18412/02/2022, 17:30 13/02/2022, 05:52
793 · Bạn Nghĩ Đến Bệnh Thì Liền Bệnh, Bạn Nghĩ Đến Già Thì Liền Già

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Bảy ngày 12/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 793

“BẠN NGHĨ ĐẾN BỆNH THÌ LIỀN BỆNH, BẠN NGHĨ ĐẾN GIÀ THÌ LIỀN GIÀ”

Hòa Thượng nói: “Con người ở thế gian ai cũng muốn mình khỏe mạnh sống lâu. Muốn như vậy thì thân tâm phải thanh tịnh”. Chúng ta ước muốn khỏe mạnh, sống lâu nhưng vẫn cứ đi con đường ngược lại, lúc nào cũng “tham sân si mạn”, “tự tư tự lợi”. Chúng ta làm cho thân tâm của mình gia tăng sự ô nhiễm. Vậy thì làm sao mà không già, không bệnh?

Hòa Thượng nói: “Nếu muốn không già không bệnh thì thân tâm phải thanh tịnh”. Muốn thân tâm thanh tịnh thị ta phải buông bỏ tất cả những sự phiền toái, những thứ vướng mắc làm ô nhiễm, vướng bận nội tâm của mình. Rất nhiều người suốt ngày đi cầu Trời khấn Phật mong được khỏe manh, sống lâu, bình an nhưng những điều này không thể cầu khẩn mà được. Ngay cả người học Phật rồi cũng đi cầu khẩn trong khi Phật dạy chúng ta giữ thân tâm thanh tịnh, thân tâm không ô nhiễm thì không bị bệnh. Chúng ta ô nhiễm càng nhiều, càng sâu thì bệnh độc càng gia tăng, càng khó trị.

Bà cụ Hứa Triết không biết giận. Cụ nói: “Giận một lần thì ba ngày mới tiêu được hết độc tố trong cơ thể. Lúc tức giận, chúng ta hại chính mình, hại cho đối phương và người thứ ba nghe thấy cũng bị vạ lây”.  Vậy mà chúng ta mỗi ngày chăm chỉ chuyên cần nạp dinh dưỡng bệnh độc vào cơ thể chứ không nạp dinh dưỡng để bổ dưỡng thân tâm. Nếu một ngày chúng ta tức giận 3 lần sáng, chiều, tối thì cơ thể đầy độc tố.

Hòa Thượng nói: “Thế gian có câu: “Lo buồn khiến cho người ta già”. Một người nhiều “tham sân si mạn”, nhiều lo buồn vướng mắc thì sẽ già yếu rất nhanh, cũng rất dễ dàng bị bệnh vì thân tâm của người đó không thanh tịnh”. Khi Hòa Thượng 60, 70 tuổi, Ngài đi khám với các Bác sĩ chuyên khoa giỏi ở Bắc Kinh. Sau khi khám xong, bác sĩ nói các chỉ số sức khỏe và huyết áp của Ngài đẹp như của thanh niên. Hòa Thượng lúc nào cũng cười. Ngài buông bỏ danh vọng lợi dưỡng, cả một đời “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Ngài tận tâm tận lực dạy học cho học trò. Ngài không có đệ tử, không nhận một người đệ tử xuất gia nào. Khi Ngài 80 tuổi, da mặt của Ngài vẫn đẹp như da mặt của một thanh niên.

Hòa Thượng nói: “Bạn hãy buông bỏ danh lợi xuống! Nếu trong tâm của bạn nhiều lo buồn, phiền não thì bạn sẽ già, sẽ bệnh. Già bệnh là từ ở nơi bạn không buông bỏ được danh lợi”. Chúng ta cần hiểu rõ: Buông bỏ” ở đây không có nghĩa là bỏ hết mà có nghĩa là buông bỏ ở trong tâm. Tất cả những gì chúng ta có được đều vì lợi ích chúng sanh, phát huy giáo huấn của Phật Đà, phát huy văn hóa truyền thống. Thí dụ Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức mấy năm nay phát triển nhanh, các con có những nơi được giáo dưỡng tốt là do có những người phát tâm buông xả, chịu bỏ ra thì chúng sinh mới được lợi ích.

Nếu chúng ta buông xả, cho đi hết nhưng cho không đúng cách thì còn tạo thêm tội. Người có nhiều tiền cho đi không đúng chỗ còn gây hại. Ngày trước, lúc đó tôi quản lý nhà sách Biển Tuệ, có một cô đến nhà sách ngồi chống tay buồn bã. Tôi đến hỏi thăm vì sao trông cô ấy buồn thế. Cô ấy chỉ bộ “Kinh Hoa Nghiêm” - bộ Kinh lớn nhất trong kệ sách rồi nói: “Hôm nay con muốn mua Kinh sách về đọc”. Tôi rất ngạc nhiên. Cô nói: “Con buồn quá nên muốn đọc Kinh Phật cho vơi đi nỗi buồn”. Tôi nói: “Không thể đọc Kinh Phật mà vơi buồn được! Phải dùng tâm thanh tịnh để đọc thì mới khế nhập được cảnh giới của Phật, còn dùng tâm mong cầu phiền não để đọc thì tâm còn phiền não hơn”. Cô ấy nói với tôi: “Con cúng dường nơi đó xây chùa, bây giờ phát hiện ra vị Thầy đó đã có người khác”. Tôi hỏi: “Vị đó đẹp trai lắm đúng không?”. Cô ấy nói: “Sao Thầy biết?”. Tôi trả lời: “Tôi không biết nhưng cô trả lời như vậy là đã xác nhận điều đó rồi!”.

Buông xả” là buông xả trên nội tâm của mình. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” không có hại. Cái hại là ở chỗ chúng ta không biết dùng nó, không có đủ trí tuệ để vượt qua nó. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy, Địa Ngục ngũ điều căn”, năm dục này là năm điều đưa người ta vào Địa Ngục. Nếu chúng ta nghe vậy liền sợ quá không dám ăn, không dám ngủ nữa thì càng nhanh chết. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng “tài, sắc, danh, thực, thùy” phù hợp, đúng cách để làm việc lợi ích chúng sinh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook