15313/03/2022, 12:36 13/03/2022, 14:01
822 · Người Niệm Phật Nhất Định Phải Không Tham Sống Sợ Chết

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật ngày 13/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 822

“NGƯỜI NIỆM PHẬT NHẤT ĐỊNH PHẢI KHÔNG THAM SỐNG SỢ CHẾT”

Hầu như ai cũng sợ chết. Người ta vừa nghe đến ma cũng đã sợ rồi mặc dù không biết ma hình dạng ra sao. Đó là một cảm giác từ vọng tưởng. Chúng sanh tầng không gian khác hữu duyên thì chúng ta sẽ gặp. Người xưa nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, có duyên thì cho dù cách xa ngàn dặm cũng gặp, không có duyên thì dù đối mặt cũng không gặp.

Chúng ta phải nhìn thấu được Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chắc thật, không ai có thể tránh được. Đây là định luật, dù sợ chết hay không sợ chết thì ai cũng đến lúc phải chết. Người sợ chết thì đến lúc chết rất khủng khiếp. Người không sợ chết vì đã hiểu thấu được lẽ đương nhiên của nó rồi, đến lúc thân tứ đại tan rã thì tự tại ra đi cho dù muốn hay không muốn. Chúng ta học Phật là để chúng ta hiểu thấu được kiếp nhân sinh này là như vậy.

Có nhiều người cho rằng học Phật là để được Phật bảo hộ, để Phật giúp chúng ta bình an, mạnh giỏi, sống hoài không chết. Không có ai là trẻ mãi không già. Thích Ca Mâu Ni Phật thân tứ đại của Ngài đến năm 80 tuổi cũng tan rã. Ta hiểu thấu để xem nhẹ nó chứ không phải là càng học càng mê, cho rằng pháp này là pháp tai qua nạn khỏi, trẻ mãi không già.

Hòa Thượng nói: “Tôi chưa từng có ý niệm mong cầu trẻ mãi không già”. Ngài hiểu rõ được lẽ đương nhiên của kiếp nhân sinh. Sinh – Lão – Bệnh – Tử là chắc thật, sinh ra rồi phải già đi, thân tứ đại sẽ hao mòn và sẽ bị bệnh, rồi đến lúc nó sẽ phải tan rã, phải chết. Đến lúc cần phải đi thì ta phải chấp nhận. Quan trọng nhất là chúng ta đã làm những việc cần làm nên làm, không tham cầu luyến tiếc. “Mình chết rồi gia sản này ai hưởng? Tiền tài này nhiều quá! Vợ đẹp con xinh sẽ ra sao?”. Đó là những sự vướng mắc. Chúng ta phải nhìn thấu, học Phật là để nhìn thấu!

Có một câu nói khiến tôi hết sức chấn động: “Cái chết là kết quả cuối cùng của kiếp con người mà không ai có thể tránh được”. Chúng ta còn sống thì tương phùng, sống cho ý nghĩa, khi chết thì chết thôi. Nhưng điều này cũng không dễ dàng. Hòa Thượng thường hay nhắc đến một người cư sĩ lúc bình thường đi hộ niệm thì khai thị, khuyên người ta phải buông bỏ đi thế gian này vì thế gian là cõi tạm, ai rồi cũng sẽ chết. Nhưng lúc người cư sĩ đó sắp chết, người ta đến hộ niệm thì chính người cư sĩ đó không đồng ý cho hộ niệm vì sợ hộ niệm thì mình sẽ chết.

Ở Việt Nam cũng có nhiều người lúc bình thường đi hộ niệm, khai thị cho người khác nhưng đến lúc chính họ lâm chung thì cơ thể tím bầm, cứng đờ vì họ chưa chuẩn bị cho cái chết, họ cố gắng níu kéo sự sống nhưng không thể níu kéo được. Tổ Ấn Quang để một chữ “Chết” rất to trên bàn thờ Tổ, khi bước lên là nhìn thấy. Ngài muốn nhắc nhở chính mình cái chết luôn liền kề. Người xưa nói: “Vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”. Cái chết không hẹn với người, bỗng chốc ta đã chuyển qua đời khác. Những việc gì cần làm, nên làm thì chúng ta phải làm ngay, không trì hoãn!

Bình thường họ chia sẻ, khai thị cho người thì nói rất hay, nhưng khi chính họ sắp chết thì mới thấy chính mình vẫn còn dính mắc mọi thứ. Xung quanh chúng ta là nhà cửa, con cái, tài sản, lúc lâm chung sẽ hiện hữu đầy đủ. Cảnh tử biệt chúng ta chưa từng thấy, nhưng cảnh sinh ly chúng ta thường chứng kiến. Chúng ta mới chỉ đưa tiễn người thân của mình ra đi cho nên tử biệt chưa da diết, khi chính mình ra đi thì sẽ khác. Chúng ta nghĩ rằng mình tiễn đưa Cha Mẹ, tiễn đưa vợ chồng cũng là đau đớn lắm rồi, nhưng khi chính mình ra đi thì mới thấy sự chịu đựng của mình.

Đĩa đầu tiên tôi dịch là “Cư sĩ Lý Khánh Hòa niệm Phật vãng sanh”. Trên Youtube cũng có đăng bài này. Cư sĩ Lý Khánh Hòa bị ung thư rất nặng, chân sưng phù lên to như chân voi nhưng ông rất kiên cường. Ông cố gắng kéo chân lên để ngồi kiết già niệm Phật. Vợ ông còn trẻ và có tâm hết sức mạnh mẽ. Khi ông kiên trì niệm Phật thì bà ngồi đỡ vai ông và nói: “Anh cố mà niệm Phật vãng sanh! Anh đi trước đi, chờ mẹ con em ở bên đó!”. Ông đã niệm Phật và nhẹ nhàng ra đi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook