145Thứ Sáu, 11/02/2022, 13:03
792 · Quả Báo Ở Tương Lai Chúng Ta Có Thể Dự Kiến Được

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Sáu ngày 11/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 792

“QUẢ BÁO Ở TƯƠNG LAI CHÚNG TA CÓ THỂ DỰ KIẾN ĐƯỢC”

Trong quá khứ, chúng ta không tiếp nhận được giáo huấn của Phật, chúng ta làm sai thì không có cách gì thay đổi được quá khứ. Nhưng ngày nay chúng ta đã học Phật, chúng ta biết rõ “nhân nào quả đó”, cho nên dự kiến được tương lai gần như là chính xác. Hòa Thượng muốn nói: “Mỗi người học Phật phải thật làm thì chắc thật dự kiến được tương lai, còn nếu không thật làm thì không thể dự kiến được”.

Chúng ta trồng xuống một đám ngô, một đám dưa. Chúng ta đã chọn hạt giống tốt, đã làm sạch cỏ, cày ải đất, xử lý tốt các kỹ thuật canh tác. Trong quá trình trồng trọt, chúng ta tưới nước đầy đủ cho cây con, cây lớn thì chắc chắn cây sẽ phát triển tốt, rau trái thơm ngon. Tôi trồng đậu ngự, tưới nước đầy đủ thì một trái đậu có 4 hạt. Lần này trồng đậu ngự, do trời mưa nên tôi ít tưới nước, một trái đậu chỉ cho 3 hạt, chứng tỏ cây bị thiếu nước. Cho nên quả báo tương lai là do ngay cuộc sống hiện tại định đoạt. Chúng ta biết rõ kết quả ở tương lai như thế nào, không thể khác được.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có thể dự kiến được quả báo tương lai”. Ngài không dùng từ “nhất định” mà dùng từ “có thể”. Trong đời quá khứ chúng ta đã tạo quá nhiều nghiệp. Trong đời hiện tại, nếu chúng ta không thể làm tốt hơn để vượt qua nghiệp lực, khi nghiệp quá khứ mạnh hơn thì nghiệp quá khứ có thể ảnh hưởng đến quả báo tương lai. Điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin đối với Phật pháp, đối với lời giáo huấn của Phật. Chúng ta phải làm với tâm dũng mãnh, làm với hằng tâm.

Tối hôm qua có hai vợ chồng gọi điện cho tôi. Trước đây họ không niệm Phật thì không sao, bây giờ niệm Phật thì có ma dựa. Họ cho rằng nguyên nhân họ bị ma dựa là vì họ niệm Phật. Tôi mời họ tham gia lớp học gần 300 người này để xem trong lớp có ai niệm Phật mà bị ma dựa không. Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã gây tạo oan nghiệp, chẳng những đời quá khứ mà ngay đời hiện tại chúng ta cũng đã tạo nghiệp, đã tạo nhân thì nhất định sẽ nhận quả. Niệm Phật là niệm Từ Bi, niệm Thanh Tịnh, niệm Chân Thành thì làm sao mà sai được! Sinh tâm nghi ngờ thì càng sinh tội, nghiệp chướng càng nặng. Họ niệm tiền, niệm danh, niệm tự tư tự lợi, niệm tham sân si mạn nghi thì không sợ mà lại sợ niệm Phật. Làm gì có chuyện trồng đậu, trồng dưa mà cây lại nở ra quả ớt, hoặc nở ra quả có độc tố chết người!

Họ niệm Phật bị ma dựa là bất thường. Tôi nói với hai vợ chồng đó là không phải họ bị ma dựa vì niệm Phật, không phải do niệm Phật mà gặp việc bất thường như vậy. May mà họ còn biết niệm Phật, chứ nếu không niệm Phật thì khi nghiệp chướng đến, họ còn thê thảm hơn. Bất thường là do nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp của chính mình. Tôi nói để mọi người cùng có cái nhìn, cái hiểu cho thấu đáo. Để giải quyến vấn đề này, họ cần làm ba việc để trị thân, trị tâm và hóa giải nghiệp chướng:

⮚ Việc thứ nhất là phải làm nhiều việc tốt, khởi tâm thiện, khởi ý thiện để có cái mà hồi hướng cho oan gia trái chủ.

⮚ Việc thứ hai là phải chân thành sám hối nghiệp chướng, cải lỗi, chứ không dùng tâm đối trị, đối kháng với oan gia.

⮚ Việc thứ ba là phải đi khám bác sĩ xem mình có bị bệnh gì không.

Tôi giải thích nhưng họ không nghe. Họ biết tôi là người cả đời niệm Phật, cả đời chỉ dịch đĩa Hòa Thượng nhưng họ không nghe khuyên vậy thì hết duyên. Nếu sáng nay họ không tham gia lớp học này thì tôi không thể giúp họ được nữa. Tôi nói họ không tin mà tôi cố cưỡng cầu thì tôi lại tự tạo phiền não.

Việc này có đạo lý rất rõ ràng. Phật dạy rõ ràng như vậy, nhân quả rất tường tận, không có gì mù mờ. Có nhiều người tự thấy mình có những điều bất thường, sinh ra hoảng loạn, càng hoảng loạn thì càng tai hại. Hòa Thượng nói: “Trong nhà Phật, công phu thể hiện khi chúng ta đối diện với nghiệp chướng, đối viện với bệnh khổ. Chúng ta phải tinh tấn hơn, dũng mãnh hơn, phát tâm rộng lớn hơn!”.

Người xưa dạy: “Mạc đãi lão lai phương niệm Phật, cổ phần đa thị thiếu niên nhân” (Chớ đợi đến già mới niệm Phật, Mồ xưa lắm kẻ vẫn đầu xanh). Phật nói: “Vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế” (Vô thường già bệnh, không hẹn một ai, sớm còn tối mất, trong khoảng sát na đã qua đời khác). Ai cũng đến lúc phải chết, nhưng cái chết không hẹn thời gian. Người chưa cưới vợ gả chồng cho con thì mong cưới vợ gả chồng cho con xong rồi mình mới chết, người thì mong cháu nội cháu ngoại trưởng thành, thi đỗ đại học xong rồi mình mới chết. Chúng ta hẹn nhưng vô thường không hẹn. Đạo lý này mới là chân thật!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook