Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 26/01/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 776
“CHỈ TƯỞNG A DI ĐÀ PHẬT, CHUYÊN NIỆM A DI ĐÀ PHẬT”
“Tưởng” là nghĩ. Hòa Thượng giải thích cho chúng ta thế nào là “chỉ nghĩ A Di Đà Phật, chuyên niệm A Di Đà Phật”: “Người học Phật chúng ta phải thường nghĩ đến giáo huấn của Phật, đem giáo huấn của Phật ứng dụng trong cuộc sống thường ngày. Ngoài nghĩ đến Phật ra thì các niệm khác đều là tà niệm, tà tư. Một người tâm chánh, niệm chánh, hạnh chánh thì đương nhiên được chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần bảo hộ”.
Chúng ta nghe vậy mà cứ ngồi đó chỉ nghĩ đến Phật, chỉ niệm Phật, không làm gì hết thì đó là vọng tưởng. Vậy là sai hoàn toàn. Nghĩ đến Phật là nghĩ đến lời nói của Phật, hành nghi của Phật, việc làm của Phật, nghĩ đến một đời giáo hóa của Phật mà làm theo.
Chiều hôm qua tôi chở con gái đi tặng quà cho người đã bán cho tôi mảnh đất này. Tôi đã thầm hứa khi nào có điều kiện thì sẽ tri ân anh ấy. Tôi không lỗi hẹn với tâm mình. Tôi đi theo chỉ đường của Google Map nhưng đi tới đi lui không tìm ra đường, cuối cùng phải gọi điện cho người bạn đó mới đến nơi. Lần trước tôi đã biếu tiền và tặng quà cho anh ấy khiến anh ấy rất ngạc nhiên. Lần này, tôi lại tặng cho anh ấy tiền, những sản phẩm rau trái do chính mình làm ra và hai chiếc áo khoác dày ấm có chữ “A Di Đà Phật”. Anh ấy rất cảm động và nói với Mẹ: “Mẹ không nhớ Thầy sao? Thầy Vọng Tây đó!”. Tôi cũng tặng họ nước mắm chay và nói rằng ăn chay rất tốt. Lần sau tôi sẽ khuyên họ nên ăn chay niệm Phật.
Chúng ta niệm Phật thì phải làm ra biểu pháp tốt, khiến người ta cảm động mà nghĩ đến Phật. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, học để làm ra tấm gương cho mọi người noi theo. Nếu chúng ta lập dị, tỏ thái độ vô cùng khác biệt thì người ta nhìn chúng ta sẽ thấy sợ chứ không phát tâm tu được. Thầy Thái Lễ Húc nói: Chúng ta muốn khuyên người khác thì ít nhất phải làm cho họ cảm động, kể cả khuyên trực tiếp và khuyên gián tiếp.
Chúng ta nghĩ đến Phật là nghĩ đến hành nghi của Phật, nghĩ đến sự dụng tâm và đối nhân xử thế của Phật để ứng dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta dùng tâm Phật và đối nhân xử thế của Phật để niệm Phật thì tương ưng được với Phật.
Trước đây tôi cũng có những biểu hiện khác thường, không giống ai, mặc quần áo rộng thùng thình, đầu cạo trọc lốc. Chiếc áo không làm nên đức hạnh của chúng ta, phải là nội tâm của chính mình. Trước đây người ta nghi ngại, không biết tôi là Thầy tu hay người đời. Họ đến tìm hiểu xem tôi có hoạt động tôn giáo hay không. Chướng ngại đều là do chính mình làm ra. Khoảng 5 – 6 năm nay, tôi thay đổi hoàn toàn. Khi đi ra đường tôi mặc đồ vest khiến người ta cảm thấy gần gũi, không biệt lập. Nhưng tôi làm ra những hành động, lời nói khiến người ta tiếp xúc thì biết tôi là người tu. Tôi nói chuyện điện thoại với họ một lúc thì họ liền gọi tôi là Thầy mặc dù họ chưa từng gặp mặt tôi lần nào.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Đại Thừa”, Phật nói: “Bồ Tát sở tại chi xứ, linh nhất thiết chúng sanh sanh hoan hỷ tâm” (Bồ Tát ở chỗ nào cũng đều làm cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ). Nơi nào Bồ Tát ở, nơi nào Bồ Tát đến thì nơi đó chúng sinh rất hoan hỉ. Chúng ta hãy tư duy xem: Nếu chúng ta khiến họ cảm thấy chúng ta biệt lập, quái dị thì chúng ta sai rồi. Chúng ta phải khiến mọi người xung quanh hoan hỉ. Ta muốn làm Bồ Tát thì phải có hành nghi, khởi niệm của một vị Bồ Tát. Ta muốn làm Phật thì phải có hành nghi, khởi niệm của một vị Phật.
Hôm qua tôi đi tặng quà cho 4 gia đình. Họ không nghĩ tôi có những món quà như vậy. Chúng ta tặng quà thì phải dụng tâm mới khiến người ta cảm động. Hôm trước tôi gửi quà tặng cho một ông cụ theo Đạo Thiên Chúa. Tôi chọn hai cây bồ công anh đẹp nhất vườn để tặng ông ấy. Người trồng cây khi nhìn thấy cái cây đó chắc chắn rất vui. Quà tôi tặng không mang tính vật chất mà mang tính tinh thần, chắc chắn khiến người nhận rất vui.
Bồ Tát ở nơi nào thì nơi đó chúng sanh hoan hỉ. Bồ Tát ở chợ thì chợ là đạo tràng. Bồ Tát ở vũ trường thì vũ trường là đạo tràng. Hòa Thượng nói: “Chúng ta hành Bồ Tát đạo thì nơi nào chúng ta đến, nơi đó là đạo tràng. Tâm của Bồ Tát mỗi niệm lợi ích tất cả chúng sanh, tuyệt đối không có chính mình. Đây là thái độ căn bản của người học Phật”. Chúng ta xem nhẹ, qua loa cho nên dù chúng ta học Phật nhiều năm nhưng vẫn khiến người xung quanh phiền não vì chúng ta.