325Thứ Năm, 27/01/2022, 13:00
777 · Thành Phật Cái Duyên Này Rất Thù Thắng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 27/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 777

“THÀNH PHẬT CÁI DUYÊN NÀY RẤT THÙ THẮNG!”

Hòa Thượng nói: “Thành Phật, cái duyên này rất thù thắng!”. Chúng ta phải nghe cho kỹ! Không phải là tức thời thành Phật, không phải là lập tức thành Phật, không phải là mau chóng thành Phật mà là “cái duyên thành Phật rất thù thắng”. Phật tăng thượng duyên cho chúng ta chứ Phật không thể giúp chúng ta thành Phật, Phật không có năng lực này. Chúng ta có thành Phật hay không thì chính mình phải tự nỗ lực, có duyên rồi, cộng với sự nỗ lực của chính mình thì cái duyên mới có thể thành công. Giống như một hạt giống cần có đất, nước, hơi ấm, sự cần cù nỗ lực chăm sóc phân bón phù hợp thì hạt mới có thể đâm chồi, nảy lộc, ra hoa kết trái.

Hòa Thượng nói: “Mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Bạn muốn thành Phật thì bạn nhất định có thể thành Phật, hoàn toàn ở nơi chính mình. Chúng ta đều sẵn có hạt giống để thành Phật, chỉ cần phối hợp duyên thì được. Chúng ta đều có duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc. Duy tâm Tịnh Độ, tự tánh Di Đà, chỉ cần thêm vào Tín – Nguyện – Hạnh, tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật”. “Hành miên mật” là phải có sự chuyên nhất, không xen tạp. Ngay cách hành trì cũng vậy, chúng ta cũng phải chuyên nhất. Nếu chúng ta cứ thay đổi, chạy theo những cách hành trì khác nhau, nay theo người này, mai theo người kia thì tâm chúng ta dao động. Vậy thì sai rồi!

Trước đây, Hòa Thượng Trí Tịnh có nhắc đến câu “A Mi Đà Phật” trong một cuốn sách nhưng chính Ngài không dám phổ biến bởi vì người ta đã quen niệm “A Di Đà Phật” rồi. Thật ra trong bản chữ Hán thì “A Di Đà Phật” hay “A Mi Đà Phật” đều hoàn toàn không sai. Nếu trong 10 người mà có 9 người niệm “A Di Đà Phật”, chỉ một mình ta niệm “A Mi Đà Phật” thì ta là lập dị, khác biệt rồi. Chúng ta không nên lập dị, không nên tạo thành sự khác biệt, không nên tạo thành chướng ngại mà chúng ta nên theo số đông của đại chúng.

Nam Mô” là quy y, là cung kính, là quay về. “A Di Đà Phật” là danh hiệu của Đức Phật A Di Đà. “Nam Mô A Di Đà Phật” là con xin quay về quy y, nương tựa Đức Phật A Di Đà. Niệm bốn chữ “A Di Đà Phật” hay niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” cũng là một vấn đề khiến nhiều người tranh luận. Tôi đã từng bị chất vấn về việc này. Tôi trả lời: “Các cụ ở quê niệm “con niệm Nam Mô A Di Đà Phật” cũng không sai. Con đến đạo tràng niệm “A Di Đà Phật” thì con cùng họ niệm “A Di Đà Phật”. Con đến đạo tràng niệm “A Mi Đà Phật” thì con cùng họ niệm “A Mi Đà Phật”. Con đến đạo tràng tụng “Kinh Pháp Hoa” thì con cùng họ tụng Kinh Pháp Hoa. Con đến đạo tràng tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì con cùng họ tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Chúng ta phải tùy thuận, không tạo thành sự lập dị, không tạo thành chướng ngại”.

Người ta hỏi Ngài Ngẫu Ích Đại Sư: “Tại sao Ngài dạy đại chúng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, còn Ngài thì niệm A Di Đà Phật?”. Ngài Ngẫu Ích trả lời: “Ta một đời này tin sâu Tịnh Độ, tin chắc có Phật A Di Đà, một đời này nhất định vãng sinh, cho nên không cần nói lời khách sáo. Nếu nói ta trở về quy y nương tựa Phật A Di Đà là khách sáo rồi. Vì mọi người chưa tin sâu, chưa nguyện thiết cho nên phải niệm Nam Mô để tỏ lòng quy y, cung kính”. Tất cả đều có đạo lý.

Chúng ta không đem cái chấp chước của mình để chướng ngại người khác. Đó là hằng thuận chúng sinh, vậy thì mới có thể tùy hỉ công đức. Nếu đi đâu chúng ta cũng chướng ngại người khác, vậy thì thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng phải biến thành liên bang, bang thì niệm A Di Đà Phật, bang thì niệm A Mi Đà Phật. Nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, vĩnh viễn không bao giờ biến thành liên bang. Tâm chúng ta Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng thì mới vào được Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng sanh nào tâm đủ thanh tịnh thì sẽ tương ưng với Tịnh Độ, tâm không đủ thanh tịnh thì không tương ưng với Tịnh Độ. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Chúng sanh nào dù không tu Tịnh Độ nhưng tâm thanh tịnh thì họ cũng được đến với thế giới an lành. Người tu Tịnh Độ nhưng tâm đầy phiền não, đầy chấp trước, đầy khổ đau thì không thể vào Tịnh Độ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook