Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 24/02/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 805
“NGÀI HUYỀN TRANG TU HÀNH CAO NHƯ VẬY MÀ KHI RA ĐI VẪN CÒN BỊ BỆNH”
Hòa Thượng muốn nhắc chúng ta: Đại sư Huyền Trang có phước báu công đức nhiều đến như vậy mà khi lâm chung Ngài còn bị bệnh. Thầy của Ngài Huyền Trang là Ngài Giới Hiền. Ngài Giới Hiền công đức phước báu rất to lớn nhưng lúc sinh tiền Ngài bị bệnh khổ rất nghiêm trọng, người sau nhắc lại còn giàn giụa nước mắt.
Đại sư Huyền Trang là nhà thỉnh Kinh, dịch Kinh rất nổi tiếng, thế mà khi lâm chung cũng bệnh khổ. Học trò thấy lạ hỏi Đại Sư: “Thưa Đại Sư! Vì sao Ngài còn phải bị bệnh như vậy?”. Ngài nói: “Tội nghiệp trong đời quá khứ rất nặng, từ vô thỉ kiếp đã tạo ra những tội chướng, quả báo đáng lẽ là rất nặng mà quả báo đến như thế này còn là tương đối nhẹ”.
Chúng ta là ai? Công đức phước báu của chúng ta rất ít, thậm chí còn không có, vậy thì khi quả báo đến, chúng ta sẽ rất thê thảm. Có rất nhiều đồng tu bị gạt, nghe người ta nói tu pháp này không bệnh, không đau, sống lâu trường thọ, luyện pháp kia để thay đổi tế bào gốc. Đó là một sự sai lầm, một sự ngộ nhận.
Chúng ta phải biết: Thân tứ đại kết hợp bởi đất, nước, gió, lửa. Vậy thì nó phải theo sự tuần hoàn sinh diệt, không thể thay đổi. Nếu một trong bốn yếu tố này ít hơn hoặc nhiều hơn thì ta sẽ sinh bệnh, nóng hơn hoặc lạnh hơn một chút là sinh bệnh. Không thể có thân mà không có bệnh khổ.
Trong mười điều tâm niệm, nhà Phật có câu là: “Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì dục vọng dễ sanh”. Chúng ta nhờ có bệnh khổ, nhờ chướng ngại của thân nên mới biết thúc liễm lại. Nếu thân thể cường tráng thì dục vọng sẽ sinh khởi, khó mà hàng phục. Nhiều người tin theo những lời vọng tưởng của người phàm tình mà không nghe theo lời của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, vậy thì họ chính mình bị thiệt thòi.
Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “Sinh tử thì chính mình sinh tử, đọa lạc thì chính mình đọa lạc”. Đọa lạc hay sinh tử chính mình phải chịu, đến lúc đó họ vô can. Cũng giống như họ bảo chúng ta: “Cứ làm đi! Việc này không phạm tội đâu!”, đến lúc chúng ta ra tòa rồi thì họ vô can. Họ nói: “Việc này anh làm anh tự chịu, đâu phải tôi làm!”. Vậy thì lúc đó tội mình tự gánh. Chúng ta học Phật thì phải tin lời Phật dạy, tin theo những người hoàn toàn giác ngộ, chân thật giải thoát, đừng tin theo lời của những kẻ thường tình thế gian, đầy những dục vọng, tham cầu, tự tư tự lợi, đầy tham sân si.
Hòa Thượng Tịnh Không cả một đời tu hành, chỉ riêng việc Ngài thực tiễn “tam bất quản” (không quản tiền, không quản việc, không quản người) đã đáng để cả cuộc đời chúng ta bái kính. Đến bây giờ Ngài vẫn còn ở nhờ nhà người khác. Ngài nói: “Nếu tôi xây cất một ngôi chùa thì không biết ngôi chùa đó to lớn đến dường nào! Nhưng cả cuộc đời tôi chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Cũng như ta thuê phòng khách sạn, ta thuê một ngày ta được quyền sử dụng một ngày, không cần phải sửa sang lau chùi vì đó là việc của người chủ. Ta đến sử dụng xong rồi thì ta ra đi. Chúng ta toàn quyền sử dụng thì quá thoải mái! Tôi đến đạo tràng này giảng, các vị ngồi ghế có cảm thấy thoải mái không? Nếu các vị ngồi không thấy thoải mái thì bảo ông Lý Mộc Nguyên đổi cái ghế khác. Đạo tràng hư thì người chủ đạo tràng đi sửa”. Cả cuộc đời Hòa Thượng hi sinh phụng hiến như vậy mà rất ít người theo vì người ta sợ thiệt thòi quá, sợ bị lỗ lã quá, tu hành mà cái gì cũng phải nhường cho người khác. Thậm chí Ngài vẫn bị nhiều người đả kích, xuyên tạc, đả phá.
Hòa Thượng nói: “Tại sao những cái xấu, những cái ác càng lúc càng nhiễu nhương, phát triển? Vì họ có lợi, cái lợi ngay trước mắt khiến cho người ta ham thích, đam mê”. Còn những người tu hành chỉ cho đi, không bao giờ nghĩ đến nhận về. Người không tu thì cảm thấy như vậy bị thiệt thòi quá. Thế gian thường tình chỉ nghĩ đến lợi trước mắt. Người ta bị quyến rũ bởi những gì thỏa mãn năm dục sáu trần, tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng.
Có một điều đơn giản mà ít người biết: “Những gì ta không nhận bằng vật chất thì chắc chắn ta sẽ nhận được bằng phước báu”. Người giác ngộ thì nhận phước báu, còn người mê muội thì nhận vật chất. Nhưng ngày nay, có rất ít người muốn nhận phước báu, rất ít người từ chối vật chất, thậm chí họ mong nhận vật chất càng nhiều càng tốt, nhận càng nhiều càng tốt, nhận không bao giờ chán. Đây là điều rất đáng lo! Khi đã tiếp nhận mong cầu, có được vật chất để thỏa mãn năm dục, tài sắc danh thực thùy thì đã tạo nghiệp, tạo nghiệp càng lúc càng nặng. Trong đời quá khứ tội nghiệp đã rất nặng rồi, càng tạo thì tội nghiệp càng dày, đến khi quả báo đến thì chịu không nổi, không thể tiếp nhận.