186Thứ Ba, 08/02/2022, 15:35
789 · Tuy Niệm Phật Cả Đời Mà Không Thể Vãng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Ba ngày 08/02/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 789

“TUY NIỆM PHẬT CẢ ĐỜI MÀ KHÔNG THỂ VÃNG SANH”

Hòa Thượng nhắc nhở những đồng tu niệm Phật, thậm chí những người chuyên nghe pháp Hòa Thượng. Trong bài này, Hòa Thượng nhắc đến hai vị cư sĩ Phật học rất nổi tiếng: “Người xưa thì không nên học theo Tô Đông Pha, người nay thì không nên học theo Lương Khải Siêu”. Hai vị ấy nói thì thấu tình đạt lý nhưng không thật làm cho nên học Phật nhưng không có kết quả.

Gần đây chúng ta cũng thấy có rất nhiều người học Phật, mở đạo tràng để dạy người ta niệm Phật nhưng bây giờ chính họ không tu, không niệm Phật, không những không ăn chay mà còn phá giới. Miệng họ nói thao thao bất tuyệt nhưng tất cả mọi khởi tâm động niệm của họ đều sai phạm. Phàm phu ngày ngày nhìn ra lỗi lầm của mình thì người đó có tiến bộ. Người ngày ngày không nhìn ra lỗi lầm của mình thì người đó không tiến bộ. Trước đây có một người có vẻ tu hành tốt, tìm đến tôi để hỏi về việc mở đạo tràng dạy người tu tập. Tôi nhìn người ấy thì liền nghi ngờ vì họ không có dáng vẻ của người chân thật tu hành. Một thời gian ngắn sau, họ lấy chính người đồng tu rồi làm rất nhiều chuyện phá giới khác nữa khiến đạo tràng xào xáo. Họ nói thì hay nhưng cuối cùng thì làm ngược lại. Tôi nghe mà rất đau lòng vì họ làm ra biểu pháp xấu cho những người tu hành.

Cư sĩ Tô Đông Pha và Cư sĩ Lương Khải Siêu Cư sĩ là hai vị Phật học rất uyên thâm, nổi tiếng. Khi Hòa Thượng Tịnh Không đến học với Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão cư sĩ đã cảnh tỉnh Hòa Thượng: “Cổ nhân biệt học Tô Đông Pha, kim nhân biệt học Lương Khải Siêu”, nghĩa là người xưa thì đừng học theo Tô Đông Pha, người nay thì đừng học theo Lương Khải Siêu vì họ chỉ nói mà không thật làm. Học Phật thì phải thật làm, ngày ngày phải kiểm soát nội tâm của mình, phải nhận ra từng khởi tâm động niệm của mình. Nếu chúng ta không nhận ra được lỗi lầm của nội tâm mình, thậm chí hành động có lúc như một kẻ thô tục không tu hành, vậy mà còn giảng Kinh, thậm chí viết lách Kinh điển thì sẽ để lại tai hại cho người sau.

Khi dịch đĩa Hòa Thượng giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, tôi thấy Hòa Thượng đọc câu chánh văn “như thị ngã văn” và giảng câu này giảng trong hai đĩa, hai giờ đồng hồ. Trong khi dịch, tôi nương theo ý đó nên cũng có thể hiểu được. Có người hỏi tôi: “Sao Thầy không dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”?”. Tôi nói: “Tôi chỉ là phàm phu, tôi không dám làm việc đó. Khi nào Phật Bồ Tát cảm thấy thấy cần thì Ngài sẽ đến dịch. Ngày nay tôi chỉ học theo giảng giải của Hòa Thượng, rồi cùng nhau phân tích lời dạy của Ngài chứ tôi không dám dịch Kinh, không dám phân tích Kinh”.

Vậy mà ngày nay có những người không biết chữ Hán nhưng lại dám biên tập “Kinh Vô Lượng Thọ”, biên soạn “Kinh Vô Lượng Thọ”, cho rằng đó là những bản tâm đắc của mình rồi phổ biến cho người khác. Đồng tu học Phật phải hết sức cẩn trọng! Ma có thể giúp cho họ làm sai lời Kinh để tu hành không có thành tựu, đọa lạc càng nhiều càng tốt. Điều này thật đáng sợ! Chúng ta phải cẩn thận!

Trước đây có một người chỉ học tiếng Hán sơ sơ nhưng đã dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”. Họ đánh máy làm thành một bản hoàn chỉnh rồi đem đến cho tôi, tha thiết mong tôi xem qua. Đối với bản dịch thì tôi cũng chỉ xem sơ sơ rồi để đó. Nhưng đối với người dịch bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” thì tôi xem kỹ xem họ có hành trì “Kinh Vô Lượng Thọ”, có làm theo lời Phật dạy hay không. Mấy năm sau, họ không niệm Phật nữa mà tham thiền thảnh thơi, nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Nếu chính người dịch Kinh không tụng Kinh, không tu hành mà bộ Kinh đó được lưu hành thì bộ Kinh mà họ dịch có lợi ích không? Nếu chúng ta y theo bộ Kinh đó để học thì thật đáng thương! Vừa rồi, tôi đã đốt hết tất cả bộ tài liệu đó, không lưu giữ trong tủ sách để sau khi tôi chết đi, người đời sau không hiểu nhầm đó là sách hữu dụng.

Chúng ta tu hành cần phải có một sự truyền thừa rõ ràng giống như Hòa Thượng Tịnh Không. Hòa Thượng cả một đời chỉ giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Nếu có người mời Ngài giảng Kinh khác thì Ngài mới giảng Kinh khác. Hòa Thượng nói: “Nếu có thể thì cả đời này tôi chỉ giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, không giảng Kinh khác”. Như vậy mới đúng chứ! Còn nếu họ dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”, sau đó một thời gian họ đi tu pháp môn khác thì bộ Kinh họ dịch ra không thể có lợi ích.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook