhiều thành thừa mứa cho nên thích thì nghe, không thích nghe thì đi ngủ. Có rất nhiều người không nghe được Phật pháp, không được tiếp nhận giáo huấn của Phật cho nên đời sống không có phương hướng. Họ tùy theo tập khí mà tạo nghiệp, rồi tùy theo nghiệp báo mà thọ nghiệp, tạo nghiệp rồi lại thọ nghiệp, cứ luẩn quẩn mãi như vậy. Họ rất đáng thương!

Nhiều người trước đây học Phật, ăn chay niệm Phật nhưng một thời gian sau họ nghe theo lời người khác, họ cho rằng họ có nhiều tiền quá, không bao giờ tiêu hết nên bây giờ họ không ăn chay nữa mà ăn đủ thứ. Trước đây họ thường phóng sanh nhưng bây giờ họ không phóng sanh. Họ cảm thấy an tâm vì tuy họ không ăn chay niệm Phật nữa nhưng tiền vẫn đến rất nhiều. Chẳng qua là nhân quả chưa đến mà thôi, khi nhân quả đến rồi thì hối hận không kịp! Không thể có chuyện tạo nhân mà không nhận quả! Trồng hạt ớt thì chắc chắn ra cây ớt, trồng hạt dưa thì hạt dưa sẽ phát triển thành cây dưa, chắc chắn sẽ kết thành quả dưa. Kinh Phật đã nói: “Nhân quả không mảy may sót lọt”. Tất cả đều không mảy may sót lọt, đều đối xứng, hay còn gọi là “đối hiện”.

Hòa Thượng nhắc: “Có những người không muốn sống, họ xin được chết, họ yêu cầu bác sĩ kết thúc sinh mạng của họ. Việc này cũng giống như tự sát hoặc tha sát. Người học Phật tuyệt đối không nên làm việc này! Người tự sát thì còn thống khổ hơn nhiều khi còn sống vì khi đã tự tìm cái chết thì phải đọa lạc. Tự tìm cái chết là “uổng tử”, oan uổng mà chết thì nhất định phải tìm thế thân, nếu không tìm thế thân thì họ không thể đi đầu thai được. Sự việc này hết sức phiền phức!”.

Nhiều người tưởng rằng “chết là hết”, họ mắc nợ quá nhiều, nợ tình, nợ tiền ở thế gian nhiều, họ đã quá khổ vì vợ vì con rồi nên họ nghĩ “chết là xong”. Nhưng chết không phải là hết! Một khi đã tạo nhân thì nhất định phải nhận quả, chỉ là quả đến sớm hay muộn mà thôi, đã nợ thì nhất định phải trả. Họ tưởng họ kết thúc đời sống này thì có thể quỵt nợ. Hòa Thượng nói: “Đó không phải là một ý nghĩ tốt, không phải là một ý nghĩ đúng đắn mà là ý nghĩ hoàn toàn sai lầm!”. Khi ta không trả hết nợ, không giải quyết rõ ràng, đời này không trả hết nợ thì đời sau vẫn phải trả tiếp. Hòa Thượng nói: “Ngay đời này chúng ta trả hết tất cả các món nợ thì chẳng phải tốt hơn sao! Để đời sau lại tiếp tục trả, lây rây tiếp thì không tốt chút nào!”. Chúng ta học Phật, được tiếp nhận giáo huấn của Phật thì mới hiểu. Người thế gian tưởng rằng “chết là hết” mà không biết rằng sau khi chết thì rất rất phiền phức.

Trong Tịnh Độ có câu: “Nghiệp tận, tình không, ta về nơi ấy”. “Nghiệp tận” là hết nghiệp, “tình không” là không còn những ân oán. “Nơi ấy” chính là Tây Phương Cực Lạc.

Hòa Thượng nói: “Người ta tự tìm đến cái chết, chết bằng cách nào đó. Đây gọi là “bức tử”, vậy thì cứ qua 7 ngày họ lại phải chịu đựng cái chết đó một lần. Như vậy thì rất đáng thương! Nếu họ không tìm được thế thân thì không có cách nào để đầu thai mà cứ phải diễn lại cảnh chết đó”.

Phật nói: “nhân sanh thù nghiệp”, nghiệp trong quá khứ ta đã tạo, nhân đã tạo thì nhất định kết thành quả, không khác được. Chúng ta biết được đạo lý nhân quả thì chúng ta có cách để làm chủ vận mệnh của mình.

NHÂN: Nhân đã tạo thì chúng ta không cách gì thay đổi được. Trong nhiều đời quá khứ, chúng ta đã tạo vô lượng nhân, nhân thiện nhân ác không thiếu loại nào, bây giờ chỉ cần gặp duyên thì nhân sẽ kết thành quả.

DUYÊN: Duyên ở ngay trong đời sống này. Ta hãy nắm lấy duyên trong đời hiện sinh này! Ta “đoạn ác tu thiện”, chỉ tạo nhân thiện, không tạo nhân bất thiện thì ta nắm chắc được duyên rồi!

QUẢ: Duyên thiện sẽ dẫn khởi nhân thiện trổ ra quả thiện. Ví dụ nhân là hạt dưa, hạt bầu, hạt bí. Duyên là đất, hơi ấm, lượng nước, lượng phân bón đầy đủ. Nhân duyên này sẽ kết thành trái dưa, trái bầu, trái bí. Chúng ta học Phật, biết được đạo lý nhân quả, nhân thiện cộng duyên thiện kết thành quả thiện. Chúng ta kết nối duyên thiện để kết thành quả thiện, không kết nối duyên ác. Nếu ta tùy tiện theo tập khí làm điều ác thì chúng ta sẽ làm cho vô số nhân xấu của đời quá khứ kết thành quả xấu.

Rất nhiều người đã chuyển đổi được vận mệnh. Hòa Thượng xuất thân trong gia đình nghèo, trước đây Ngài lưu lạc tha phương. Những nhà tướng số đều nói Ngài không thể sống quá 45 tuổi. Lúc bà Hàn Quán Trưởng tự đi xem bói cho Hòa Thượng, thầy bói nói: “Người này, tên này, tuổi này, sinh vào ngày tháng này thì chết rồi”. Khi biết Hòa Thượng vẫn sống thì thầy bói ngạc nhiên nói: “Không thể nào!”. Hòa Thượng vốn không có tiền tài, không có sức khỏe, không có tuổi thọ thì giờ đây Ngài đã có tất cả.

Hòa Thượng may mắn gặp được Phật pháp. Khi đến tham học với Chương Gia Đại Sư, Hòa Thượng nói: “Thưa Đại Sư, con biết Phật pháp rất tốt. Vậy làm cách nào để bước vào Phật pháp?”. Đại sư Chương Gia dạy Hòa Thượng bố thí. Hòa Thượng nói: “Con bây giờ đến ăn còn không đủ thì làm sao mà bố thí?”. Đại Sư hỏi: “Vậy ông có 1 đồng, 1 xu không?”. Hòa Thượng nói: “1 đồng thì con ít ăn đi một chút là có”. Đại Sư nói: “Vậy thì ông hãy bắt đầu từ 1 đồng!”. Hòa Thượng đã khởi đầu cho cả hành trình của mình từ 1 đồng. Ban đầu Ngài bố thí, làm việc thiện như in sách, góp tiền mua thuốc cho người bệnh, góp tiền phóng sanh. Từ 1 đồng mà Ngài đã thay đổi vận mệnh: Từ không có sức khỏe trở thành có sức khỏe tốt, từ không có tuổi thọ trở thành có tuổi thọ, từ không có tiền tài mà trở thành có thể làm được mọi việc. Ngài đã làm nên rất nhiều việc lớn lao.

Vậy thì ngay trong đời sống này, chúng ta chủ động tạo duyên thiện, không dẫn khởi nhân ác, không kết thành quả ác. Đây là lợi ích chân thật khi chúng ta tiếp nhận lời dạy của Phật. Nhiều người tưởng rằng học Phật, quy y Phật là để được Phật bảo hộ, che chở. Suy nghĩ này sai hoàn toàn! Rất nhiều người bị dạy sai như vậy nên rất khó mà nhắc họ sửa đổi.

Hòa Thượng nói: “Bạn ở ngay trong đời này bị bệnh khổ, đây là nghiệp báo. Nếu bạn không tiếp nhận nghiệp báo này, bạn muốn trốn tránh bằng cách tự tìm cái chết, bạn tưởng chết rồi là hết nhưng tương lai bạn vẫn phải trả quả báo này. Bạn không có trốn được đâu! Đời này cố tình trốn trách để rồi đời sau vẫn phải trả. Bạn thấy có phiền phức không?”.

Người xưa nói: “Nhất ẩm, nhất trác mạc phi tiền định”, một bữa ăn một ngụm nước đều đã được định, không phải do trời định mà do phước báu của chính mình định. Lâu lâu chúng ta về làng, thấy trong làng có người xây một biệt thự rất đẹp. Mọi người đều nói: “Do ông bà có tu phước nên con cái đi làm ăn xa, có tiền của xây nhà cho Cha Mẹ”. Không ai nói: “Nhà này không có phước, tàn ác nên mới có nhà cao cửa rộng”. Trong cuộc sống của con người, một bữa ăn, một ngụm nước cũng đều là do tiền định. Thuận cảnh, đời sống an lành, hạnh phúc hay nghịch cảnh khổ đau, bệnh tật, thiếu thốn cũng đều là do tiền định. Chúng ta biết được nguyên lý nguyên tắc này, chỉ cần chỉnh sửa lại khởi tâm động niệm, chỉnh sửa lại cách đối nhân xử thế tiếp vật của mình thì sẽ tốt.

Hòa Thượng nhắc: “Phật dạy “nhân sinh thù nghiệp”. Đời sống ở thế gian đều do tiền định, đều do nghiệp quá khứ mình đã tạo, nay phải nhận lấy”. Đời sống tốt đẹp, thuận cảnh thì chúng ta ưa thích, gặp nghịch cảnh thì trốn tránh, tìm đến cái chết. Điều này đặc biệt sai lầm! Cuộc đời này đều là đòi nợ, trả nợ, báo oán, trả ân.

Một vị Thiền sư cùng học trò khi đến một nơi, ông biết hôm đó ông sẽ phải chết nên ông dặn người học trò: “Trong đời quá khứ, ta đã vô tình làm người này chết thì hôm nay người này cũng sẽ vô tình làm ta chết. Khi ta chết, hãy nói với quan phủ đừng truy tố họ, bởi vì đây là do ta đến để trả nợ”.

Có câu chuyện kể về hai Thầy trò một vị Thiền sư. Trên đường đi, người học trò nói: “Thưa Thầy, bây giờ đi đường bộ rất khó khăn, chỉ có đi thuyền thì sẽ nhẹ nhàng, đi rất nhanh”. Vị Thiền sư nói: “Nếu đi thuyền thì khi đến đó chúng ta sẽ gặp một người đàn bà mang thai, lúc đó ta sẽ phải đi thọ sanh”. Học trò hỏi: “Làm sao con có thể nhận ra Thầy?”. Vị Thiền sư nói: “Con đến làng đó, khi nhìn thấy đứa trẻ mới sinh, con gọi tên thì ta sẽ nhìn con mỉm cười”. Những câu chuyện thọ sanh tái sanh này đều đã được ghi chép lại.

Phật nói: “Nhân sanh thù nghiệp”. Chúng ta đến cuộc đời này là để thọ nghiệp, trả nghiệp. Ta gặp sự trắc trở phiền lòng cũng là ta đang trả nghiệp. Ta gặp thuận cảnh cũng là ta đang nhận thiện nghiệp. Nhà Phật dạy: “Đừng làm các việc ác, vâng làm những việc thiện”. Chúng ta đã biết rồi thì ngay trong cuộc sống này chỉ làm những việc thiện, cho dù ác nhân ác quả đến thì ta cũng vui lòng chấp nhận, chỉ làm những việc thiện. Đây là lợi ích của học Phật. Không phải là học Phật để được Phật bảo hộ, che chở, không phải là tự nhiên đệ tử Phật được Phật đưa về đất Phật.

Hòa Thượng nói: “Những người đi tìm cái chết là tuyệt đối sai lầm! Không có bất cứ một tôn giáo nào khuyên người tự sát, tự tìm đến cái chết. Không có tôn giáo nào nói rằng tự đi tìm cái chết là đúng như pháp mà họ đều nói rằng tự sát là tội lỗi, họ đều không tán thành việc tự sát hoặc bảo người khác giúp mình chết. Nếu người nào tán đồng thì người đó không hiểu đạo lý, không hiểu chân tướng sự thật”.

Người thế gian khổ quá thì muốn chết, sướng quá thì lại sợ chết, muốn sống để hưởng thụ. Họ không hiểu rằng tất cả đều là “nhân sinh thù nghiệp”, tất cả những kết quả trong kiếp sống này đều là nhân mình đã tạo. Ta biết rõ tất cả đều từ nhân kết thành quả thì ta phải chọn lấy những nhân tốt để kết thành quả tốt. Giống như tôi trồng cây, thích ăn quả gì thì trồng hạt giống đó. Tôi thích ăn mướp, su su thì trồng mướp, trồng su su. Họ nói phải đúng mùa thì cây mới có trái nhưng tôi trồng mùa nào cũng có trái, quanh năm có đủ các loại rau trái để ăn. Chúng ta muốn đời sống an vui hạnh phúc thì chúng ta hãy chọn những nhân để đời sống được an vui hạnh phúc.

Hòa Thượng nói: “Sáng sớm, có người vừa mở cửa, vừa đẩy xe từ trong nhà ra làm cho họ giật mình nên họ mắng. Chúng ta đừng tưởng vừa mới ở trong nhà ra đã bị mắng là vô duyên vô cớ. Mọi việc đều có nhân duyên”. Nếu không có nhân duyên chúng ta trễ đi 1 - 2 phút thì chúng ta không gặp người đó, nếu người đó cũng trễ đi 1 - 2 phút thì người đó không gặp chúng ta, hai bên không gặp nhau thì sẽ không cãi nhau. Phải trải qua bao nhiêu kiếp nhân duyên thì chúng ta mới gặp họ, bao nhiêu kiếp nhân duyên chúng ta đã kiếm chuyện với người ta thì bây giờ người ta mới gặp lại chúng ta. Có người nói: “Chồng của tôi quá tuyệt vời! Vợ của tôi quá tuyệt vời, phục vụ tôi rất tốt!”. Còn có người lại nói: “Chồng của tôi toàn đi ra ngoài đánh bạc rồi về nhà đánh đập tôi”. Tất cả đều là “nhân sinh thù nghiệp”, “thù” là vay trả, “nghiệp” là nghiệp báo. Cho nên chúng ta gặp nghịch cảnh thì hoan hỷ, vui vẻ mà trả, gặp thuận cảnh thì cũng đừng tùy tiện hưởng thụ.

Hòa Thượng dạy: “Người học Phật chúng ta gặp những hoàn cảnh như thế này thì phải giúp họ giảm bớt đi sự thống khổ. Phương pháp giảm bớt đi thống khổ chính là chúng ta giảng cho họ hiểu rõ “nhân duyên quả báo”, giúp họ hiểu nhân thế nào thì quả thế đó. Tốt nhất là khuyên họ nên niệm Phật để tâm họ an ổn, tâm họ có chỗ an trú, tâm định tĩnh rồi thì tinh thần mới sáng suốt. Tâm không tịnh, tinh thần không sáng suốt thì nhất định có cách nghĩ, cách làm sai lầm”. Chúng ta học Phật, chúng ta hiểu rõ thì không tự tìm đến cái chết, không tự tìm đến đau khổ.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta có thể chuyển đổi ý niệm thì có thể chuyển đổi số phận. Chúng ta hãy từ bỏ ý niệm oán trời trách người, trách số phận, trách thân phận không may mắn. Chúng ta biết đạo lý “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, mọi việc đều do tâm ta”. Có nhiều người khi bị lừa gạt thì cảm thấy sầu khổ. Có người khi bị lừa gạt thì lại mỉm cười vì họ hiểu đạo lý, không phải tự nhiên mình bị gạt, nguyên nhân là mình đã từng gạt người ta rồi. Người ta khiến chúng ta thống khổ, đau khổ cùng cực thì chắc chắn trước đây chúng ta đã từng làm cho họ thống khổ như vậy. Nhân duyên thọ báo không thể có chuyện tự nhiên.

Bài hôm nay, Hòa Thượng nhắc: Tự tìm đến cái chết hoặc bảo người khác giúp mình chết đều là sai lầm. Nhà Phật dạy rằng tất cả đều là nhân quả, đời này không trả thì đời sau sẽ phải trả, nhân quả sẽ lây rây mãi, oan oan tương báo không thể kết thúc. Hòa Thượng dạy: “Trả hết món nợ này, đời này trả xong, nghiệp tận, tình không, ta mới về được nơi ấy”. Tốt nhất chúng ta đừng tạo ác nghiệp! Chỉ cần đưa ý, liếc tình cũng là tạo nhân, đã tạo nhân rồi thì sẽ gặp quả.

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook