Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng Chủ nhật ngày 31/01/2022
****************************
CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 781
BẠN PHÒNG BỊ NGƯỜI ĐỂ LÀM GÌ? CÓ GÌ ĐÁNG ĐỂ PHÒNG?
Xã hội ngày càng tiến bộ, lòng người càng lúc càng xa lìa giáo huấn Thánh Hiền, tâm bất an, tâm sợ được sợ mất ngày càng nâng cao. Cho nên người với người càng lúc càng xa lánh nhau, mất niềm tin với nhau nên luôn luôn phòng bị lẫn nhau. Cũng chính bởi vì trong đời sống không ít lần bị người khác lừa gạt, nên càng làm cho họ cảm thấy bất an đối với mọi người xung quanh.
Hòa Thượng nói: “Sống trong cuộc đời mà luôn cảm thấy bất an với những người xung quanh thì đời sống đó có an ổn không? Có chân thật cảm thấy hạnh phúc không? Chẳng qua là do chúng ta thiếu đi giáo dục của Thành Hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát cho nên con người mới thành ra như vậy. Chúng ta phải mạnh mẽ đem giáo dục của Thánh Hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát phổ biến rộng khắp. Khi người ta tiếp nhận được giáo dục tốt rồi thì người ta sẽ không làm việc xấu nữa.” Chúng ta biết rõ được nhân quả, biết rõ nhân nào quả đó rồi thì dù có thuê chúng ta làm những điều sai quấy chúng ta cũng không làm.
Những chuyện rất đơn giản như hôm trước tôi đi mua mấy thùng chuối, tôi muốn mua cho nhanh để đẩy đồ ra xe thì chợt nhớ chưa tính tiền, nhưng vì họ nói cứ mang ra xe đi rồi tí nữa quay lại tính tiền sau cũng được, cho nên tôi mang chuối ra xe trước. Nhưng khi tôi đi ra xe, tôi thấy họ vẫn ngó theo mình, chắc họ sợ mình lấy thùng chuối chạy đi luôn. Một lần tôi đi mua đồ tôi thấy một chị dừng xe chưa rút chìa khóa, tôi nhẹ nhàng nhắc họ lần sau đi xuống xe nhớ rút chìa khóa, chị đó cũng nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ. Đó là lòng người bất an, người với người không tin nhau, thái đội thân thiện không cảm nhận được.
Chị bán hàng lúc đó hỏi tôi hôm trước hứa mang đồ cho chị, hôm nay tôi có mang không. Dù họ bán không rẻ nhưng vì tiện đường tôi vẫn vào mua, vì đã hứa với chị rồi, nên tôi luôn giữ lời hứa. Đành rằng trong cuộc sống người với người không còn tin nhau, nghi ngờ nhau, đó là việc của họ, còn chúng ta phải sống tốt. Chúng ta đã hứa với người thì phải thực hiện, không để lời hứa đi vào hư không. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta đang tự làm chữ “tín” của mình bị hoen ố.
Có hai việc ở Đà Lạt này tôi đã thực hiện được một việc. Ngày xưa mới đến đây tôi rất vất vả, có một đôi vợ chồng mời nhóm người chúng tôi về nhà họ nghỉ. Cuộc sống của hai vợ chồng cũng rất vất vả. Khi về nhà họ ở, mọi người phải nằm ở trên sàn, trời rất lạnh, nhưng họ sống rất tình cảm. Từ đó đến nay tôi chưa có cơ hội gặp lại được hai vợ chồng anh. Còn một người cũng đã từng giúp đỡ tôi, tôi đã giữ lời hứa tìm lại anh và tặng rất nhiều quà cho anh. Như vậy là chúng ta đã làm ra tấm gương, lời nói năm xưa tưởng chừng gió thổi mây bay, nhưng tôi đã thực hiện. Tôi nói với họ là do bấy lâu nay tôi bận quá, nhưng tôi lúc nào cũng canh cánh trong lòng và tôi vẫn luôn nhớ lời hứa của mình. Ở thế gian này lời hưa suông, lời hứa phụ bạc rất nhiều nhưng chúng ta vẫn phải giữ lời hứa. Người ta hứa suông, người ta phụ bạc là việc người ta, còn chúng ta là người học đạo đức Thánh Hiền, học Phật Bồ Tát thì chúng ta không thể là người phụ bạc, thất hứa. Chúng ta làm người mà thất hứa thì không xứng đang làm người.
Chúng ta thấy hung dữ như chúa sư tử, hay như con chim cánh cụt, mà một năm nó đi 8000 cây số để trở về thăm ân nhân. Có đàn voi khi đến ngày giỗ của ông chủ rừng ngày xưa giúp chúng, thì chúng đều trở về nhà của ông, nhớ tưởng ân nhân. Người xưa nói: “Cứu vật vật trả ơn, cứa nhân nhân trả oán”. Người trả oán tôi cũng gặp mấy lần rồi, người mà mình cứu giúp cưu mang thì họ trở lại hại mình, học trò mà mình dạy thành người, họ cũng quay trở lại hành mình. Đó là những điều trong mỗi chúng ta ai cũng có một đến hai lần kinh nghiệm của sự phản trắc, của sự dối trá, cũng chính từ đó làm người ta mất niềm tin. Nhưng nhìn sâu vào ta thấy vì họ không được nhận sự giáo dục tốt, bản thân ta không được học giáo huấn Thánh Hiền, Phật Bồ Tát. Nếu chúng ta không được học giáo dục Thánh Hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát thì chúng ta cũng sẽ như vậy, vì lợi quên nghĩa, vị lợi bất chấp thủ đoạn. Cho nên chúng ta cần thúc đẩy, phát huy, mở rộng giáo dục của Thánh Hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát để con người tiếp nhận được, họ mới biết được cách để làm người