155Thứ Tư, 09/03/2022, 18:56
818 · Sát Đạo Dâm Vọng Tửu - Đây Là Nhân Khổ Lớn Nhất

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 09/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 818

“SÁT ĐẠO DÂM VỌNG TỬU - ĐÂY LÀ NHÂN KHỔ LỚN NHẤT”

Thế gian có Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đây là những cái khổ chắc thật mà người thế gian chúng ta không thể tránh khỏi. Nhưng có những việc chúng ta làm khiến cho chính mình vốn dĩ đã khổ lại càng khổ thêm. Đó chính là sát (gây ra nghiệp sát, tạo nghiệp sát), đạo (trộm cắp), dâm (dâm dục), vọng (nói dối), tửu (uống rượu). Ngoài những cái khổ căn bản không thể tránh khỏi của con người thì con người lại tự tạo thêm khổ cho mình vì Sát – Đạo – Dâm – Vọng – Tửu. Có nhiều người cứ kêu than rằng họ khổ quá nhưng nguyên nhân họ khổ là từ dâm, từ tửu. Họ đang sống giàu sang, có địa vị xã hội thì bất ngờ chúng ta thấy tin tức họ bị điều tra, bị ở tù vì trộm cắp.

Hòa Thượng nói: “Sát – Đạo – Dâm – Vọng –Tửu là cái nhân khổ lớn nhất, là nguyên nhân tạo cho người ta khổ thêm chồng chất, bên cạnh cái khổ của Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Có rất ít người thấy được nguyên nhân khổ nên họ không biết cách giải quyết. Nếu chúng ta không học Phật thì chúng ta không thể biết nguyên nhân làm cho cuộc đời mình càng lúc càng thêm đau khổ. Một gia đình đang đầm ấm thì tự nhiên nhà tan cửa nát, con cái ly tán do tà dâm, chồng hoặc vợ có tình ngoài, tạo ra sự oan nghiệt. Cho nên đến khi gặp sự khổ đau, họ chỉ cầu xin Phật mà không hiểu tại sao cuộc đời lại khổ như vậy, không hiểu cuộc đời khổ do đâu. Khổ thì phải có nguyên nhân, từ nhân mới trổ quả.

Phật dạy chúng ta trì giới. Trì giới chính là đoạn cái nhân khổ. Không sát, không đạo, không dâm, không vọng, không tửu thì dù sống giữa sự bất an, chúng ta vẫn được an ổn. Giữa cuộc đời đầy khổ đau, chúng ta muốn an ổn thì không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải gìn giữ những giới cấm mà Phật đã răn dạy chúng ta. Có những khổ đau do phóng túng, túng tình, tùy tiện. Nếu chúng ta không làm như vậy thì chúng ta sẽ không có những cái khổ này.

Hòa Thượng nói: “Phật chế định giới luật cho chúng ta. Đó gọi là căn bản đại giới, giới luật. Thực tế mà nói, những điều căn bản nhất chỉ có bốn thứ chính là Sát – Đạo – Dâm – Vọng. Giới luật của nhà Phật có thể phân thành hai loại gồm chỉ trì và tác trì”.

CHỈ TRÌ: “Chỉ” là “cấm”, “trì” là “làm”, “chỉ trì” là cấm làm, đình chỉ làm những việc ác. Thí dụ sát sinh, tà dâm, vọng ngữ là cấm giới, chúng ta nhất định không được phạm, dừng lại, không được làm. Thế gian này biết bao nhiêu người phạm phải bốn điều căn bản này mà dẫn đến hệ lụy, tạo ra rất nhiều khổ đau cho đời này, đời sau và nhiều đời khác.

TÁC TRÌ: “Tác trì” là đối với những việc có lợi ích cho chúng sanh, có lợi ích cho xã hội thì chúng ta phải nên làm. Nếu chúng ta chỉ giữ giới, đối với việc của chúng sinh thì chúng ta thờ ơ, không làm việc lợi ích cho chúng sanh thì chúng ta “độc thiện kỳ thân”. Chúng ta không làm việc ác nhưng phải gắng nên làm việc thiện! Nếu chúng ta cho rằng “chỉ cần không làm việc ác là được, việc thiện thích làm thì làm, không làm thì thôi” thì sai rồi! Nếu việc chân thật vì lợi ích chúng sinh, vì lợi ích xã hội thì chúng ta phải tích cực làm! Rất nhiều người học Phật nhưng “độc thiện kỳ thân”, chỉ nỗ lực vì chính mình, chỉ cần mình tốt là được, không nỗ lực vì người khác. Hòa Thượng nhắc chúng ta: Việc gì vì lợi ích chúng sanh, vì lợi ích xã hội thì chúng ta phải nỗ lực làm!

Tổ Sư Đại Đức cũng đã làm biểu pháp cho chúng ta. Các Ngài tự tu hành giải thoát, có thể đạt phẩm vị cao hơn nhưng vì tiếp tăng độ chúng, làm những việc lợi ích chúng sanh cho nên bị động tâm, khiến phẩm vị có thể thấp hơn nhưng các Ngài vẫn làm. Đó chính là hi sinh phẩm vị. Tinh thần của Phật giáo Đại Thừa là như vậy, chính mình không ngừng hoàn thiện bản thân nhưng không ngại khó khi làm việc vì lợi ích chúng sanh. Nhiều người học Phật nhưng lại chọn giải pháp an ổn, an toàn cho bản thân.

Hòa Thượng nói: “Phật không cố ý chế ra giới luật của nhà Phật để ràng buộc, thúc ép chúng ta, khiến chúng ta nghe rồi khiếp sợ. Đó là bảo chúng ta chân thật hiểu rõ: Nếu không đoạn trừ Sát - Đạo – Dâm - Vọng thì bạn không cách nào tránh được nhân khổ của ba đường. Bạn tạo nhân thì nhất định bạn sẽ tiếp nhận quả. Làm gì có chuyện bạn tạo nhân rồi mà bạn mong muốn không nhận quả!”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook