203Thứ Sáu, 25/02/2022, 13:00
806 · Thích Ca Mâu Ni Phật Bị Bệnh, Đây Là Việc Như Thế Nào

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 25/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 806

THÍCH CA MÂU NI PHẬT BỊ BỆNH, ĐÂY LÀ VIỆC NHƯ THẾ NÀO?

Có người thắc mắc với Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, tại sao Thích Ca Mâu Ni Phật cũng bị bệnh?”. Thật ra đây là Phật thị hiện cho chúng ta. Tâm của Ngài hoàn toàn thanh tịnh, không có phiền não, không có vọng tưởng, không có chấp trước thì làm gì có bệnh. Ngài thị hiện ra có bệnh để cảnh tỉnh chúng sanh chúng ta. Ngài có bệnh nhưng đó là thân bệnh vì thân của Ngài vẫn là thân tứ đại. Thân tứ đại thì vẫn nằm trong sự hạn chế của Sinh - Trụ - Dị - Diệt, sinh ra, tồn tại, biến đổi rồi dần dần mất đi. Bài hôm nay, Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta: Thích Ca Mâu Ni Phật khi vẫn còn mang thân tứ đại thì vẫn bị sinh tử, vậy thì bất cứ ai khi còn mang thân tứ đại thì vẫn còn nằm trong định luật Sinh - Trụ - Dị - Diệt.

Từ xa xưa, con người đã đi tìm thuốc trường sinh để trẻ mãi không già, sống mãi không chết nhưng đến bây giờ cũng không có ai còn sống. Phật Bồ Tát bằng mọi cách, mọi phương tiện để giáo hóa chúng sinh đừng bám chấp, đừng mê muội nhưng vẫn có người mê muội tin theo. Họ cho rằng làm như thế này sẽ trường sinh bất lão, làm như thế kia sẽ sống hoài không chết. Tất cả đều là giả nhưng trong cái giả có cái thật, vậy thì ta nhờ cái giả này mà tìm đến cái thật. Cái thật chính là linh tính của chúng ta, tự tánh trường tồn bất diệt.

Hòa Thượng Hải Hiền tự tại ra đi, vãng sanh còn lưu lại toàn thân xá lợi. Ngài không chết. Tuy chúng ta không được trực tiếp mắt thấy, tai nghe nhưng qua những thước phim tư liệu và hình ảnh ghi lại, chúng ta cũng đã được chứng kiến. Một số người không tin, họ cho rằng đó là hoang đường trong khi họ hoang đường hơn tất cả những sự hoang đường mà chính họ không biết.

Hòa Thượng nói: “Có một số đoàn tu đến hỏi tôi: “Thưa Pháp sư, gia đình con có người gặp vấn đề về sức khỏe, không khỏe mạnh. Vậy có phương pháp gì hay không?”. Tôi nói: “Có phương pháp!”. Có rất nhiều thứ không như ý, đó là do nghiệp lực của chính mình biến hiện ra. Chúng ta đã tạo tác ra những việc không như ý cho người, đã tạo ra nhiều việc không tự tại cho người ngay trong đời này hoặc trong đời quá khứ cho nên chúng ta không thể không có chướng ngại. Người ta mắng mình khiến mình cảm thấy hết sức khó chịu nhưng nghĩ ra xem, Khổng Lão Phu Tử cũng còn bị mắng, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng còn bị mắng. Phật A Di Đà cũng còn bị mắng”.

Hàng ngày, chúng ta ta gặp vô số việc không vừa lòng, không như ý, thí dụ: Gửi hàng mãi mà hàng chưa tới, sáng nay muốn dậy sớm mà vẫn dậy trễ, sáng nay muốn ăn bún mà tự nhiên hết bún rồi phải ăn cơm bụi. Có rất nhiều thứ không như ý, nhiều thứ không tự tại. Có người còn gạch chéo A Di Đà Phật, ý họ là không có Phật, là lừa gạt. Họ đến nhà tôi thắp nhang cho bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ nhưng không xá trước bàn thờ Phật, không xá A Di Đà Phật. Họ cho rằng Cửu Huyền Thất Tổ là thật nên họ xá, còn Phật A Di Đà là không có, là giả tạo. Tâm cảnh của họ như vậy thì đúng là “hết thuốc chữa”. Chúng sinh đã tạo ra rất nhiều nghiệp quả mà chính họ không biết để rồi phải nhận quả báo, khi quả báo đến thì chịu không nổi.

Hòa Thượng nói: “Trùng trùng cảnh giới do chính mình biến hiện, “duy tâm sở tạo”, tự làm tự chịu, bạn không thể oán trời trách người. Bạn có thể cải đổi cảnh giới tốt hơn, chỉ cần bạn thay đổi đi ý niệm của mình. Ý niệm thay đổi thì hoàn cảnh sẽ thay đổi. Ý niệm thay đổi bằng cách tâm của bạn chuyên niệm một câu A Di Đà Phật, không niệm tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục sáu trần, tham sân si mạn thì hoàn cảnh sẽ thay đổi được tốt hơn”.

Có nghĩa là chúng ta phải giữ chánh niệm. Có rất nhiều phương pháp chánh niệm, thí dụ chúng ta làm một việc gì thì tập trung, chuyên tâm làm tốt việc đó. Có rất nhiều người đang làm một việc này nhưng tâm lại nghĩ đến những việc khác. Người xưa nói: “Hồn bất phụ thể”, chúng ta chỉ làm cho có, còn tâm thì nghĩ ngợi ở nơi khác, tâm phiêu bồng ở nơi khác. Nhà Phật gọi là “vọng tưởng”, người ngày nay gọi là “sống ảo”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook