Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 02/02/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 783
“KHI VỪA CHUYỂN THẾ THÌ KHÔNG BẰNG ĐỜI TRƯỚC”
Hòa Thượng nói: “Khi vừa chuyển thế thì không bằng đời trước”, có nghĩa là đời sau luôn luôn không bằng đời trước. Người tu hành tiến bộ thì mỗi một lần thay đổi sẽ tốt hơn. Nếu chuyển thế đời sau tệ hơn đời trước, càng lúc càng giảm dần thì không có tu hành gì cả.
Hòa Thượng nói: “Mức độ thấp nhất của người tu hành là phải chuyển đổi được nghiệp lực, đó là chuyển được cảnh giới. Nếu không thì chúng ta luôn luôn bị cảnh giới xoay chuyển”. Thay vì tùy theo nghiệp lực đến để trả nợ thì chúng ta chuyển tâm: “Ta đến đây để thực hành chí nguyện của mình”. Chúng ta từ nghiệp lực chuyển thành nguyện lực. Suốt ngày chúng ta cảm thấy mình bị sai sự, bị trả báo, bị phiền hà, bị phiền phức. Tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại rằng mình đã làm phiền hà đến rất nhiều người?
Hòa Thượng nói: “Ngay hiện đời ta chuyển được cảnh giới thì chắc chắn đời lai sinh cũng được chuyển đổi”. Từ rất lâu rồi, cách đây khoảng 10 năm, tôi cũng đã từng nhắc bản thân và nhắc mọi người: “Phải cẩn thận! Đời này gặp nhau thì chắp tay chào nhau, nếu không khéo thì đời sau vẫy đuôi chào nhau, vỗ cánh chào nhau”. Sắc xuất này rất cao! Tổ Sư Đại Đức luôn nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta luôn luôn ở trong sự tham cầu, tự tư tự lợi, chìm đắm trong năm dục sáu trần. Đầu mục chính là tham. Tham là nhân của Ngạ Quỷ, tham dẫn đến quả báo ở đường Ngạ Quỷ. Người xưa luôn luôn nhắc nhở chúng ta nguy cơ rơi vào ba đường ác.
Hòa Thượng luôn nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng, Ngài cả một đời nhắc nhở chúng ta phải cẩn trọng đối với việc sanh tử. Đây mới là chân thiện hữu tri thức. Ngày nay, tôi cố học theo, chứ không phải tự biết. Vào đêm Giao Thừa, tôi không nói lời chúc tụng vì đó là lời nói khách sáo, lời nói sáo rỗng. Khi Hòa Thượng còn khỏe, vào những dịp Tết, Ngài khai thị hết sức cặn kẽ. Ngài cũng chúc mừng năm mới. Đó là thuận theo thế tình, là hằng thuận chúng sinh. Người ta thích lời chúc mừng thì Ngài chúc mừng. Đó là vì chúng sanh vọng niệm, Ngài thuận theo vọng niệm của chúng sanh chứ không phải là hư tình giả ý.
Hôm nay là ngày mùng 2 Tết. Người ta bắt đầu cảm thấy một sự tiếc nuối khi mùa xuân sắp đi qua. Khi hết Tết, tuy chưa phải là “sinh ly tử biệt” nhưng “ái biệt ly khổ”, “cầu bất đắc khổ” bắt đầu diễn ra. Sáng sớm hôm nay, một xe đã lên đường. Ta cảm nhận một sự luyến tiếc, một sự phân ly. Ngày mai, ngày mốt, ngày kia nữa, “ái biệt ly khổ” tiếp tục diễn ra một cách hết sức cưỡng cầu, bắt buộc phải diễn ra chứ không diễn ra một cách nhẹ nhàng tự tại. Người thì phải rời quê hương, rời xa Cha Mẹ để quay về nhà mình, người thì phải quay về công sở làm việc. Chúng ta đã thấy cảnh người Mẹ tiễn con đi sau dịp Tết. Người Mẹ chạy ra, tay cầm đôi bánh tét đưa cho con trai để người con quay trở lại trường học. Đó là nỗi khổ của “sinh ly tử biệt”.
Lúc người thân mất, phải tiễn người thân ra đi thì người ta nói là “thà sinh ly ai nỡ tử biệt”. Lúc phải chia tay nhau thì người ta nói là “thà tử biệt ai nỡ sanh ly”. “Sinh ly tử biệt” rồi “tử biệt sinh ly” giày xéo suốt cuộc đời của chúng ta. Con người ta không có sự phản tỉnh. Chính điều này làm cho cảnh giới của chúng ta thấp dần, để rồi đời sau luôn luôn xấu hơn đời trước. Chúng ta phải đề cao cảnh giác ngay trong cuộc sống này để “sinh ly tử biệt” diễn ra một cách bình thường, không bị bức bách, không bị khổ đau.
Hòa Thượng nói: “Niềm vui của thế gian không phải là cứu cánh. Tham luyến niềm vui của thế gian có thể lìa được khổ trên thế gian này hay không? Ở trên Kinh luận, Phật dạy chúng ta rằng nhất định không thể”. Chúng ta biết rõ niềm vui của thế gian là không chắc thật, thế mà chúng ta cứ cố cưỡng cầu, cứ cố bám lấy cho nên khổ. Tất cả đều phải tùy thuận. Chúng ta tập tùy thuận.
Hòa Thượng nói: “Cho dù bạn có sự giác ngộ, có sự nhận biết nhưng không thể giữ được sự giác ngộ, sự nhận biết thường hằng trong nội tâm của mình. Đó chỉ là sự phản tỉnh vào một lúc nào đó. Sự phản tỉnh chỉ lóe lên trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn bị chìm trong khổ đau, bị chi phối với bát khổ”. Sanh lão bệnh tử là khổ, yêu thương nhau mà phải xa lìa là khổ, mong cầu mà không được là khổ, ghét nhau mà phải gặp nhau là khổ. Chúng ta phải nhìn ra, phải bình lặng. Đó là chúng ta chuyển được cảnh giới.