113Thứ Bảy, 26/02/2022, 11:04
807 · Phật Bồ Tát Thị Hiện Bị Bệnh Là Để Giáo Hóa Chúng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 26/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 807

“PHẬT BỒ TÁT THỊ HIỆN BỊ BỆNH LÀ ĐỂ GIÁO HÓA CHÚNG SANH”

Chúng sanh cho dù bất cứ là ai, tin Phật hay không tin Phật, tin tôn giáo hay không tin tôn giáo thì đều phải nằm trong định luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, sinh ra, già đi, bệnh tật, suy tàn rồi chết. Khi có ai đó hỏi chúng ta “bao giờ thì anh chết?”, chúng ta đều khó chịu vì chúng ta quên đi thực tại, quên đi hiện thực mà chúng ta phải đối mặt với nó. Cho nên Phật Bồ Tát phải thị hiện ra có bệnh khổ để nhắc nhở chúng ta rằng con người không thể thoát được định luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử.

Cách đây mấy năm, tôi đi khám bệnh. Khi chạy điện tim, bác sĩ chuyên khoa tim đặt ống nghe vào ngực tôi rất nhẹ và hỏi: “Thầy có sao không vậy? Thầy có biết Thầy có thể chết bất cứ lúc nào không?”. Thông thường, khi nghe bác sĩ nói vậy thì người ta sẽ cầu khẩn: “Bác sĩ ơi! Có phương pháp gì để chữa bệnh này không?”. Vì vậy bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời rất thản nhiên: “Tôi biết rồi!”. Trong lần ra nước ngoài gần đây nhất, tôi cũng bị bệnh, lúc đó tôi chỉ muốn mau mau quay trở về Việt Nam để nếu chết thì chết ở trên đất quê hương, để mọi người khỏi tốn kém.

Chúng ta cần có sự cảnh giác cao độ, luôn nhớ trong lòng Sinh – Lão – Bệnh – Tử để chúng ta không làm những việc thừa, không làm những việc uổng phí thời gian mà dành thời gian sống để làm những việc tích cực, lợi ích nhất cho thế hệ sau. Nhưng đa phần chúng ta làm những việc không cần thiết, tàn phá thời gian sống quý báu của mình. Chúng ta sống trong giận hờn, buồn phiền, trách móc. Nếu biết trân quý thời gian sống thì chúng ta phải sống yêu thương, hài hòa, hân hoan, phấn chấn. Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dịch ra tiếng Việt hai câu thơ: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Ta có thêm một ngày không phải để giận hờn, trách móc mà có thêm một ngày để tha thứ, yêu thương, bao dung, phấn phát. Nhưng rất ít người có tâm cảnh như vậy cho nên Phật Bồ Tát phải thị hiện bị bệnh để nhắc nhở chúng sanh.

Phật Bồ Tát nhắc nhở bằng ngôn giáo, thân giáo thông qua đời sống chuẩn tắc của mình (nghĩa là chuẩn mực và phép tắc). Các Ngài phải thị hiện có bệnh để chúng sanh biết rằng mang thân tứ đại không thể thoát được cảnh Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Mỗi chúng ta rất khó đề khởi điều này! Nếu chúng ta dành cả một buổi sáng, cả một buổi chiều hoặc cả một ngày để giận hờn thì đã hoang phí thời gian sống rất ít ỏi này rồi.

Có một Cô giáo nằm trên giường bệnh mà tha thiết muốn gặp tôi. Cô ấy gọi cho tôi lúc khoảng 21h30’, lúc đó tôi đã chuẩn bị đi ngủ cho nên tôi không nghe máy. Mấy ngày sau cô ấy đã mất. Khi chúng ta bị bệnh khổ, khi biết mình không thể sống được nữa thì chúng ta mới bám víu, cầu xin một diệu pháp để mong được sống. Lúc bình thường, chúng ta hãy làm tất cả những việc cần làm, hãy sống cho đáng sống để khi phải chết thì tự tại ra đi, không có gì tiếc nuối. Nếu việc cần làm chúng ta đã làm, việc cần nỗ lực chúng ta đã nỗ lực hết sức thì không còn gì phải tiếc nuối. Nếu không thì lúc chúng ta muốn có thêm thời gian để làm những việc cần làm cũng không kịp nữa! Chúng ta đã có rất nhiều thời gian để làm những việc có ích nhưng chúng ta không làm mà lại dùng thời gian đó hoang phí vào thất tình (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục). Chúng ta lãng phí quá nhiều thời gian vào tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn.

Chúng ta học Phật. Phật là người giác ngộ. Giác ngộ là tỉnh táo, sáng suốt, luôn luôn có sự phản tỉnh. Chúng ta phải phản tỉnh xem mình đã dùng thời gian trân quý vào những việc vô bổ, không có ích nhiều đến như thế nào!

Một người Cha cầm cây gậy dài tám tấc nói với đứa con: “Đời người giống như cây gậy dài này vậy, tám tấc tượng trưng cho tám mươi tuổi. Khi con chưa được hai mươi tuổi thì con chưa có khả năng giúp gia đình, giúp xã hội, con chỉ có thể tiếp nhận sự phục vụ, sự cống hiến của người khác. Đoạn này con không giúp ích được gì nên chặt bỏ nó đi”. Người Cha liền cầm rìu chặt đứt hai tấc phần đầu. Hành động này làm chấn động đứa con một chút. Ông nói tiếp: “Sau sáu mươi tuổi thì tuổi già sức yếu, đối với gia đình, đối với xã hội cũng không cống hiến được nhiều, nên đoạn này cũng nên bỏ nó đi”, liền chặt thêm một đoạn. Người Cha đem cây gậy còn lại chia làm ba phần và nói: “Thời gian còn lại này, con cũng dùng hết một phần ba để ngủ nghỉ, nên cũng phải chặt đi”. Đứa con bắt đầu có chút lo lắng. Người Cha lại nói tiếp: “Thời gian mỗi ngày con còn phải ăn cơm, phải tắm rửa và làm rất nhiều việc trong cuộc sống, đều mất thời gian, nên đoạn này cũng phải chặt bỏ đi”. Đứa con liền nói: “Thưa Cha! Xin Cha đừng chặt nữa, con biết rồi!”. Người Cha nói: “Con chưa biết đâu, con người còn tốn rất nhiều thời gian bị bệnh phải nằm trên giường, đoạn này cũng phải chặt”. Đứa con liền kéo tay người Cha và nói: “Thưa cha! Sau này con không lãng phí thời gian nữa”. “Con à! Đấy là còn chưa nói đến thời gian con người chúng ta thị phi tốt xấu, giận hờn. Vậy là chúng ta đã lãng phí hết thời gian sống quý báu của chính mình”. Dạy bảo con cái thật sự phải có quan niệm đúng đắn, những bậc làm Cha Mẹ cũng cần phải dùng nhiều phương tiện khéo léo để dạy con.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook