Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 11/03/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 820
“Ý NIỆM CỦA BẠN THIỆN THÌ THÂN KHỎE MẠNH”
Ngày nay, chúng sinh ý niệm ác đa đoan như trong “Kinh Vô Lượng Thọ” Phật nói: “Chúng sinh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều tạo nghiệp” hay như trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói: “Chúng sinh thời mạt pháp bất hiếu Cha Mẹ, bất kính Tam Bảo, khởi tâm động niệm đều là ác”. Nguyên nhân bệnh khổ đều là do ở chính chúng ta. Trong rất nhiều Kinh, Phật cũng đã nhắc nhở nhưng khi chúng ta nghe lần đầu, tâm chúng ta không hoàn toàn tin phục: “Hàng ngày mình có làm gì xấu đâu? Làm sao mà tệ đến như vậy được!”. Nếu chúng ta quán chiếu lại thì thấy Phật nói không hề sai. Việc gì làm cho ta thì ta làm rất dễ coi, nhưng việc gì làm cho người, không có lợi ích cho ta thì ta làm rất khó coi.
Hòa Thượng nói: “Ý niệm của bạn thiện thì thân bạn liền khỏe mạnh”. Hòa Thượng đã chứng minh cho chúng ta thấy Ngài hoàn toàn chuyển được thân tướng và có thân thể khỏe mạnh, lúc nào Ngài cũng cười. Có người thắc mắc hỏi: “Sao Ngài cười hoài được như vậy?”. Vì tâm Ngài không ưu tư, không lo buồn được mất, Ngài đã dùng hết lòng hết dạ toàn tâm toàn lực vì chúng sinh mà lo nghĩ, làm được thì tốt, không làm được cũng tốt.
Một lần, Hòa Thượng và mọi người chuẩn bị lớp đào tạo Tăng tài. Sau khi công việc trù bị xong xuôi tốt đẹp rồi, chuẩn bị khai giảng thì người ta không cho tăng sinh và học viên đến. Ngài nói: “Vậy thì thôi! Thay vì bốn năm đào tạo, bốn năm cực lực làm mới viên mãn, bây giờ họ không cho học viên đến học thì coi như công việc cũng đã viên mãn rồi”. Đây gọi là “tác ý viên thành”. Nhiều người cũng tổ chức đào tạo nhưng bị phiền não vì họ mong lập ra học viện nổi tiếng thế giới, nhiều đoàn thể cá nhân ủng hộ tiền cho nên khi mong muốn của họ không đạt được thì họ phiền não.
Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm, không công không đức”. Chúng ta mở trường làm giáo dục, dạy những điều tốt đẹp nhất cho các con nhưng càng làm càng lỗ, càng làm càng không có lợi nhuận. Nếu chúng ta bắt đầu phiền não thì chúng ta phải định hình cho rõ: Chúng ta làm để kiếm tiền hay thật làm để đem giáo dục chuẩn mực đến cho các con? Người xưa nói: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”, việc gì không thông thì phải quay lại xét chính mình. Chính mình còn chướng ngại thì chướng ngại đó chắc chắn làm mình phiền não. Chúng ta đã dụng hết tâm sức để làm rồi nhưng việc không viên thành thì chúng ta đóng cửa nghỉ, đi làm giúp người khác, hỗ trợ cho người khác. Như vậy thì chúng ta thật sự tự tại, an lạc. Chúng ta vận hành các trường học ở thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Nghệ An, bất cứ nơi nào không làm được thì chúng ta đóng cửa để đi đến nơi khác hỗ trợ. Nếu chúng ta vẫn cố làm thì cái ta của chúng ta càng lớn, cuối cùng tự mình hại mình, càng làm càng dính mắc, như vậy chắc chắn sẽ phiền não. Chỉ cần chúng ta có ý niệm có cái ta thì cái ta sẽ hình thành ngày càng lớn. Đó là ý niệm vì mình, ý niệm tự tư tự lợi. Khi ý niệm được mất, thành bại, tốt xấu hơn thua hình thành trong ta thì chúng ta chắc chắn sẽ bệnh, không bệnh mới lạ!
Hòa Thượng nói: “Đều là do tự tư tự lợi, từ đó mà khởi tâm động niệm được mất, thành bại, tốt xấu. Chúng ta phát tâm vì chúng sanh thì tận tâm tận lực, hết lòng hết dạ mà làm. Việc có kết quả tốt thì chúng sanh có phước. Việc có kết quả không tốt, làm không xong thì chúng sanh chưa có phước”. Vậy thì chắc chắn chúng ta không có phiền não. Chúng ta có phiền não vì có tự tư tự lợi, có phiền não vì có dính ta trong đó, mà có ta trong đó thì có chướng ngại.
Hòa Thượng nói: “Bốn chúng đệ tử nhà Phật có rất nhiều người đích thực là phát tâm tu tài bố thí, làm nghĩa công, đây là nội tài bố thí, nhưng thu hoạch của họ không có quả báo thù thắng tốt đẹp giống như trên Kinh nói. Phần nhiều những người phát tâm làm công ích, tài vật bố thí cũng rất nhiều nhưng quả báo không được bao nhiêu. Nguyên nhân chính là do họ tu phước bố thí nhưng họ xem thường giới luật, không giữ giới. Người học Phật mà không giữ giới thì người đó là đồ chúng của ma. Người xem thường giới luật thường hay phạm tội cho nên dù họ có tu phước nhưng phước tu được cũng đã bị tổn giảm. Rất nhiều người trong nhà Phật phát tâm làm rất nhiều việc thiện nhưng không có quả báo tốt, nguyên nhân chính ở chỗ này”.