173Thứ Tư, 02/03/2022, 10:36
811 · Bệnh Sinh Lý, Bệnh Oan Gia, Bệnh Nghiệp Chướng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 02/03/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 811

“BỆNH SINH LÝ, BỆNH OAN GIA, BỆNH NGHIỆP CHƯỚNG”

Có ba nguyên nhân của bệnh. Khi có bệnh thì chúng ta phải điều tra nguyên nhân của bệnh. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Khi bị bệnh thì chúng ta phải xem các nguyên nhân! Nguyên nhân của bệnh có thể là thân sinh lý, oan gia trái chủ hoặc nghiệp chướng nhiều đời sâu nặng kết thành”.

Có người hỏi tôi: “Thưa Thầy, con bị bệnh gì mà lạ quá?”. Tôi nói: “Phải đi kiểm tra sức khỏe coi sức khỏe của mình ra sao”. Họ nói: “Cơ thể con không có bệnh nên không phải đi khám bệnh đâu ạ! Từ ngày niệm Phật, lạy Phật thì con bị như vậy”. Tôi nói: “Trước tiên anh phải đi bệnh viện khám xem mình có bệnh gì không, rồi xem oan gia trái chủ, rồi mới đến sám hối nghiệp chướng”.

Hòa Thượng nói: “Mỗi chúng ta sống trong cuộc đời này không thể tránh khỏi bệnh tật. Nhưng khi chúng ta bị bệnh, nhất là khi bị bệnh nghiêm trọng, tâm chúng ta đa phần bị hoảng loạn. Khi tâm hoảng loạn thì chúng ta chạy Đông chạy Tây, nghe Thầy nào giỏi thì đến cầu xin để được cứu giúp”.

Ngày xưa khi tôi đi làm, sếp của tôi bị bệnh nặng. Người vợ muốn tìm mọi cách để cứu chồng nên khi nghe nói người này người kia có thể cứu được thì liền nghe theo. Người ta nói phải mua cái gì họ cũng mua theo, thậm chí mua cả sừng tê giác rất đắt tiền, nhưng bệnh ông ấy không hề thuyên giảm.

Tâm ta phải có định thì khi bị bệnh ta mới không thấy khẩn trương, không bấn loạn. Nếu tâm ta không có định thì chỉ cần người khác dọa thôi chúng ta cũng vì sợ mà chết. Ví dụ chúng ta tình cờ phát hiện mình bị ung thư, cho dù ung thư giai đoạn cuối, ba tháng nữa chết, một năm, ba năm nữa chết thì chúng ta cũng nên bình thản đón nhận vì ai cũng một lần chết.

Trước đây, mấy lần bác sĩ khuyên tôi: “Thầy không uống thuốc là chết đấy!”. Tôi gật đầu: “Dạ! Dạ!”. Nhưng khi về nhà thì tôi cất cả toa thuốc ngăn tủ, không uống thuốc. Tôi muốn đối đầu với cái chết, nhưng đó là sai, là không đúng. Chúng ta cần biết chúng ta còn phải làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh, cho nên có bệnh thì phải uống thuốc.

Hòa Thượng nói: “Thân sinh lý thì phải uống thuốc, tâm sinh lý thì phải điều trị bằng Phật pháp. Nếu tâm không định, khi người ta nói mình sắp chết thì mình sẽ hoảng sợ, chạy Đông chạy Tây để tìm cầu. Cách làm này không những làm cho bệnh khổ thêm nặng thậm chí còn khiến cho bệnh không điều trị được. Khi bị bệnh, chúng ta nhất định phải biết căn nguyên của bệnh tật. Ở trên đại thể có thể phân làm ba loại: Bệnh sinh lý, bệnh oan gia, bệnh nghiệp chướng.

Loại thứ nhất là bệnh sinh lý. Thí dụ chúng ta ăn uống, đi đứng, sinh hoạt không phù hợp, không thỏa đáng, không cẩn thận mặc quần áo cho đủ ấm khiến cho cơ thể cảm phong hàn thì bác sĩ, thuốc thang có thể trị khỏi những bệnh này.

Loại bệnh thứ hai là bệnh oan gia. Loại bệnh này hiện tại rất nhiều người mắc phải, trong y học gọi là tâm thần phân liệt, người không làm chủ được tinh thần, như ngây như dại. Loại bệnh này phần nhiều là do sát sanh hại mạng, những oan hồn đến báo thù, gọi là ma nhập. Nếu những oan gia trái chủ đến để đòi mạng thì nhất định họ giày vò mình cho đến chết. Họ đến không phải là để đòi nợ mà họ đến để đòi mạng cho nên họ làm cho mình chết mới thôi. Nếu đến để đòi nợ thì oan gia nhất định làm cho mình bệnh khổ, làm cho mình cùng cực, thống khổ, làm cho mình tốn một khoản tiền, mình phải tốn một số tiền khá lớn để thuốc thang. Sự việc này rất phiền phức, bác sĩ cũng bó tay hết cách, thuốc men cũng không thể giải quyết”.

Bệnh sinh lý: Ví dụ chúng ta đi dưới trời nắng nhưng không đội mũ, đi dưới trời mưa nhưng lại dầm mưa, không mặc áo mưa, người đang lạnh bị sổ mũi mà lại uống nước dừa, trong người đang nhiệt thì lại ăn những đồ nhiệt. Chúng ta không giữ gìn sức khỏe thì sẽ làm cho thân sinh lý bị bệnh.

Bệnh oan gia: Trước đây tôi cũng thường hay đi thăm trại điên ở trong huyện. Lúc chưa có dịch Covid, một năm tôi thường đi thăm họ hai - ba lần. Tôi đến tặng quà, tặng tiền cho họ. Mấy ma-sơ làm ở đó nói: “Hơn phân nửa gần như họ bị ma nhập. Khi người không làm chủ được tinh thần thì gần như họ đều bị ma nhập. Họ hành xử như những người hoàn toàn khác, rất dữ tợn”. Mấy ma-sơ đi vào dọn dẹp thì họ bất chợt túm tóc, kéo đầu ma-sơ để cắn. Các ma-sơ đã được rèn luyện để tự vệ, họ dùng tay đẩy vào trán bệnh nhân để người đó ngả người ra sau, khiến vong bị đẩy ra. Nhưng đã có lần có ma-sơ bị cắn đứt tai.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook