121Thứ Tư, 09/02/2022, 12:22
790 · Cái Thân Này Có Phải Là Họa Hại Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 09/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 790

“CÁI THÂN NÀY CÓ PHẢI LÀ HỌA HẠI KHÔNG?”

Ngài Lão Tử nói: “Ngô hữu đại hoạn, vi ngô hữu thân”, ta có họa lớn, ta có mối lo lớn vì ta có cái thân này. Nhưng nếu như không có cái thân này thì chúng ta làm sao có thể làm việc tốt, tấn tu đạo nghiệp!

Hòa Thượng nói: “Cái thân này có phải thật là họa hay không? Chúng ta phải biết mượn giả để tu thật, không có cái thân giả này vậy thì làm sao ta có thể tu được! Cái thân cũng giống như một công cụ”. Thí dụ thân ta giống như một cái dao, chúng ta dùng cái dao để cắt gọt trái cây, làm những việc cần thiết, chứ không sát sanh hại vật. Chúng ta phải dùng thân này để tu tạo phước điền, tích công bồi đức, làm những việc tốt đẹp, mang lại lợi ích cho xã hội. Nếu chúng ta dùng thân này để tự tư tự lợi, để danh vọng lợi dưỡng, để hưởng thụ năm dục sáu trần, để tham sân si mạn thì đúng là họa hại. Điều quan trọng là chúng ta dùng thân này như thế nào. Khi chúng ta biết thân là công cụ hữu ích thì chúng ta sẽ biết điều tiết ăn uống ngủ nghỉ, đi đứng nằm ngồi phù hợp nhất. Có người thì cung phụng, nuông chiều cái thân này. Có người thì ruồng rẫy, bạc đãi cái thân để cho nó bị tàn hoại một cách nhanh chóng. Họ đều làm sai.

Chư Phật Bồ Tát đến thế gian này cũng phải thị hiện thân người để nói pháp giáo hóa chúng sanh, để làm việc tốt thì người ta mới tin. Nếu không như vậy thì sẽ có người không tin, nghi ngờ. Chư Phật Bồ Tát đến thế gian này đều có thân phận, đều có xuất thân.Ngài Lục Tổ Huệ Năng xuất thân từ một gia đình nghèo, từ nhỏ đến lớn chuyên đi đốn củi, bán củi lấy tiền mua gạo. Một ngày đi bán củi, nghe được một người tụng Kinh thì Ngài liền giác ngộ. Thích Ca Mâu Ni Phật sinh ra ở thành Ca Tỳ La Vệ, lớn lên tài năng xuất chúng, võ nghệ hơn người, rồi Ngài cũng xuất gia tìm đạo, sau khi chứng đạo thì giáo hóa chúng sanh. Các Ngài đều có xuất thân, có thân thế rất rõ ràng.

Mỗi chúng ta cũng vậy. Chúng ta xuất thân từ khó khăn gian khổ mà có thể thành đạt, làm nhiều việc lợi ích cho người thì người ta mới nể phục, tin phục, nghe lời và làm theo. Có những người sống trên đời một cách vô ích, trải qua ngày tháng như bèo trôi sông, cứ nước lớn trôi vô, nước rồng trôi ra. Họ không biết làm gì, không có tự chủ, không nỗ lực tấn phát. Chúng ta phải tự chủ, phải nỗ lực tấn phát thì mới làm được những việc có lợi ích cho mình và lợi ích tha nhân.

Trong khi có rất nhiều việc cần phải làm cho cuộc đời thì lại có những người rủ nhau đi tự vẫn. Nếu chúng ta không cần cái thân xác này nữa thì hãy dùng nó để hi sinh phụng hiến, làm những việc chân thật lợi ích cho người, làm đến sức cùng lực kiệt thì cũng sẽ được lưu danh thiên cổ. Cụ Hứa Triết là một tấm gương lớn để chúng ta học tập. Cụ tuy nhiều tuổi hơn người bệnh nhưng cụ vẫn làm tất cả những việc như tắm rửa, giặt đồ, nấu nướng, hót phân để chăm sóc những người bệnh, người già yếu. Nếu chúng ta không cần thân mình nữa thì hãy đi làm những việc đó, ít nhẫn cũng tạo được phước điền, lợi ích được nhiều người.

Bây giờ cũng có nhiều người không chết, nhưng sống không ra sống, họ không làm gì hết, gọi là “ẩn giả đô thị”, ban ngày thì ngủ, ban đêm thì thức thâu đêm. Một số con cái của một số gia đình ngày nay như vậy. Thật là đáng sợ! Rất đau lòng! Đến lúc chúng cảm thấy chúng không có mục đích phấn đấu, chán sống quá thì đi chết. Trong khi chúng ta từng ngày, từng ngày, mỗi ngày 24 giờ đồng hồ cũng không đủ thời gian để làm việc từ sáng đến tối. Một ngày của tôi, tôi làm việc có lúc quên ăn, khi thấy bụng đói, nhìn đồng hồ mới biết là đã hết buổi sáng, đã hết buổi chiều. Ngày nào tôi cũng có việc để phấn đấu, nỗ lực, thời gian sống còn không đủ, không có thời gian để chán sống.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta xem cái thân này có phải là họa hại hay không? Tôi không hề cảm thấy cái thân này là họa hại. Tôi cảm thấy cái thân này rất hữu dụng!”. Nếu chúng ta dành 60% cho người, 40 % cho mình thì cuộc sống của chúng ta đã hữu dụng rồi. Nếu chúng ta dành 80% cho người, 20% cho mình thì cuộc sống vô cùng ý nghĩa. Nếu chúng ta lười biếng, nhếc nhác, chểnh mảng thì mới thấy cuộc đời này không có ý nghĩa gì.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook