17807/03/2022, 11:31 07/03/2022, 14:25
816 · Bệnh Do Đâu Mà Hết, 95 Phần Trăm Là Do Lòng Tin

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 07/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 816

“BỆNH DO ĐÂU MÀ HẾT? 95% LÀ DO LÒNG TIN”

Bệnh khổ nhờ lòng tin mà khỏi. Hòa Thượng nói: “95% hết bệnh là do lòng tin”, có nghĩa là chỉ có 5% là nhờ vào thuốc thang. Đối với thân bệnh, chúng ta phải có niềm tin đối với Thầy thuốc. Đối với tâm bệnh, chúng ta phải hoàn tin vào Phật Bồ Tát, làm theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát thì mới trị được tâm bệnh của mình. Nhiều người tu học nhiều năm nhưng không thay đổi vì họ không thật làm. Họ học Phật, đến với Phật chỉ là tô điểm cho cuộc đời, giống như để có một sự bảo đảm nhưng ngày ngày họ không quán chiếu nội tâm của mình, không quán chiếu ba nghiệp thân khẩu ý của mình xem mình có làm đúng theo lời Phật dạy hay không.

Số lượng người quy y Phật rất đông. Thậm chí có người bận đến mức chỉ ghi tên trong buổi lễ quy y rồi nhờ người khác nhận giúp mình tờ điệp quy y. Quy y Phật như vậy có kết quả không? Nếu có thì rất mờ nhạt, rất hạn chế! Chúng ta quy y Phật thì phải hiểu rõ ràng ý nghĩa của quy y là trở về nương tựa với Phật thì mới làm được đúng như pháp. Cho nên người đến với Phật thì nhiều, vô số người có giấy chứng nhận là Phật tử, nhưng người mang giáo huấn của Phật để ứng dụng trong đối nhân xử thế, trong khởi tâm động niệm thì quá. Chính vì vậy Phật pháp ở thế gian ngày càng mai một, đến một ngày nào đó sẽ không còn nữa. Như vậy quá đáng tiếc!

Giáo dục của Phật là giáo dục trí tuệ. Phật dạy chúng ta hiểu tường tận và biết cách hài hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với hoàn cảnh thiên nhiên, giữa con người với Thiên Địa Quỷ Thần. Vậy mà những người tự xưng là đệ tử Phật, tự cho là mình đã có pháp danh đã làm cho mọi người ngày càng mất niềm tin vào Phật giáo.

Hòa Thượng nói: “Người hiện tại bệnh rất nặng. Bệnh nặng nhất của người hiện tại là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn. Bệnh của người thời nay nặng hơn người xưa gấp hàng trăm lần, hàng ngàn lần, còn vượt hơn thế nữa”. Trong 1200 đề tài, Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại những tập khí này của người thế gian, gọi là “giáo nhân bất quyện”, dạy người không biết mệt mỏi. Đây là trọng bệnh của người thế gian nên Hòa Thượng từ bi nhắc nhở không biết mệt mỏi. Suốt cuộc đời, hơn 70 năm giảng Kinh nói pháp, ngày nào Ngài cũng nói. Chúng ta may mắn vì có người rất từ bi luôn nhắc nhở chúng ta.

Một lần, khi giảng bộ “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ” ở Đài Truyền hình Hoa Tạng, Ngài nói: “38 năm giảng Kinh thuyết pháp, không một ngày nào không niệm Phật tụng Kinh, thế mà phiền não trong tôi vẫn dấy khởi”. Ngài tu hành miên mật trường kỳ như vậy mà vẫn dấy khởi phiền não. Chúng ta ngày ngày tạo nghiệp, ngày ngày tạo cơ hội cho phiền não dấy khởi. Hôm nào chưa cãi nhau với ai đó thì chúng ta cảm thấy thiếu thiếu. Cho nên trọng bệnh của chúng ta phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Hòa Thượng nói: “Nói một lần mà người ta không nghe thì nói hai lần, nói ba lần, nói một trăm lần, nói một ngàn lần, nói cho đến khi nào người ta đuổi không cho mình nói nữa thì thôi”. Giáo hóa chúng sanh phải mang tinh thần dũng mãnh như vậy. Chúng ta vừa gặp khó khăn thì đã thui chột.

Hòa Thượng nói: “Người hiện tại ngày ngày tạo nghiệp nhân luân hồi sáu cõi mà chính mình không hề hay biết”. Chúng ta nhắc lại một chuyện thị phi là chúng ta đang thị phi, đang tạo nhân luân hồi. Chúng ta không nói chuyện thì thôi, hễ nói chuyện thì mất chánh niệm, phải quấy tốt xấu chiếm hết thời gian của chúng ta. A Di Đà Phật về đến tận Tây Phương rồi!

Hòa Thượng nói: “Người xưa khi ăn cơm thì nghĩ đến rất nhiều người vẫn đang không có cơm ăn, khi được mặc áo ấm thì họ nghĩ đến nhiều người không được mặc áo ấm. Khi họ khổ và gặp khó khăn thì họ nghĩ đến rất rất nhiều người đang khổ và khó khăn hơn mình”. Hòa Thượng nhắc một chút việc mặc áo ăn cơm của người xưa luôn nghĩ đến người khác để chúng ta phải phản tỉnh. Nếu mỗi người học Phật chúng ta luôn luôn đề khởi tinh thần này thì nhân gian này đẹp biết bao nhiêu! Cuộc sống này chân thật hạnh phúc! Chúng ta làm những điều tốt đẹp để lan tỏa, rồi họ cũng sẽ làm theo. Thật ra nhiều người không được dạy, không có tấm gương để bắt chước. Nhiều người chưa từng gặp mặt chúng ta, nhưng họ theo dõi chúng ta và âm thầm làm theo. Khi tình cờ gặp và nói chuyện, họ nói ra những kết quả khiến chúng ta nể phục. Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để xứng đáng làm Thầy, học để làm ra chuẩn mực mô phạm cho người học tập làm theo.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook