191Thứ Ba, 08/03/2022, 17:01
817 · Tâm Bệnh Ngoài Phật Pháp Ra Không Có Thuốc Trị

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 08/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 817

TÂM BỆNH NGOÀI PHẬT PHÁP RA KHÔNG CÓ THUỐC TRỊ”

Chỉ có Phật pháp mới có thể đối trị được tâm bệnh. Thuốc thang chỉ có thể trị được thân bệnh, bệnh về sinh lý, bệnh do trái gió, trở trời, bệnh do sinh hoạt ăn uống không điều độ. Thuốc thang không thể trị được bệnh oan gia, bệnh nghiệp chướng.

Hòa Thượng nói: “Bệnh có thân bệnh và tâm bệnh. Thân bệnh thì dễ trị nhưng tâm bệnh thì khó trị, cho nên Phật pháp chú trọng nhất là đối trị tâm bệnh của chúng ta”. Chúng ta đã biết: Tâm làm chủ, tâm tạo tác. Phật dạy “nhất thiết duy tâm tạo”. Vậy thì tu hành phải đối trị từ nơi tâm và cũng phải thật làm từ nơi tâm. Nếu chúng ta chỉ làm trên hình thức hoặc chỉ làm cho dễ coi thì hoàn toàn không có được lợi ích gì. Cho nên nhiều người học Phật pháp rất nhiều năm rồi lại bỏ Phật pháp để đi tìm một pháp khác gần như không liên quan đến sự đối trị của tâm.

Có một nhóm rất đông thành viên tham gia, trong đó có rất nhiều người học Phật lâu năm nhưng họ chỉ chú trọng bề ngoài, chỉ nói những lời êm tai để người ta “cảm tình dụng sự”, dùng cảm tình làm việc chứ không dùng lý trí. Thích Ca Mâu Ni Phật đã dạy: “Y trí bất y thức”, phải nương theo trí tuệ, quán chiếu bằng trí tuệ, đừng dùng tình cảm. Nhưng đa phần chúng ta dùng tình cảm. Nếu ta dùng tình cảm thì sẽ dính mắc, chấp trước vào cái ta và cái của ta. Phật pháp đối trị từ nơi tâm bệnh, vậy thì mỗi chúng ta khởi tu phải từ nơi tâm mà khởi tu, không khởi tu từ ở nơi tướng.

Tôi đã gặp rất nhiều người khởi tu ở nơi tướng, cuối cùng hầu hết họ đều bỏ tu. Vì khởi tu ở nơi tướng nên họ không có lợi ích gì, lúc nào cũng cảm thấy phiền não, vướng mắc, cho nên dần dần họ đều bỏ tu. Họ không có được sự an lành ở nơi tu học nhưng không biết tại sao, cho nên họ nghĩ Phật pháp không thù thắng. Đến ngay thời điểm này tôi mới cảm nhận được rằng: Tu học Phật pháp, nếu chúng ta chân thật làm thì chúng ta chân thật có được lợi ích, những việc người khác nói không thể thì đều có thể. Cho nên Hòa Thượng nói: “Tâm nghĩ sự thành”. Chúng ta tâm nghĩ mà sự không thành, chúng ta bị chướng ngại vì chúng ta dùng cảm tình làm việc chứ không dùng lý trí làm việc.

Hòa Thượng nói: “Người chân thật học Phật hiểu rõ chân tướng sự thật, biết được thân mạng, sinh mạng của chúng ta không quan trọng mà pháp thân huệ mạng mới là quan trọng”. Chúng ta đã xả thân, rồi thọ thân, sinh ra rồi chết đi không biết bao nhiêu lần rồi. Chúng ta đã luẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử cho nên thân không quan trọng, chỉ có pháp thân/ linh tánh của chúng ta mới quan trọng. Phật pháp giúp chúng ta đối trị tâm bệnh, nâng cao linh tánh. Thật ra khi chúng ta trị được tâm bệnh rồi thì thân bệnh rất ít. Hòa Thượng năm 45 tuổi đã bị một trận bệnh rất nặng nhưng sau đó nhiều chục năm, đến nay Ngài đã hơn 95 tuổi nhưng không hề bị bệnh. Khi chúng ta trị tốt tâm bệnh thì thân bệnh sẽ giảm.

Thế gian nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Chúng ta học Phật pháp, đã trị tốt tâm bệnh thì thân bệnh sẽ rất ít. Con người phiền não vì “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy” nên sinh bệnh. Đặc biệt là “tham sân si mạn” còn khiến chúng ta phiền não nhiều hơn. Cho nên Phật pháp để đối trị tâm bệnh. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát không có bệnh vì Phật Bồ Tát tâm không có bệnh. Chúng sanh có bệnh vì tâm chúng sanh đầy bệnh”. Chúng sanh chúng ta có bệnh tham, bệnh sân, bệnh si, bệnh ngạo mạn, bệnh “tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, hưởng thụ năm dục sáu trần”. Thân này ngày nào cũng đòi hỏi. Nếu chúng ta không đối trị tập khí, chỉ cần nhường bước cho tập khí một lần thì lần sau nó sẽ đòi hỏi cao hơn.

Mấy hôm nay, tay tôi bị bỏng nên tôi nghỉ làm, cơ thể không hề mệt mỏi nhưng nó vẫn thương lượng với tôi. Tôi đã kiên trì dậy sớm bao nhiêu năm rồi mà cơ thể vẫn “trả giá” với mình. Sáng nay khi tôi vừa tỉnh giấc thì cơ thể nói: “Ngủ tiếp đi! Chưa đến giờ đâu!”. Nhưng tôi nghĩ: “Đã thức dậy thì phải xem đồng hồ!”. Khi thấy lúc đó mới là 2h40’ sáng thì cơ thể mừng ra mặt vì có thể được ngủ tiếp, còn nếu là 3h01’ thì chắc nó sẽ buồn lắm. Đây chính là tâm bệnh. Nếu mình không đối trị nó thì nó sẽ làm chủ thân mình. Nhiều người nói thân họ có bệnh nhưng phải xem kỹ lại là thân bệnh hay tâm bệnh! Nếu tâm chúng ta phấn chấn lên thì thân cũng phấn chấn lên theo.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook