165Thứ Tư, 23/02/2022, 22:29
804 · Già, Chết Thay Đổi Từng Sát Na

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 23/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 804

GIÀ, CHẾT THAY ĐỔI TỪNG SÁT NA

Tuổi già, cái chết đang thay đổi theo từng sát na. Tổ Sư Đại Đức đã nói: “Chúng ta như những kẻ từ tù đang diễu qua phố, khi thấy ánh đèn muôn màu của phố xá đã quên rằng mình đang là tử tù”. Phật cũng thường nhắc: “Mạng người là vô thường, cõi nước là không an”. Từ lâu chúng ta đã nghe nhưng không cảnh giác, không có sự phản tỉnh.

Ngài Bảo Chí Công ngồi xem kịch cung đình với nhà Vua nhưng tâm cảnh của Ngài luôn ở trong Định, không bị cuốn theo những màn biểu diễn đó. Ngài biết được Sinh – Lão – Bệnh – Tử đang diễn ra từng sát na, đang diễn ra trong từng khoảng khắc rất ngắn cho nên mặc dù ngồi xem diễn kịch với Vua nhưng Ngài không hề động tâm. Khi Vua hỏi: “Ngài xem diễn kịch thấy có hay không?”. Ngài Bảo Chí Công nói: “Thần không biết!”. Nhà Vua thắc mắc: “Ngài ngồi xem cùng ta mà Ngài nói không biết nghĩa là sao?”. Ngài Bảo Chí Công nói: “Ngày mai nhà Vua hãy cho diễn lại vở kịch và cho một tên tử tù ngồi xem cùng, yêu cầu tên tử tù đội một thau nước trên đầu và dặn không được để văng một giọt nước nào ra ngoài, nếu để nước văng ra ngoài thì sẽ chém ngay”. Ngày hôm sau, nhà Vua làm theo đúng như vậy. Sau khi màn biểu diễn kết thúc, nhà Vua hỏi tên tử tù xem biểu diễn kịch có thấy hay không. Tên tử tù trả lời: “Con chỉ toàn tâm toàn ý giữ thau nước để giữ mạng sống chứ không có tâm cảnh để xem múa hát”. Lúc đó nhà Vua mới hiểu được lời Ngài Bảo Chí Công nói. Ngài nhận rõ Sinh – Lão – Bệnh – Tử nên rất cảnh giác, luôn cảnh giác, không lơi là, không dễ vui như chúng ta. Chúng ta đến khi gặp sự thì mới nháo nhào, khẩn trương nhưng lúc đó cũng không còn kịp nữa. Nếu bây giờ chúng ta không phản tỉnh là mình đã già rồi thì khi thần chết đến chúng ta hoảng loạn cũng không còn kịp nữa.

Phật đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều. Phật đã giảng “Kinh Đại Bát Nhã” trong 22 năm. Phật thường nhắc đi nhắc lại 12 chữ: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”, có nghĩa là tất cả mọi sự mọi việc đều không thuộc sở hữu của ai. Người ta khai quật được kiếm báu, vương miện quý giá và nhiều cổ vật quý. Tất cả những thứ đó trước kia đều đã từng là sở hữu của một ai đó nhưng cuối cùng cũng nằm ở nơi đồng hoang, không ai giữ được, không ai mang theo được thứ gì. Nhà Phật có câu: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”, không mang theo được bất cứ thứ gì, chỉ mang theo nghiệp mà thôi. Cho nên tất cả là “vô sở hữu, tất cánh không”, đều là không.

Nhà Phật nói: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả pháp, tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, chạm vào được thì cũng chỉ giống như mộng huyễn, như bọt nước, như ánh chớp, không có ai giữ được. Chúng ta thường nói: “Nhà của ta, đất của ta, vợ con của ta, tài sản của ta”, nhưng tất cả đều không thật sở hữu của ta. Chúng ta phải nhớ: Không phải Phật nói những điều này để làm chúng ta bi quan, yểm thế mà để giúp chúng ta nhận chân được sự thật, giúp chúng ta không bám chấp mà sống thật sự ý nghĩa. Nếu chúng ta chấp trước, cho rằng đó là cái của riêng ta thì đến khi phải ra đi, chúng ta sẽ vô cùng tiếc nuối. Thay vào đó, chúng ta đến để phụng hiến cho mọi người, cho cuộc đời.

Hôm qua tôi đọc được bài báo nói về Châu Nhuận Phát - minh tinh nổi tiếng của Hồng Kông. Ông đóng bộ phim “Thần bài” rất nổi tiếng. Hai vợ chồng ông đã quyên góp toàn bộ tài sản để làm từ thiện số tiền lên tới hơn 16 nghìn tỉ. Ông sống một cuộc đời an nhiên, hàng ngày đi bộ, leo núi, ăn uống đơn giản, thường đi mua đồ giảm giá, đi xe bus. Ông nói một câu rất nổi tiếng: Nhận của cuộc đời thì phải trả cho cuộc đời”. Người xưa cũng dạy như vậy, chứ không phải là nhận của cuộc đời thì bo bo giữ lấy. Ông đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Mặc dù xuất thân từ gia đình rất khó khăn nhưng khi đã nổi tiếng và giàu có thì ông lại chọn cho mình một đời sống rất giản dị. Tuy có rất nhiều tiền nhưng ông không ở nhà biệt thư, không đi siêu xe, không ăn uống ở những nhà hàng sang trọng. Chắc ông cũng đã nghe được lời Phật dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Tất cả những thứ ta tưởng ta sở hữu rồi nhưng nó cũng sẽ bỏ ta mà đi hoặc ta cũng sẽ bỏ nó mà đi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook