138Thứ Năm, 17/02/2022, 10:46
798 · Người Hiện Tại Cho Rằng Người Già Là Không Hợp Thời Đại

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 17/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 798

“NGƯỜI HIỆN TẠI CHO RẰNG NGƯỜI GIÀ LÀ KHÔNG HỢP THỜI ĐẠI”

Ấn Quang Đại Sư là Đại Thế Chí Bồ Tát. Ngài nhắc nhở chúng ta: “Giai đoạn hiện tại, giáo dục Phật pháp phải chú trọng về giáo dục nhân quả vì luân lý đạo đức đã bại hoại rồi. Từ Phật pháp cho đến Nho học, Đạo học, những giáo huấn của Thánh Hiền gần như đã bị đào thải. Khi chúng ta nhắc đến luân thường đạo lý họ sẽ nhếch mép cười một cách ngạo nghễ”.

Bản thân tôi trước đây cũng đã bị cười chế giễu như vậy. Họ còn nói với tôi: “Ông có biết thời đại này là thời đại gì không? Phi thuyền vũ trụ đã đi đến mặt trăng rồi mà còn ở đó nói chuyện đạo đức!”. Họ chế giễu, cười khẩy tôi. Ngày nay có rất ít người xem trọng luân thường đạo lý, hiếu thảo Cha Mẹ, kính trọng Thầy Cô và kính trọng các bậc tiền bối. Từ rất nhỏ, tôi đã được nghe câu “kính lão đắc thọ”, kính bậc trưởng bối thì mới làm được trưởng bối. Ngày nay thế hệ trẻ rất xem thường người già. Họ cho rằng người già tư tưởng mục nát, cổ hủ, lạc hậu cho nên họ không tiếp nhận. Họ cho rằng khoa học đã tiến bộ, con người đã văn minh lắm rồi thì không cần những thứ đó.

Khoa học càng văn minh thì càng phải giúp con người sống tiến bộ hơn, hạnh phúc hơn, giữa con người vẫn phải giữ luân thường đạo lý mới đúng, không phải khi khoa học tiến bộ thì lúc ra đường con gọi Cha là “anh”. Nếu chúng ta xem bậc trưởng bối ngang hàng như vậy thì không còn là con người nữa. Có những người kích bác, không thờ Thần Phật. Người xưa nói: “Phật là Đấng Trung Tôn cho nên phải thờ cao nhất, kế đó là Cửu huyền thất tổ của mình”, đó chính là “uống nước nhớ nguồn, là ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Bạn mời một vị Chủ tịch tỉnh đến nhà, chắc chắn bạn mời vị ấy ngồi ở chính giữa, trân trọng nhất. Nếu một vị Chủ tịch nước đến nhà thì càng phải trân trọng hơn chứ không thể ngồi ngang hàng với bạn. Đó là chuẩn mực, lề lối làm người.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay người trẻ xem thường người già, xem thường bậc trưởng bối vì trong đầu của họ không có luân thường đạo lý, chuẩn mực làm người. Trong đầu của họ là tự tư tự lợi, vong ân bội nghĩa, mỗi niệm là tham sân si mạn, phải quấy, ta và người, hơn thua tốt xấu. Nếu bạn đem đạo đức nói với họ thì họ lắc đầu ngay”. Họ sẽ nói bạn cổ hủ, bạn không biết đây là thời đại 4.0. Nhưng họ quên rằng họ là con người chứ không phải là một người máy. Người máy làm việc rất tốt, năng suất rất cao nhưng không có tình người, không có chuẩn mực để làm người. Ngày nay lớp trẻ như trở thành những người máy vô cảm. Hiện tượng vong ân bội nghĩa đang phổ biến một cách tràn lan. Tại vì người lớn chỉ nói với chúng về lợi ích, cho nên chúng lớn lên giống như người máy được lập trình, có lợi thì làm, không lợi thì thôi, điều gì tổn thất, thiệt thòi thì chúng dứt khoát không làm, luôn tham sân si mạn, không nói đến tình nghĩa, đạo nghĩa mà chỉ vong ân phụ nghĩa. Cuộc sống như vậy thật đáng sợ!

Hôm qua tôi thấy trên có Youtube có video quay cảnh con đánh Cha Mẹ, tôi chỉ nhìn thoáng qua chứ không xem, tôi thấy rất đau lòng. Hiện tượng này ngày nay rất phổ biến. Tại sao các bậc làm Cha Mẹ không phải tỉnh? Cho dù chúng ta rất giàu có, tiền của nhiều như núi nhưng thế hệ sau vong ân bội nghĩa, tự tư tự lợi, không biết chuẩn mực làm người thì núi tiền đó cũng chỉ như núi rác. Tôi đã từng nói: “Chúng ta giáo dục tốt thế hệ sau chính là những phẩm vật phẩm tốt nhất dâng lên Tổ Tiên”. Một vị Thầy giáo ở Nghệ An đã nói với học trò của mình: “Hôm nay con không có cam ngọt tặng Thầy nhưng tương lai thành công của con chính là trái ngọt để tặng Thầy”.

Gần đây tôi đọc một bài báo với nội dung “Thầy Cô giáo có được gọi học trò là con không?. Có rất nhiều người tham gia tranh luận. Họ là những người học trò nhưng không có lòng tri ân với các Thầy Cô giáo nên mới có quan điểm đó. Họ cho rằng mình là Thầy rồi, mình giỏi hơn các Thầy Cô của mình rồi, trong lòng họ không có niềm tri ân đối với những người Thầy. Có những người Thầy dạy chúng ta từ cấp tiểu học. Chúng ta học xong gần 30 năm rồi mà Thầy vẫn nhớ những kỷ niệm về học trò. Chúng ta gọi những người Thầy đó là “Thầy”, xưng con còn chưa đủ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook