125Thứ Ba, 25/01/2022, 11:14
775 · Niệm Phật Quan Trọng Nhất Là Trong Tâm Có Phật

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 25/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 775

“NIỆM PHẬT QUAN TRỌNG NHẤT LÀ TRONG TÂM CÓ PHẬT”

Trong tâm có Phật có nghĩa là Phật tâm, dùng tâm Phật để niệm Phật. Có rất nhiều người “hữu khẩu vô tâm”, có miệng nhưng không có tâm. Nhiều người gặp phải tình trạng này. Chữ “niệm” 念 ở trên là bộ “kim”, ở dưới là bộ “tâm”. “Kim” là hiện tại. Ngay lúc hiện tại đó trong tâm có nghĩ đến Phật thì mới gọi là niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Niệm Phật quan trọng nhất là trong tâm có Phật”. Tâm khởi, miệng niệm, tai lắng nghe tiếng của tâm mình niệm Phật. Đó mới là niệm Phật. Đa phần chúng ta chỉ niệm Phật như quán tính, như lúc chúng ta thả viên bi lăn trên mặt phẳng. Niệm Phật như vậy thì giống như người xưa nói: “Đau mồm, rát họng chỉ uổng công”.

Trong những bài trước, Hòa Thượng đã nhắc chúng ta: “Bạn dùng tâm gì để niệm Phật?”. Hòa Thượng thắc mắc một điều, Ngài hỏi Lão sư Lý: “Thưa Thầy, vì sao có người niệm Phật vẫn đọa địa ngục?”. Lão sư Lý trả lời: “Vấn đề này rất quan trọng. Tôi sẽ không trả lời riêng một mình ông, ngày mai tôi sẽ trả lời trong pháp hội”. Quan trọng là chúng ta dùng tâm gì để niệm Phật? Chúng ta có dùng tâm Chân Thành, tâm Thanh Tịnh, tâm Bình Đẳng, tâm Chánh Giác, tâm Từ Bi để niệm Phật không? Niệm Phật mà tâm vẫn tự tư ích kỉ, vẫn tham sân si mạn thì không thể tương ưng được với Phật. Trước đây bản thân tôi cũng không hề hiểu rõ chỗ này. Tôi cứ nghĩ rằng niệm Phật là tốt, niệm nhiều là tốt mà không biết rằng điều quan trọng là dùng tâm gì để niệm Phật, cho nên niệm Phật lâu ngày mà tâm vẫn phiền não, tâm vẫn không an.

Hòa Thượng nói: “Quan trọng là dùng tâm gì để niệm Phật? Niệm Phật quan trọng nhất là trong tâm phải có Phật, trong miệng không niệm cũng không hề gì. Phương pháp niệm Phật rất nhiều. Chúng ta chuyên tâm đọc lời giáo huấn của Phật cũng là niệm Phật. Chúng ta đọc Kinh và hồi tưởng đến những cảnh giới trong Kinh cũng là niệm Phật. Nếu chúng ta không nghĩ đến cảnh giới trong Kinh mà nghĩ đến phiền não, tự tư tự lợi, nghĩ nhiều đến những việc làm mình động tâm thì đó là chúng ta niệm chúng sinh rồi. Chúng ta niệm “A Di Đà Phật” là trì danh niệm Phật”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc “Kinh A Di Đà”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” cũng là niệm Phật bởi vì ở trên Kinh nói ra thảy đều là cảnh giới của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều là A Di Đà Phật. Bạn đọc “Tịnh Độ Ba Kinh”, đọc “Tịnh Độ Năm Kinh” hay đọc “Vãng Sinh luận” cũng đều là niệm Phật”.

Nhiều người cho rằng chúng ta đang học như thế này là đang xen tạp. Giờ này họ không học mà đi thời khóa niệm Phật, không cần nghe giảng. Nếu niệm Phật mà không hiểu rõ, không thông tình đạt lý thì “đau mồm, rát họng chỉ uổng công”. Có người hỏi tôi: “Thưa Thầy, con nghe pháp Hòa Thượng thì chỉ nên nghe “Kinh Vô Lượng Thọ” hay là có thể nghe Kinh khác?”. Tôi trả lời: “Chúng ta nghe pháp Hòa Thượng thì nghe Ngài giảng bộ Kinh nào cũng được vì cho dù giảng bộ Kinh nào Ngài cũng lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải, đưa mọi người trở về Tịnh Độ, khuyên mọi người niệm Phật”. Khi giảng “Kinh Bát Nhã Ba La Mật”, Hòa Thượng vẫn lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải, khuyên người ta niệm Phật. Khi giảng “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ”, Hòa Thượng vẫn lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải, khuyên người ta niệm Phật. Hòa Thượng giảng Kinh gì ta nghe Kinh đó đều không hề bị xen tạp dao động vì khi giảng tất cả các Kinh, Ngài đều dẫn chúng ta về với Tịnh Độ. Nếu chúng ta đang nghe Hòa Thượng giảng mà lại đi nghe người khác giảng thì tư tưởng chúng ta sẽ không đồng nhất, khiến cho tâm mình bị dao động. Đó chính là xen tạp.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Tại sao Ngài lại giảng “Kinh Kim Cang”?”. Hòa Thượng nói: “Tôi thấy đồng tu ngày nay niệm Phật rất nhiều nhưng tâm chấp trước cũng rất nặng, dính mắc quá nhiều cho nên tôi giảng “Kinh Kim Cang” để giúp họ phá chấp. Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”. Tôi đả thông tư tưởng cho họ. Họ không thích “Kinh Vô Lượng Thọ”, họ thích nghe giảng “Kinh Kim Cang” nên tôi giảng “Kinh Kim Cang” nhưng tôi dùng “Kinh Vô Lượng Thọ” để chú giải cho họ hiểu”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook