
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 22/02/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 803
“NGHỀ NGHIỆP NÀY TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI LÀ TỐT!”
Hòa Thượng muốn nói đến nghề nghiệp xướng ca diễn kịch. Hòa Thượng nói: “Việc làm nghệ thuật phải nêu cao cái tốt, cái thiện, phải diễn những vở kịch, ca những bài hát về những người anh hùng dân tộc hoặc ca ngợi những tấm gương đức hạnh. Nhưng ngày nay người ta không chú trọng đến những nội dung này mà đa phần chỉ làm thế nào để được nhiều người ưa thích, kiếm được nhiều thù lao, cho nên họ chỉ đề xướng Sát - Đạo - Dâm - Vọng. Việc làm này ảnh hưởng rất lớn đến xã hội”.
Gần đây, trong Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói về việc thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Ngài cũng rất trăn trở về vấn đề này. Ngày nay, những hoạt động mang tính chất văn hóa nghệ đa phần không có tính nhân văn, không thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc mà chỉ là những tác phẩm kỳ quái, đáp ứng thị yếu của giới trẻ.
Hòa Thượng nhắc những việc này có ảnh hưởng nhân quả vô cùng nghiêm trọng. Nếu việc này ảnh hưởng tích cực, giúp người ta làm tốt hơn thì phước báu rất lớn, nếu làm ra những việc khiến người ta làm xấu, ảnh hưởng tiêu cực thì nhân quả khôn lường.
Ngày nay những minh tinh trong và ngoài nước có ảnh hưởng đến rất lớn đến giới trẻ. Giới trẻ bắt chước những người nổi tiếng, từ kiểu tóc, cách ăn mặc cho đến cách sống. Thậm chí có người thích giống búp bê thì đi phẫu thuật thẩm mỹ nhiều lần để trông giống búp bê. Tại sao họ không bắt chước theo Phật Bồ Tát, không làm theo những tấm gương đức hạnh? Nguyên nhân vì rất nhiều gia đình đã lơ là giáo dục nền tảng chuẩn mực làm người, lơ là giáo dục cắm gốc đức hạnh cho các con. Bây giờ các con không còn được dạy những phép tắc như trong sách “Đệ Tử Quy” đã dạy:
“Cha Mẹ gọi, trả lời ngay.
Cha Mẹ bảo, chớ làm biếng.
Cha Mẹ dạy, phải kính nghe.
Cha Mẹ trách, phải thừa nhận”.
Ngày nay, Cha Mẹ bảo, Cha Mẹ trách thì con cái không nghe, không thừa nhận. Vấn đề này rất nghiêm trọng. Thầy Thái nói: “Không chỉ riêng Cha Mẹ gọi, mà Thầy Cô gọi, trưởng bối gọi, cấp trên gọi, Quốc gia gọi, họ có nghe lời không? Rồi đến Cha Mẹ bảo, Thầy Cô bảo, trưởng bối bảo, cấp trên bảo, Quốc gia bảo, họ có nghe theo không?”. Người xưa dạy: “Tiên nhập vi chủ”. Con người tiếp nhận cái gì vào trước thì điều đó sẽ làm chủ, vì vậy nếu chúng ta sớm dạy các con chuẩn mực khuôn phép thì cả đời các con sẽ tuân theo những chuẩn mực ấy. Người trước dạy không dùng khẩu giáo, không dùng miệng dạy, cũng không dùng quyền để dạy. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nói: “Dĩ thân tác tắc”, phải lấy chính mình làm gương, chính mình phải làm ra chuẩn mực để người sau nhìn vào chuẩn mực đó mà làm theo.
Ngày nay những tài năng trẻ đều được khai thác triệt để theo hướng dần dần xa lìa tự tánh, chỉ hướng đến tập tánh, chính là hướng đến Sát – Đạo – Dâm – Vọng. Hôm chúng ta tổ chức Lễ tri ân Cha Mẹ ở Hải Phòng, Ban Tổ chức mời một cô bé rất nổi tiếng đến hát hai bài. Hai người trợ lý đi theo để hỗ trợ cho cô bé chính là Cha Mẹ. Cha Mẹ chỉ muốn cô bé hát cho xong 2 bài để đi tiếp địa điểm khác nhưng tôi chỉ cho cô bé hát một bài trước rồi tôi mời mọi người thực hiện nghi thức tri ân Cha Mẹ để cô bé được cảm nhận được tinh thần của buổi lễ tri ân. Nhưng cô bé và Cha Mẹ như ngồi trên đống lửa, họ rất sốt ruột. Khi kết thúc Lễ tri ân, tôi mời cô bé lên hát bài thứ hai. Sau đó, tôi tặng cô bé một món quà và dặn:“Mong con về nhà cố gắng hiếu thảo với Cha Mẹ!”. Khi cô bé đi xuống thì hai trợ lý là Cha Mẹ đưa con đi rất nhanh. Họ tưởng đó là thật danh, tưởng con mình đã rất thành đạt nhưng đó là sai lầm. Người xưa nói: Đó chỉ là “kiếp cầm ca”!
Hòa Thượng nói: “Xã hội ngày nay đại loạn, căn nguyên là ở chỗ người diễn nghệ thuật không có trách nhiệm. Tôi nói lời này là thật đấy! Bạn xem người diễn nghệ thuật ngày nay họ đang diễn cái gì thì bạn có thể hiểu ra. Bạn xem người ta có diễn nghệ thuật không? Nghệ thuật phải là sự thăng hoa giúp người ta hướng đến chân thiện mỹ. Nghệ thuật phải ca ngợi quốc gia, ca ngợi anh hùng. Xã hội động loạn, diễn viên diễn nghệ thuật phải có trách nhiệm nhân quả! Tác hại này, nhân quả này họ làm sao mà biết được! Các vị nếu như bình lặng một chút, nhìn trong và ngoài nước, những minh tinh, những đạo diễn khi họ chết thì chết như thế nào? Đều là những cái chết không thiện lành”.
Thầy Thái nói: “Tình yêu thì phải được dạy yêu như thế nào cho chuẩn mực”. Chúng ta cần tìm đối tượng cho phù hợp chứ không phải cứ tùy tiện như tìm người để thế chỗ, tìm người để điền vào chỗ trống. Ngày nay, có những bài hát về tình yêu chỉ nói về tình yêu mù quáng, yêu đến chết đi sống lại, tình yêu mà một người bỏ đi không về nữa. Trong khi đó tình yêu thật sự phải là thành toàn cho đối phương, làm cho người ta tốt đẹp hơn chứ không làm người ta ủy mị, người không ra người, ngợm không ra ngợm nữa.
Hòa Thượng từng đi khắp nơi trên thế giới, quen biết rất nhiều những minh tinh nổi tiếng, Ngài đã đúc kết lại như vậy. Diễn viên Trần Hiểu Húc đóng trong bộ phim “Hồng Lâu Mộng” sau khi nghe Hòa Thượng giảng cũng đã phát tâm tổ chức ghi hình và in ấn rất nhiều bộ đĩa “Hài Hòa cứu vãn nguy cơ” để tặng mọi người. Nhưng cuối cùng cô ấy cũng mất vì ung thư khi còn rất trẻ.
Hòa Thượng nhắc đến trách nhiệm của những minh tinh màn bạc. Chúng ta liên tưởng đến trách nhiệm của Thầy Cô giáo cũng không nhỏ. Làm giáo dục nếu làm tốt thì có thể nói là công đức vô lượng vô biên, nhưng nếu chúng ta đưa ra phương hướng giáo dục không tốt thì tội nghiệp cũng có thể vô lượng vô biên. Người làm giáo dục cũng giống những minh tinh màn bạc, tạo ảnh hưởng rất sâu sắc đến cộng đồng xã hội. Nếu chúng ta có thể giáo dục tốt thế hệ tương lai, giúp thế hệ sau có thể chèo lái tốt đời sống gia đình họ thì công đức không nhỏ. Bác Hồ đã từng nói:
“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền,
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Hòa Thượng nói: “Càng là những người nổi tiếng, phạm vi ảnh hưởng xã hội càng sâu rộng thì họa phước càng nghiêm trọng. Nguyên nhân bởi vì những thứ mà họ diễn ra tạo ra ác nghiệp, hại đến rất nhiều người. Vậy thì họ không thể không có trách nhiệm nhân quả. Họ giống như Lão sư của xã hội. Nếu họ vì tham danh vọng lợi dưỡng, họ nắm lấy nhược điểm nhân tánh của con người, họ biểu diễn ra Sát- Đạo – Dâm - Vọng thì họ tạo ra quả báo vô cùng thê thảm”.
Hòa Thượng nói rất chân thành. Ngài chỉ ra những nghề nghiệp nên và không nên làm. Trong “Bát Chánh Đạo”, nhà Phật dạy chúng ta rất kỹ: “Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định”. “Chánh nghiệp” là nghề nghiệp chính đáng. Nhà Phật khuyên không nên làm những nghề không chính đáng. Nhưng ngày nay, những nghề không phải là “chánh nghiệp” thì có thể kiếm được rất nhiều tiền nên người ta đổ xô đi làm, khi có nhiều người làm thì nghề không chính đáng lại trở thành nghề “chính đáng”.
“Chánh mạng” là một đời sống thuần lương. “Chánh tinh tấn”: Nếu tinh tấn làm việc xấu thì đang tinh tấn đi vào tam ác đạo. Có những người cũng rất tinh tấn nhưng hoàn toàn vì Quốc gia, vì xã hội mà hi sinh phụng hiến.
Vừa qua trong đại dịch Covid, chúng ta nhìn thấy một bức tranh rất rõ ràng giữa mảng sáng và tối. Rất nhiều chiến sĩ áo trắng, chiến sĩ áo xanh đã dũng cảm xông pha trận mạc, có những người ra đi mãi mãi không trở về. Họ đã hi sinh phụng hiến, chí công vô tư. Nhưng cũng có những người tranh thủ trục lợi trong trận đại dịch, họ tích cực mua rẻ bán đắt, cấp phép cho những chuyến bay giải cứu nhằm trục lợi. Đó là họ đang tinh tấn tạo ác. Do vậy những người có ảnh hưởng đến xã hội, có ảnh hưởng đại chúng phải rất cẩn thận! Từ khởi tâm động niệm cho đến đối nhân xử thế đều phải là chuẩn mực để người ta nhìn vào mà bắt chước làm theo.
Quyển sách “Gương sáng người xưa” nêu lên những tấm gương rất tốt đẹp và chuẩn mực mà người xưa đã làm. Chúng ta hãy soi vào những tấm gương đó để xem lại cuộc đời của mình. Trung tá Lưu Công Hào, nguyên là thủy thủ, chiến sĩ của “Đoàn tàu không số” đã nói: “Cuộc đời tôi có hai tấm gương. Một tấm gương treo trên tường để soi mặt. Còn cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là tấm gương để tôi soi nội tâm của mình”. Trung tá Lưu Công Hào là một chiến sĩ dũng cảm đã dành cả một đời hi sinh phụng hiến cho dân tộc.
Cho nên người làm ra tấm gương phải rất thận trọng! Nếu chúng ta tạo ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và quần chúng xã hội thì trách nhiệm nhân quả không nhỏ. Tôi không ngưỡng mộ minh tinh nào nhưng giới trẻ ngày nay thì rất ngưỡng mộ minh tinh. Thích Ca Mâu Ni Phật, Chúa Giê-su, Thánh A la, Khổng Lão Phu Tử là những minh tinh của nhân loại. Những nhân vật lịch sử trong cuốn sách “Những tấm gương đức hạnh Việt Nam” cũng chính là những minh tinh của dân tộc. Đó là những tấm gương mà chúng ta cần phải học tập và noi theo.
Hòa Thượng nói: “Họ là Thầy của xã hội thì sức ảnh hưởng của họ rất lớn”. Thầy về mặt văn hóa nghệ thuật. Còn chúng ta là những Thầy Cô về mặt giáo dục chúng ta càng phải hết sức cẩn trọng! Lúc nhỏ thì các con thường nói:“Mẹ con nói rằng, Ba con nói rằng”. Sau khi đi học thì về nhà thì các con nói:“Cô giáo nói rằng”. Hai đứa nhỏ nhà tôi cũng vậy. Qua đó chúng ta thấy sức ảnh hưởng của Thầy Cô giáo đối với các con rất lớn.
Hòa Thượng nói: “Những minh tinh nắm được những nhược điểm của nhân tánh của con người nên những thứ họ diễn ra đều là Sát – Đạo – Dâm – Vọng. Nếu như họ biết biểu diễn những vở kịch, những bài hát ca ngợi thiện pháp, những tấm gương đức hạnh thì họ đem lòng người, đem xã hội hướng đến mặt chánh diện, làm cho lòng người hướng thiện, làm cho xã hội tốt hơn. Như vậy công đức của họ là vô lượng vô biên! Thế nhưng chúng ta nhìn xem ngày nay những diễn viên diễn nghệ thuật phần nhiều là phản diện”.
Họ hát một bài tình ca buồn thì mọi người cũng buồn theo. Họ hát một bài phấn khởi yêu thương thì con người cũng sống tích cực hơn. Những người lập trình, viết game bắn giết phải nhận nhân quả rất khủng khiếp. Trong game thì nhân vật có thể sống lại nhưng ngoài đời thì không thể. Người ta lẫn lộn giữa game và đời sống thực. Có những người tôi đã từng tiếp cận, tôi muốn tìm cơ hội để cứu giúp họ nhưng hết cách. Họ chỉ suốt ngày sống trong ảo ảnh của thế giới game. Tôi biết một người đã hơn 40 tuổi rồi nhưng không có gia đình, không vợ con, không sự nghiệp. Anh ấy là quý tử nhà giàu, tiền để chơi game cả đời không hết. Người đó cũng rất hiền lành, không hại ai, không đi đâu nhưng chỉ sống trong thế giới ảo ảnh suốt gần 20 năm nay.
Hòa Thượng đã đi khắp thế giới nên Ngài có cái nhìn tổng quan chung. Trong những lần giảng pháp Hòa Thượng có nhắc đến diễn viên Trần Hiểu Húc trong bộ phim “Hồng Lâu Mộng”, danh vọng sự nghiệp tiền tài của cô rất phát triển nhưng cô bị ung thư mất sớm.
Khi còn nhỏ, tôi cũng đẽo cây làm súng, chia phe đánh nhau rất ác liệt vì bị ảnh hưởng bởi phim ảnh. Có những người treo ảnh người cầm súng, có những người treo ảnh minh tinh xinh đẹp nhưng không có ai treo ảnh những tấm gương đức hạnh. Ở chính giữa bức tường tôi treo Phật, một bên là ảnh Bác Hồ, một bên là ảnh Hòa Thượng Tịnh Không. Tôi đã treo 15 năm rồi, không hề thay đổi. Tôi treo ảnh to để nhìn các Ngài cho rõ như những tấm gương cho mình noi theo.
Hòa Thượng nói: Việc diễn xuất của người nổi tiếng phải chú trọng thiện pháp, làm ra những tấm gương đức hạnh thì sẽ không phải chịu trách nhiệm nhân quả xấu. Hòa Thượng nói: “Những nhà sáng tác những vở kịch hoặc những bài hát có nội dung, ca từ làm cho người ta bi lụy, làm cho người ta không có tinh thần phấn chấn thì quả báo họ nhận lấy là vô cùng thê thảm. Ngày xưa, khi tôi đang học ở Đài Trung, có mấy học sinh học ở trường Nghệ thuật Sân khấu sau khi nghe giảng thì họ sợ. Họ hỏi tôi: “Bây giờ chúng con phải làm sao?”. Tôi nói thẳng: “Đổi nghề, chuyển qua khoa khác học đi, không nên làm nghề này! Nghề này tuyệt đối không phải là một nghề tốt! Có rất nhiều người cũng đã nghe lời chuyển nghề”.
Người sáng tác thì viết ca từ, ca sĩ thì biểu diễn. Nếu họ hát ra những ca từ làm lòng người đảo lộn, làm mọi người sống tiêu cực thì quả báo của họ rất thê thảm. Trước đây chúng ta cũng đã từng học một đề tài, trong đó Hòa Thượng cũng đã nhắc chúng ta: “Lời nói ra phải hết sức cẩn trọng, không thể tùy tiện mà nói vì nếu nói một cách tùy tiện thì nhân quả vô cùng nghiêm trọng”.
Người xưa dạy: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, phải hết sức cẩn trọng trước khi nói ra! Lời nói ra có ảnh hưởng tốt hay ảnh hưởng xấu đều dẫn đến trách nhiệm nhân quả của chính mình. Biểu diễn nghệ thuật là nghề nghiệp làm cho chúng ta mờ mịt trong ánh đèn sân khấu. Ánh đèn đó là giả. Hiện tại chúng ta là Thầy Cô giáo dạy chuẩn mực làm người, chúng ta muốn dạy các con chuẩn mực làm người thì chúng ta phải học tốt, làm tốt chuẩn mực làm người như trong “Đệ Tử Quy” đã dạy:
“Cha Mẹ gọi, trả lời ngay
Cha Mẹ bảo, chớ làm biếng
Cha Mẹ dạy, phải kính nghe
Cha Mẹ trách, phải thừa nhận”.
Từ đó, chúng ta mở rộng ra, không chỉ đối với Cha Mẹ, mà đối với Thầy Cô, trưởng bối, cấp trên, Quốc gia, chúng ta cũng phải hiếu kính, kính trọng và nghe lời.
**************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!
Chúng con chân thành cảm ơn!