284Thứ Năm, 10/03/2022, 14:38
819 · Dùng Tâm Như Gương Thì Mới Hữu Dụng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 10/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 819

DÙNG TÂM NHƯ GƯƠNG THÌ MỚI HỮU DỤNG

Mỗi ngày chúng ta soi gương, khi ta đứng trước gương thì gương phản chiếu, nhưng khi ta không đứng trước gương thì không còn sự phản chiếu nữa, có nghĩa là gương phản chiếu mọi vật nhưng không lưu lại. Hàng ngày ta tiếp xúc rất nhiều sự việc, sự vật nhưng không lưu lại trong tâm. Dụng tâm như vậy mới có hữu dụng! Nếu vật gì chiếu vào trong tâm ta mà nó vướng bận, lưu lại, làm cho ta phải phiền não thì tâm ta không thể thanh tịnh được. Bài hôm nay, Hòa Thượng nói: Gương soi sáng mọi vật nhưng không lưu lại.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói:

“Bồ Đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai”

Minh cảnh” là gương, trong gương không lưu lại một vật nào. Chúng ta dụng tâm phải như gương sáng thì mới hữu dụng, công phu tu hành của chúng ta mới có tác dụng. Nếu mọi thứ ta đều dính mắc, đều lưu lại trong tâm “ta làm việc này, ta làm việc kia, ta làm nhiều việc vì chúng sanh, công lao, phước báu của ta đã rất to lớn rồi!” vậy thì tâm ta không thanh tịnh.

Tập khí phiền não của chúng ta rất nặng nề, chỉ cần lơ là sự kiểm soát là chúng ta rơi ngay vào danh vọng lợi dưỡng, tâm không nghĩ đến lợi dưỡng thì lại nghĩ đến danh vọng. Tập khí nhiều đời của chúng ta quá nặng cho nên tuy đời này chúng ta may mắn gặp được Phật pháp, cũng làm được một chút việc tốt nhưng chỉ cần lơ là thôi thì việc tốt trở thành việc xấu. Vì chúng ta làm việc tốt nhưng việc tốt làm cho tâm ta vướng bận, dính mắc, chấp trước, cuối cùng ta đọa lạc. Vậy thì việc đó không còn là việc tốt nữa. Cho nên người xưa nói: “Việc tốt không bằng không bằng không việc gì”. Nếu làm việc tốt mà tâm ta dính mắc, vướng bận vào đó thì tốt nhất không làm vì như vậy lại đọa lạc.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Phải dùng tâm như gương, gương soi sáng mọi vật nhưng không lưu lại. Nếu tâm lưu lại mọi việc thì cũng giống như gương bị bám bụi, không thể soi chiếu được mọi vật”.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật dạy chúng ta dùng tâm như gương. Vậy chúng ta phải làm như thế nào? Phải y theo giáo huấn của Kinh điển, đúng như lý, đúng như pháp mà tu học, từ nơi đó mà làm. Chúng ta đừng đi sưu tìm tất cả những bất thiện rồi lưu vào trong tâm mình. Hàng ngày chúng ta lưu những sự bất thiện, những sự không tốt của người vào tâm mình khiến cho tâm mình nhiễm ô. Hàng ngày, chúng ta đừng đi sưu tìm những bất thiện của người để lưu lại trong tâm mình”.  

Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá”, người chân thật tu hành không thấy lỗi thế gian. “Không thấy” ở đây không phải là mắt chúng ta không thấy. Mắt chúng ta thấy hết, thấy một cách tường tận nhưng chúng ta không lưu lại trong A-Lại-Da-Thức, không lưu lại trong tạng thức, không lưu lại ở kho chứa trong tâm ta.

Khi tình cờ gặp một người, ta định thần lại là ta đã gặp người này ở đâu đó. Đây chính là ta đã lưu trữ trong “kho chứa”. Chúng ta đừng lưu lại những lỗi lầm, những bất thiện của thế gian vì làm như vậy sẽ khiến cho tâm ta ô nhiễm, vậy thì chắc chắn sẽ sinh phiền não. Hàng ngày mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, nhưng chúng ta phải biết chọn lọc, biết lựa chọn cái gì cho vào “kho chứa” và cái gì không cần cho vào “kho chứa”. Thiện pháp thì ta đưa vào “kho chứa”, bất thiện pháp thì bỏ nó ra. Đây chính là tu hành. Nhiều người cho rằng tụng Kinh, lạy Phật, niệm Phật, thời khóa mới là tu, trong khi nội tâm của họ đầy những vướng mắc thì họ lại không tìm cách tháo gỡ.

Trong bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “Cho dù bạn làm được đến mức không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, bạn làm rất tốt rồi nhưng tâm bạn không thanh tịnh thì cũng không được lợi ích.

Hàng ngày chúng ta mắt nhìn thấy tất cả mọi vật, tai nghe tất cả âm thanh nhưng chúng ta phải biết chọn lọc, nếu là bất thiện thì đừng lưu lại trong kho chứa của tâm, đừng lưu lại ấn tượng. Nhưng khổ nỗi, đối với cái thiện thì chúng ta không có ấn tượng, đối với cái xấu cái ác thì chúng ta rất ấn tượng. Việc đùa giỡn liên quan đến sát – đạo – dâm – vọng thì chúng ta nhớ ngay. Những điều liên quan đến chuyện giết hại, trộm cắp, tà dâm thì nhớ rất nhanh nhưng những lời giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền thì chúng ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới nhớ được. Chúng ta chỉ nhớ những ấn tượng xấu, nhớ những điều bất thiện, còn những điều thiện, điều tốt thì chúng ta lại không lưu ấn tượng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook