136Thứ Hai, 28/02/2022, 13:18
809 · Nghĩ Đến Bệnh Rất Nặng Thì Bệnh Sẽ Làm Cho Bạn Chết

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 28/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 809

“NGHĨ ĐẾN BỆNH RẤT NẶNG THÌ BỆNH SẼ LÀM CHO BẠN CHẾT”

Những đề tài chúng ta học đều rất thực tế. Trong khởi tâm động niệm của chúng ta, nghĩ tưởng luẩn quẩn của chúng ta đa phần do vọng tưởng mà ra. Chúng ta thấy người ta bệnh thì cứ nghĩ mình cũng sẽ bệnh hoặc khi mình cơ thể có hiện tượng gì đó thì chúng ta cứ đinh ninh mình đang bệnh, bệnh nặng lắm rồi. Hòa Thượng nói: “Nếu tâm niệm của bạn như vậy thì bạn không thể không chết”. Nhà Phật có câu: “Tâm tưởng sự thành” hay “nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả do tâm mình tạo ra. Hòa Thượng nói: “Người ta vẽ ngựa, người ta nghĩ đến ngựa mà cũng có thể biến thành ngựa. Nếu chúng ta nghĩ đến bệnh, nghĩ mình bệnh nặng lắm rồi thì chắc chắn bệnh sẽ đến. Nếu chúng ta nghĩ đến Phật, toàn tâm toàn ý nghĩ đến Phật thì nhất định có thể thành Phật. Đó là “tâm tưởng sự thành”.

Hòa Thượng khai thị: “Nếu bạn phát tâm làm ở nơi địa phương của mình thì dân chúng ở nơi đó mang ân đức của bạn. Nếu bạn thọ sinh về nơi đó thì bạn mới có được phước báu và sự thù đáp ở đó. Nếu bạn đi thọ sanh ở nơi khác, vì bạn không gieo ân đức với người ta cho nên bạn không tiếp nhận được phước báu và sự thù đáp. Vậy thì tại sao bạn không khởi tâm đến tận hư không khắp pháp giới, bạn khởi tâm làm việc tốt với bất cứ nơi nào?

Tôi thấy nhiều đồng tu học Phật cũng phát tâm làm việc thiện, làm việc tốt nhưng chỉ thực hiện ở địa phương của mình. Tôi nghe Hòa Thượng khai thị như vậy cho nên nhiều năm qua, tôi đi làm ở khắp nơi nhưng không nhắc đến việc phải làm cho quê nhà của mình, không hề có. Chúng ta biết được mình và tất cả chúng sinh đều là một thể, vậy nơi nào đủ duyên thì ta sẽ làm. Cái danh rất vi tế. Chúng ta làm gì cũng muốn “lưu danh thiên cổ”: “Mình làm ở nơi đó người ta biết đến tên mình, nếu mình làm ở nơi khác thì không ai biết mình làm”. Đây là một ý niệm sai lầm!

Phật Bồ Tát dạy chúng ta: “Phải vì chúng sanh, thay thế chúng sanh mà lo nghĩ, làm nhiều việc tốt cho chúng sanh, tận tâm tận lực mà làm, không phân biệt nơi nào chốn nào, nơi nào đủ duyên thì ta tận lực làm. Vậy thì công đức mới lớn!”. Tâm của Bồ Tát đối với chúng sanh là tận hư không pháp giới. Còn tâm của phàm phu chúng ta thì có chỉ định, đó là tự tư tự lợi rồi. Cho nên chúng ta phải mở rộng tâm lượng! Những năm đầu đi giảng, tôi đều nói về mở tâm rộng lớn. Tâm của chúng ta như một cái bình, bình nhỏ chứa được ít, bình to chứa được nhiều, bình bằng tận hư không pháp giới thì chứa được hư không pháp giới. Người xưa nói: “Tâm lớn lượng lớn”, nghĩa là tâm lớn thì sức chứa sẽ to lớn. Chúng ta làm việc gì đó không thông bởi vì tâm chúng ta quá nhỏ. Hòa Thượng luôn nhắc chúng ta cách dụng tâm, phải triệt để buông bỏ cái ta và cái của ta thì mới có thể buông bỏ được chính mình, thành tựu được lớn hơn. Cứ dính đến cái ta và cái của ta thì làm hư hại đến chính mình và người khác. Vậy thì nhân quả không nhỏ!

Trong hơn 60 năm qua, Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp: Tất cả vì Phật pháp phục vụ, không phân biệt quốc gia dân tộc. Tất cả các quốc gia dân tộc đều là thân bằng quyến thuộc. Tất cả đều là Cha Mẹ đời quá khứ của ta. Tất cả đều là những vị Phật tương lai.

Hòa Thượng không phân biệt tôn giáo. Cho dù bạn ở tôn giáo nào, bạn có tín ngưỡng như thế nào thì Hòa Thượng vẫn bình đẳng đối đãi. Từ rất lâu rồi, Hòa Thượng đều làm như vậy. Khi Hòa Thượng đến Úc Châu, ở đó có một nhà thờ nhỏ quá, người ta không dùng nữa nên bán đi, đồng tu học Phật đã mua lại để làm đạo tràng học Phật. Khi Hòa Thượng đến, Ngài để nguyên kính pha lê, để nguyên cây Thánh giá, để nguyên bức tượng Đức Mẹ Maria ở ngoài sân. Vào ngày Giáng sinh, Ngài cho kết hoa lung linh sang trọng rất đẹp. Người ta thắc mắc hỏi: “Nơi này trở thành Phật giáo rồi, tại sao các vị vẫn làm lễ Noel?”. Hòa Thượng đã nói một câu khiến tôi rất chấn động: “Chúng tôi đến đây để làm đẹp hơn những gì đã có chứ không phải đến để thay đổi”.

Hòa Thượng không có ý niệm khống chế, chiếm hữu, không có thái độ muốn thay đổi người khác. Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng chính mình cần phải thay đổi hay chúng ta chỉ muốn thay đổi người khác, khống chế người khác? Ý niệm khống chế người khác, muốn thay đổi người khác đã làm cho chúng ta quá phiền não, đằng sau còn tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn. Tất cả khiến ta chìm trong vọng tưởng, phiền não, không thể an vui được.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook