134Thứ Sáu, 18/02/2022, 11:37
799 · Trường Thọ Lại Khỏe Mạnh, Già Mà Không Khổ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 18/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 799

TRƯỜNG THỌ LẠI KHỎE MẠNH, GIÀ MÀ KHÔNG KHỔ”

Trường thọ lại khỏe manh, già mà không khổ. Đây là những phước mà tất cả người thế gian đều truy cầu, ai cũng mong trường thọ, sống đến thật già nhưng trường thọ khỏe mạnh, an vui tự tại thì không phải ai cũng đạt được. Khi đi ngoài đường, thấy các cụ già lớn tuổi vẫn phải đi nhặt ve chai, bán vé số, tôi liền tự phản tỉnh rằng trong đời sống mình phải tu phước, phải tái tạo phước báu, phải tích công bồi đức thì mới có kết quả về già hưởng phước, lâm chung hưởng phước. Rất nhiều người không chú trọng điều này, họ chỉ chú trọng đến thực tại hưởng phước. Đây là vấn đề mà xã hội hiện đại họ không hiểu được. Họ tổ chức sinh nhật 1 tỷ, tổ chức đám cưới 30 tỷ rất xa hoa lãng phí, trong khi còn rất nhiều người khó khăn cần được chia sẻ cứu giúp thì họ không bận tâm. Họ chỉ muốn được người khác khen là hoành tráng, hơn người. Họ không biết rằng mình đang tận lực hưởng phước, khi phước đã hưởng hết rồi thì tuổi già sẽ rất thê thảm. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Phải có một tuổi già khỏe mạnh chứ không phải tuổi già nằm ở trên giường bệnh”. Có rất nhiều người tuổi già phải nằm trên giường bệnh, phải có người hầu hạ, sống phải nhờ thuốc chứ không được tự tại.

Tôi càng về già càng cảm nhận người xưa dạy rất hay: “Ấu niên dưỡng tánh, đồng niên dưỡng chánh, thiếu niên dưỡng chí, lão niên dưỡng đức”. Những giai đoạn trước mình đã qua hết rồi, nếu bây giờ không khẩn trương dưỡng đức thì không còn kịp. Tuy tôi chưa quá già nhưng đã có nhiều việc “lực bất tòng tâm” do tuổi trẻ tôi đã không bảo dưỡng tốt thân thể, không tu tập, khi biết tu tập rồi thì lại không nỗ lực dụng công, bây giờ mới thấy quá muộn. Cho nên những người còn trẻ cần phải cẩn trọng!

Những điều mọi người mong cầu nhiều nhất chính là khỏe mạnh, sống an vui tự tại, không bệnh tật. Muốn có được những điều này thì thân tâm phải thanh tịnh, tâm thì phải xa lìa tham sân si, thân thì phải xa lìa những thứ làm mình bệnh khổ. Người ta mong cầu như vậy nhưng cách sống thì hoàn toàn ngược lại. Họ sống tận lực hưởng thụ, phóng túng mà muốn không có bệnh, không có những biến chứng về sau!

Trước đây, tôi dịch bộ đĩa Bác sĩ Bành Tân nói về vấn đề sức khỏe. Bác sĩ thấy một thanh niên còn trẻ đang làm ăn phát đạt, mỗi lần gặp lại thấy anh ấy đi cùng một cô gái khác. Bác sĩ cảnh báo: “Cứ như thế này thì chẳng bao lâu nữa anh sẽ trở thành người tàn phế!”. Anh ấy không nghe khuyên. Mấy năm sau, anh đến cầu cứu bác sĩ vì hai chân bắt đầu bị teo, tiểu đường rất nặng. Bác sĩ nói: “Không thể cứu được nữa, hết cách rồi!”.

Nhà Phật nói: Con người phải tiết dục, dục vọng từ nơi bản thân, dục vọng từ nơi vật chất bên ngoài, tất cả đều phải hạn chế đến mức thấp nhất. Trong bài học trước Hòa Thượng đã nhắc: “Thanh tâm quả dục”, tâm phải thanh tịnh, hạn chế dục vọng đến mức thấp nhất thì mới có thân thể khỏe mạnh, có thể sống lâu mà không bệnh khổ.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian mong cầu phước báu, phước báu thứ nhất là khỏe mạnh sống lâu. Điều này phần nhiều mọi người khi còn trẻ thì không để ở trong tâm. Đến khi tuổi già, suy yếu vì nhiều bệnh tật rồi thì họ mới cảm thấy đó là việc quan trọng”.

Lúc trẻ tôi cũng rất hoang đường, lãng phí rất nhiều sức khỏe. Nếu trước đây tôi biết bảo dưỡng sức khỏe thì bây giờ tôi có sức khỏe tốt hơn, năng lực làm việc hiệu quả hơn. Mới chỉ hơn nửa đời người mà tôi đã nhận thấy rất nhiều thứ khác thường. Cho nên việc làm thế nào để khỏe mạnh, sống lâu phải được giáo dục từ nhỏ để các con biết cách chăm sóc răng miệng, chăm sóc sức khỏe. Giống như trồng cây phải chọn hạt giống không sâu bệnh, hạt giống phải lai tạo từ F1, F2. Có nghĩa là chúng ta mua hạt giống về trồng cây, sau đó lấy đúng hạt giống của cây mình đã trồng để trồng tiếp thành F1, rồi sau đó lại lấy đúng hạt giống đó để trồng thành F2. Tôi trồng cây đậu rồi lựa chọn những hạt đậu to, chắc, mẩy, để dành chính những hạt giống tốt đó để trồng tiếp thì thấy cây F1, F2 lớn nhanh, mạnh mẽ.

Có những người đến khi già, bệnh tật rồi phải nhờ đến bác sĩ, nhờ đến thuốc thang, như vậy thì còn trễ hơn nữa. Hòa Thượng nói: “Nếu bác sĩ và thuốc thang có thể làm cho con người chúng ta được khỏe mạnh, sống lâu vậy thì chẳng phải những người có tiền, có thế lực sống trường thọ hết hay sao? Cho nên khỏe mạnh, sống lâu không phải là do tiền tài, do thế lực mà có thể mua được. Ở trên Kinh Phật nói: “Phước báu để khỏe mạnh, sống lâu là do tu mà có”. Những người giàu có đi đến những quốc gia tiên tiến nhất, nơi có bệnh viện tốt nhất để chữa bệnh nhưng thực tế thì những người có tiền, có địa vị sống không lâu không khỏe mạnh bằng những người ở quê sống chất phác, giản dị”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook