Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 16/02/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 797
“CÀNG GIÀ CÀNG KHỎE MẠNH”
Hòa Thượng nói: “Người xưa có lối sống khỏe mạnh, thanh tịnh, không có những tham cầu, tranh đua vô bổ. Đời sống của họ thanh đạm cho nên họ càng già càng khỏe mạnh. Sức khỏe, tinh thần, thể lực, trí tuệ càng lúc càng tốt cho nên họ càng già càng có kinh nghiệm sống”. Người xưa nghĩ rằng: “Trong nhà có người già như có của báu”. Người xưa xem trọng tinh thần, nhân cách, chuẩn mực của đời sống. Thế hệ ngày nay ý niệm hoàn toàn khác. Người ngày nay coi người già như “cục nợ” trong nhà. Người ngày nay rất chú trọng vật chất, sống một cách tùy tiện, tùy tiện làm những việc hổ thẹn. Người xưa nói: “Sĩ khả sát bất khả nhục”, (Quân tử thà chết chứ không chịu nhục). Người xưa có thể chết nhưng không thể nhục, còn người nay thì ngược lại, có thể nhục nhưng không thể chết, nhục mà được lợi thì vẫn làm. Người sống đầy những mong cầu dục vọng, phóng túng thì không thể khỏe mạnh được.
Hòa Thượng nói: “Tôi có mấy cái răng hư, do lúc nhỏ không biết bảo dưỡng nên bây giờ không có cách nào”. Đó là đạo lý dưỡng sinh cho cả một đời chúng ta. Lúc nhỏ chúng ta không biết bảo dưỡng thân thể, khi nhận biết được cần phải bảo dưỡng thân thể thì gần như đã muộn rồi. Cho nên những người trẻ ngày nay phải cẩn trọng, chú ý cái gì nên ăn, cái gì nên làm và cái gì nên nghĩ. Đó là cách bảo dưỡng thân tâm của mình. Lúc trẻ tôi cũng rất bê tha, phóng túng đối với việc chăm sóc răng miệng, có khi ăn uống xong thì đi ngủ luôn, đến lúc hiểu được thì đã muộn. Chúng ta học Phật thì phải biết cách bảo dưỡng thân tâm sao cho hợp lý. Chúng ta ăn đủ no, đủ chất là được. Đôi khi chúng ta ăn những thứ không cần thiết, dư chất thì lại tạo bệnh khổ. Có những cái không cần bận tâm suy nghĩ thì chúng ta lại bận tâm.
Tôi có một người bạn người Đài Loan. Ông ấy hơn 70 tuổi và đã sống ở Việt Nam lâu rồi, cuộc đời cũng rất khổ sở. Một năm ông cũng ghé qua thăm tôi một, hai lần. Gần đây, ông tặng tôi 100 chiếc bánh bao, sau đó tôi lại mang đi tặng cho mọi người. Mỗi lần gặp ông, tôi đều nói: “Ông buông xuống tất cả đi! Đừng bận tâm suy nghĩ việc hồng trần thế gian này! Ông già rồi, nên trở về quê, ở đó có con cái đầy đủ!” Ông nói: “Tôi làm sao mà buông xuống được! Ngày xưa tôi mang tiền qua đây làm ăn, bây giờ không còn gì nữa nên không còn mặt mũi về quê!”. Ông cũng cố chấp nên bao nhiêu năm rồi tôi cũng chỉ khuyên được như vậy. Ông có một người vợ Việt Nam nhưng bây giờ hai người xem nhau như kẻ thù. Ông nói: “Tôi chờ xem người vợ đó phải chịu nhân quả như thế nào!”.
Câu chuyện tưởng chừng như là câu chuyện của người ta nhưng cũng là câu chuyện của mình. Ông cũng biết đến Phật và học Phật nhiều năm, nhưng ông đến với Phật là để có được sự bảo hộ của Phật chứ không thực tiễn lời giáo huấn của Phật vào trong đời sống. Cho nên ông khổ đau, phiền não, không biết cách giải tỏa. Người xưa nói: “Lo buồn khiến cho người ta già”. Cả quãng đời tuổi già của ông đều sống trong uất hận để chờ xem nhân quả đến với người vợ đó như thế nào. Ông còn nói: “Chẳng nhẽ ông Trời không có mắt!”. Đôi khi người ta dùng câu này để oán thán một ai đó.
Nhân quả thông ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Có thể họ tạo nhân xấu đời này nhưng đời trước họ tạo quá nhiều nhân tốt rồi cho nên đời này họ không gặp quả xấu, có thể đời sau hoặc đời sau nữa thì quả xấu mới đến. Nếu chúng ta ngồi chờ nhân quả đến với họ thì chúng ta sai rồi. Chúng ta biết rõ họ tạo nhân xấu thì họ nhận kết quả xấu, nhưng chúng ta phải xem lại chính mình có tạo nhân xấu không, nếu chính mình cũng tạo nhân xấu thì nhất định sẽ gặp quả xấu.
Người xưa nói:“Người khỏe mạnh sống lâu “thanh tâm quả dục”. “Thanh” là thanh tịnh, tâm phải thanh tịnh. “Quả” là hạn chế thấp nhất dục vọng của mình. “Dục” là ham muốn đủ thứ như ham ăn, ham tiền, ham danh, ham hưởng thụ vật chất, ham hưởng thụ thân xác… Chúng ta muốn khỏe mạnh thì phải “thanh tâm quả dục”. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Xa lìa tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn chính là “thanh tâm quả dục” tốt nhất”. Xa lìa những thứ đó là điều bổ dưỡng nhất cho thân tâm”. Chúng ta nghĩ đến việc phải dùng các loại thuốc bổ dưỡng, nhân sâm thì hoàn toàn sai.