309Thứ Hai, 24/01/2022, 14:27
774 · Tin Mà Không Tiếp Nhận Thì Không Được Lợi Ích

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Hai ngày 24/01/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 774

“TIN MÀ KHÔNG TIẾP NHẬN THÌ KHÔNG ĐƯỢC LỢI ÍCH”

Học Phật pháp không phải là tin theo một cách mù quáng, chỉ làm theo đấng bề trên. Học như vậy thì không đúng. Chúng ta tin phải thông qua Tín – Giải – Hành- Chứng. Tin rồi phải hiểu, hiểu rồi phải hành, hiểu để chứng cho cái tin, tin rồi phải hành để chứng cho cái hiểu, chứng để chứng thực cho việc mình đã hành. Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở chữ tin, chúng ta tin rồi nhưng không làm theo, không tiếp nhận một cách triệt để thì không được lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Cả đời bạn không thành tựu là vì bạn không y giáo phụng hành”. Chúng ta không y theo lời Phật dạy mà làm. Chúng ta thấy những con ngựa khi ra đường phải có hai miếng cao su để hai bên mắt để nó không nhìn thấy hai bên đường mà chỉ nhìn thấy đằng trước. Như vậy dù hai bên đường có lửa, có những thứ làm nó sợ nhưng nó cũng không thấy, nó không dao động, cho nên chủ bảo nó đi là nó đi. Chúng ta cũng tin, nhưng chúng ta tin quá nhiều thứ, tiếp nhận quá nhiều thứ để rồi cuối cùng không có thứ nào đạt đến kết quả tốt.

Mọi người cũng đã biết, từ khi còn nhỏ tôi đã niệm Phật theo Bà nội niệm Phật. Thấy Ông Bà ngoại niệm Phật thì tôi cũng niệm theo, thấy Bà nội ăn chay thì tôi cũng ăn chay. Từ ngày dịch pháp Hòa Thượng, trong suốt 10 năm trường chỉ dịch pháp Hòa Thượng, tôi mới hiểu. Tôi đặt niềm tin tuyệt đối nơi Hòa Thượng, chỉ nghe Hòa Thượng giảng, cho dù người khác có năn nỉ cỡ nào tôi cũng không tiếp nhận những thứ khác. Nhờ sự chuyên tâm sau nhiều giờ dịch đĩa Hòa Thượng mà tôi xây dựng được tín tâm kiên cố đối với Tịnh Độ, đối với lời dạy của Hòa Thượng.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Hành ở nơi tịnh, giáo ở nơi chuẩn mực Thánh hiền, ở nơi khuyến hoá người ta làm thiện, khuyến hóa người ta học chuẩn mực làm người”. Đó là do từ bi mà xuất phương tiện chứ không phải đi làm việc nhiều chuyện. Hòa Thượng ở nơi mình vẫn một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng. Hòa Thượng cả một đời bôn ba khắp thế giới, dự rất nhiều hội nghị, đến tham gia họp tại Liên Hợp Quốc, nhưng cả cuộc đời này Ngài chỉ một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng. Cho nên chúng ta tin Tịnh Độ, ngoài việc chúng ta tin Thích Ca Mâu Ni Phật thì còn cần phải tin Tổ Sư Đại Đức, tin Thầy của mình. Hòa Thượng tin theo Thầy của mình, cho nên Hòa Thượng suốt đời làm như vậy.

Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “Xưa nay Tổ Sư Đại Đức chuyên tu chuyên hoằng Tịnh Độ. Ngày nay ta đi theo các Ngài nếu có vào địa ngục cũng xin tình nguyện làm theo”. Tổ Sư Đại Đức mà Ngài nói đến là Thầy của Ngài, là Tổ Sư Ấn Quang Quang, vị tổ thứ 13 của Tịnh Độ. Làm theo Thầy thì làm sao vào địa ngục được! Niềm tin của Ngài sắt đá như vậy, nhưng tin rồi không chỉ dừng lại ở chữ tin. Ngài triệt để làm từng chữ, từng lời dạy của Thầy, bớt đi nửa chữ cũng không bớt. Đó mới gọi là “nhiếp thọ”. Ngài không chỉ nhiếp thọ một tháng, hai tháng, một năm, hai năm mà nhiếp thọ suốt cả cuộc đời.

Cả đời Hòa Thượng trong suốt hơn 60 năm đi giảng Kinh thuyết pháp, một lão nhân hơn 90 tuổi mà lúc nào đi đâu giảng Ngài cũng nói là “Thầy tôi nói”, “Thầy tôi dặn”, “Thầy tôi dạy”, lúc thì Đại Sư Chương Gia dạy, lúc thì lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy. Đó là y giáo phụng hành, Ngài cả một đời y giáo phụng hành chứ không phải là y giáo phụng hành vài tháng rồi lại chạy theo người khác.

Đáng lẽ ra ta tin, ta nương về thì phải nương về một cây đại thụ, phải nương về một vị Thầy lớn, một vị Thầy có tu, có chứng. Hòa Thượng nương dựa Chương Gia Đại Sư. Sau khi Chương Gia Đại Sư viên tịch, thì Ngài Hòa Thượng đến nương nhờ Cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng là cây đa cây đề. Trước đó Hòa Thượng học với Giáo sư Phương Đông Mỹ. Trước đó Giáo sư Phương Đông Mỹ cũng từng dạy cho Tổng thống.

Có người tầm sư học đạo, đi theo một minh sư 30 tuổi. Đây đúng là “cảm tình dụng sự” như trên Kinh Phật nói. Họ dùng cảm tình để đến với Thầy, dùng cảm tình để làm việc. Thời Mạt Pháp mà minh sư mới có 30 tuổi, thời gian tu học, quá trình công phu đều không có. Hòa Thượng Hải Hiền 92 năm niệm Phật có nghĩa là hơn 92 năm tu hành. Hòa Thượng Tịnh Không hơn 60 năm giảng Kinh thuyết pháp, cả một đời tu hành Ngài là “Tam Bất Quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Hòa Thượng tu hành cả một đời như vậy không thể sai được. Vậy mà nhiều người không tin Ngài.

Hòa Thượng chắc chắn không bị tài sắc dụ dỗ, nhưng người còn trẻ thì coi chừng. Chúng ta hãy tin, hãy nương vào người đã xa lìa ngũ dục, đã xa lìa tài, sắc, danh, thực, thùy. Chúng ta tin thì mới tiếp nhận được, tiếp nhận rồi mới hành trì miên mật, hành trì miên mật rồi thì mới có được thành tựu. Khi chúng ta có một điểm tựa, có một niềm tin vững chắc thì tâm chúng ta không có một chút dao động.

Cuộc sống hàng ngày của tôi rất an vui. Nội tâm của tôi đã có một điểm tựa vững chắc, tôi đã có người dẫn đường. Hàng ngày đối nhân xử thế tiếp vật, tôi đều lấy lời dạy của Thầy mình mà làm. Hàng ngày tôi chỉ nghĩ đến chuyện làm sao phải cho đi, không bao giờ nghĩ đến chuyện mình có vào thêm. Có những lúc tôi nghĩ đến việc mình có vào, nhưng có vào không phải để mình hưởng thụ mà có vào để cho đi những chỗ cần thiết.

Mọi người phải nhìn thấy một quá trình dài người xưa đã làm. Tổ Ấn Quang cả một đời một câu “A Di Đà Phật”, lấy cái chết để nhắc nhở mình. Ngài cũng đặt trên bàn thờ Tổ chữ “Tử” để thường xuyên nhắc mình mau mau làm việc tốt, với tâm thì phải một pháp gắng mà tu, với người thì phải nghĩ cách giúp họ. Ngài một mặt thì chuyên tâm tu tập, đồng thời một mặt thì chuyên in sách khuyeesn thiện. Ngài chỉ in sách thiện như “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “An Sĩ Toàn Thư”, “Cảm Ứng Thiên”. Ngài in rất nhiều, số lượng nhiều đến nỗi khiến Hòa Thượng Tịnh Không phải giật mình. Một Tổ Sư Đại Đức của Phật môn mà in toàn sách của Đạo giáo, Nho giáo khuyến thiện bởi vì rất nhiều người không tin Phật, cho nên Ngài khuyến thiện, khuyên người ta làm người tốt, dạy người ta đạo lý nhân quả, dạy người ta đạo lý cảm ứng, dạy người ta tích công bồi đức để ít ra đời sau người ta cũng có phước. Nếu không khuyên người ta làm thiện để người ta làm người tốt, nếu không dạy người ta chuẩn mực làm người thì dần dần những điều này sẽ bị mai một.

Hòa Thượng cả đời lúc nào cũng nhắc nhở chúng ta:

Tu hành thì lấy bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” làm tông chỉ.

Chuẩn mực của người xuất gia phải là “Sa Di Thập Giới”.

Chuẩn mực làm người thì phải dựa vào “Thập Thiện”, đối nhân xử cho đúng thì phải theo “Đệ Tử Quy”.

Chúng ta học những điều này không có gì là xen tạp cả. Xã hội ngày nay được mấy người chí thành, chí thiết niệm Phật cầu sinh Cực Lạc? Họ ngồi đó niệm Phật như nhai trầu rồi nói người khác xen tạp.Trước đây có người nói tôi xen tạp, họ đến lạy người này, năn nỉ người kia đừng mời tôi, để tôi tập trung niệm Phật, họ muốn tôi chết đi thì tốt hơn. Hồi đó chưa có trường Mầm non Đức Trí, chưa có Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, những buổi lễ tri ân nhỏ thì có, nhưng chưa có những buổi lễ lớn. Sau khi tổ chức xong buổi lễ tri ân Cha Mẹ năm 2019 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tôi trở về làm một người nông dân bình thường, hàng ngày cuốc đất trồng cây, rảnh thì niệm Phật. Sau đó tôi bắt đầu đề khởi học tập 1200 chuyên đề của Hòa Thượng Tịnh Không. Tất cả các chuyên đề Hòa Thượng dạy đều xây dựng tín tâm với Tịnh Độ. Hôm nay chúng ta đã học đến đề tài 774. Trong suốt 774 ngày qua, mỗi ngày chúng ta đều học đúng giờ, không thay đổi. Tôi vẫn ngày ngày một mình học tập, niệm Phật. Trong khi dịch bệnh Covid kéo dài triền miên, các trường trong Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức vẫn hoạt động tốt. Vậy mà họ cho rằng chúng ta xen tạp!

Chúng ta xây dựng niềm tin của mình đã vững chắc chưa? Nếu niềm tin đã được xây dựng vững chắc rồi thì chúng ta có tiếp nhận để y giáo phụng hành không? Nếu không y giáo phụng hành thì chắc chắn cả đời này không có thành tựu. Chúng ta tu được một thời gian thì nhận ra mình tu sai, phải làm lại. Cả đời chúng ta có bao nhiêu thời gian để làm lại? Tôi rất may mắn, từ nhỏ thấy Ông Bà ăn chay niệm Phật nên tôi cũng học theo. Lớn lên đi học chữ Hán, tôi thấy các Thầy niệm Phật nên tôi cũng niệm theo. Đến lúc dịch đĩa Hòa Thượng, tôi thấy Ngài một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng nên tôi cũng niệm theo. Tôi không có một quãng thời gian nào uổng phí cả. Trong 1200 chuyên đề của Hòa Thượng Tịnh Không, chúng ta còn tiếp hơn 400 chuyên đề nữa. Tôi đã bắt đầu triển khai học cuốn sách “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục” 600 trang Nếu một trang học trong 3 ngày thì phải 1800 ngày nữa, khoảng hơn 5 năm nữa chúng ta mới học xong.

Tôi thấy rất cảm xúc khi nói rằng: “Cả đời này tôi chỉ là một học trò”. Có nghĩa là ngày nào tôi cũng đúng giờ cắp sách đến trường. Tôi là một học trò đúng giờ, chứ không phải muốn học giờ nào thì học. Có nhiều người vào học trễ. Họ chưa thành tựu vì thái độ làm học trò chưa nghiêm túc. Tôi là một học trò nghiêm túc. Trước đây khi một mình tự học 300 đề tài đầu tiên, tôi cũng đúng giờ như thế này. Tôi mặc áo tràng một cách nghiêm túc, sau khi niệm Phật thì bắt đầu học một cách nghiêm túc. Dù trước mặt tôi không có người nhưng tôi nghĩ rằng trước mặt tôi có rất nhiều chúng sinh tầng không gian khác bởi vì tôi khởi tâm mời họ đến đây cùng học với tôi. Vậy thì trên có Phật, trước mặt là tất cả chúng sinh tầng không gian khác, tôi đã tự quản thúc mình bằng cách như vậy. Làm học trò một cách nghiêm túc thì mới có được thu hoạch nghiêm túc. Cả đời tôi là học trò để ngày ngày được tiếp nhận giáo huấn của người xưa.

Chúng ta nhìn lại thành tựu cả một đời của Hòa Thượng thì thấy thành tựu của Ngài quá lớn lao. Đó là thành tựu một đời của một học trò biết nghe lời, đó là tấm gương để chúng ta nhìn vào và làm theo. Trước đây, ngay những người ở bên cạnh tôi cũng nói tôi là xen tạp, sau đó họ bỏ di. Xen tạp mà tôi đã dịch trên 30.000 giờ những bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không! Xen tạp mà tôi học đã học gần 800 đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không! Ngày xưa tôi học chữ Hán rất khổ, tốn biết bao nhiêu cơm gạo, áo tiền của những người đối tốt với tôi. Ngày nay tôi đã trả được ơn đức đó rồi. Tôi đã dạy miễn phí hơn 150 video về chữ Hán. Nếu còn sống thì tới đây tôi sẽ dạy đến đến 1000 video để giúp mọi người học chữ Hán. Tất cả những video dạy chữ Hán đó cũng là dạy người ta học Phật, dần dần quay người ta về học “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục, cũng là học về Tịnh Độ. Vậy thì sao gọi là xen tạp!

Trang web tinhkhongphapngu.net có gần 20 triệu lượt xem nhưng không hề có tâm thư để kêu gọi, vận động ủng hộ trợ giúp. Mấy năm gần đây, trang web nhidonghocphat.com dạy chữ Hán hoàn toàn miễn phí. Tôi dạy học như vậy cũng có thành quả vì nhiều học trò cũng đã thành công. Cách đây khoảng 3 - 4 năm, một học trò gửi thư cho tôi nói: “Nhờ học với Thầy mà con đang học Thạc sĩ ở Bắc Kinh”. Vậy thì tôi cũng đã trả được một phần ơn đức của Thầy và ơn đức của những người giúp tôi học hành.

Nếu chúng ta ngoảnh mặt với chúng sinh, nghoảnh mặt với thế gian, chỉ biết niệm Phật thì sẽ ra sao? Nếu chỉ biết niệm Phật mà niệm với tâm thanh tịnh thì quá tốt, nhưng chỉ niệm Phật như nhai trầu thì đại tội. Chúng ta học Phật phải nhớ một điều: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Chúng ta lấy gì để “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”? Nếu anh niệm Phật mà vãng sinh được thì tốt, nhưng nếu anh không vãng sanh được thì anh là tội đồ. Chúng ta lấy gì để báo đáp ơn Cha Mẹ sinh thành, ơn Thầy Cô dạy bảo, ơn Quốc gia bảo trợ, ơn đàn na tín thí, ơn những người thành toàn cho chúng ta? Không phải nghiễm nhiên, không phải tự nhiên mà chúng ta được như ngày hôm nay. Trong ba cõi Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, chúng sinh nơi đó có biết bao nhiêu là người thân, là oan gia trái chủ của chúng ta.

Ngày xưa, khi các Thầy muốn mang Kinh sách để lưu truyền ra nước ngoài thì phải viết nội dung vào tờ giấy rất mỏng, viết xong phải mổ bắp tay ra, nhét giấy vào, chờ cho vết thương lành rồi đi ra nước ngoài. Khi đến nơi, các Ngài mổ tay lấy ra lấy Kinh để truyền giáo pháp, sau đó mới trở về quốc gia đầu thú.

Ngày xưa, mỗi lần đi dạy tiếng Hán miễn phí, tôi phải đi quãng đường dài 80 km, cả đi cả về là 160 km. Thật ra tôi hoàn toàn phát tâm đi học chứ không phải là tôi đi dạy, cho nên rõ ràng là tôi chân thật được lợi ích. Bây giờ tôi gần như không bao giờ quên chữ viết, viết chữ to nhỏ đều được. Không có những năm tháng đi dạy học đó thì chúng ta không thể triển khai 1200 đề tài này, công tác phiên dịch Kinh sách cũng không dễ mà làm được. Đó là duyên trùng duyên, duyên hỗ trợ duyên rất tuyệt vời!

Hòa Thượng dạy chúng ta phải sống trong thế giới biết ơn. Ta đến thế gian này, để có ngày hôm nay, để được trang bị bao nhiêu tri thức, kĩ năng, bao nhiêu tế bào của da thịt này, chúng ta đều mang ơn nặng đối với chúng sinh. Nếu điều này chúng ta không cùng nhau nhắc lại thì chúng ta sẽ quên mất. Ngày nay chúng ta có không khí trong lành để thở, có nước sạch để uống là nhờ Liên Hợp Quốc đã phải triệu tập biết bao nhiêu hội nghị, tốn biết bao nhiêu tiền của để nhắc các nước thành viên giữ không khí trong sạch, giữ nguồn nước trong sạch. Chúng ta không thể ngồi đó mà nghĩ rằng đó là tự nhiên, tự cho là mình nghiễm nhiên, tự nhiên được hưởng.

Khi tưới cây tôi thấy tôi bơm lên 100 lít nước, lọc được khoảng 40 lít nước sạch, vậy thì 60 lít nước phải thải đi. Tôi thấy quy trình lọc được nước sạch rất khó khăn, cho nên hàng ngày tôi rửa rau, rửa tay cũng không bao giờ tùy tiện. Tôi rửa tay xong thì đem nước đó đi tưới cây chứ không bao giờ hoang phí. Đó mới gọi là không xen tạp! Không xen tạp là mọi thứ đều phải tường tận, niệm Phật ra niệm Phật, giáo dục ra giáo dục, từng quan hệ xã hội của chúng ta phải tường tận rõ ràng. Đó mới gọi là không xen tạp. Điều này không phải tôi nói mà Hòa Thượng đã nói nhiều lần: “Bạn lái xe thì bạn phải chuyên tâm lái xe, chứ không chuyên tâm niệm Phật trong lúc lái xe. Nếu chuyên tâm niệm Phật trong lúc lái xe thì sẽ gây họa”.

Trong một chuyên đề mà hôm trước chúng ta học, Hòa Thượng cũng nói vấn đề này. Chúng ta sống rất phóng túng, tùy tiện, vậy mà lúc nào cũng nói là nhất môn, chuyên tâm. Tôi nhắc câu chuyện này để mọi người thử nghĩ. Tôi bơm nước từ giếng lên, tôi chứa nước mưa gần 40.000 khối, một khối là 1000 lít. Dùng hết nước mưa thì tôi mới mở máy lên bơm nước rồi lọc nước. Nếu tôi tùy tiện bơm nhiều nước thì tốn nhiều điện, tạo thành gánh nặng cho quốc gia, tốn sản vật của thiên nhiên.

Ngày mai chúng ta sẽ học bài: “Niệm Phật là quan trọng nhưng trong tâm phải có Phật”. Câu này giống như lời Hòa Thượng dạy: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn”. Phật tâm chính là tâm nghĩ đến người khác, nghĩ đến chúng sinh.

Hòa Thượng nói: “Có nhiều người không hiểu ý nghĩa của “thọ trì”. Họ mỗi ngày đem Kinh ra tụng một lần và gọi là “thọ trì”. Làm gì mà dễ dàng như vậy! Đó chỉ gọi là “đọc tụng” chứ không phải “thọ trì”. Chữ “thọ” là chân thật đem lý luận, phương pháp, cảnh giới, những giáo huấn của Phật, thảy đều tiếp nhận, chăm chỉ nỗ lực mà làm. Đây mới gọi là “thọ trì”. Nếu nói tin rồi mà không tiếp nhận, vậy thì tin đó chỉ là tin suông, không có được lợi ích. Tin rồi nhất định phải thọ, thọ rồi nhất định phải hành. Vậy thì công đức đó mới viên mãn”.

Hòa Thượng nói: “Chân thật tín thọ, chân thật phụng hành, chân thật là pháp hỷ sung mãn. Cuộc sống đó mới là đời sống hạnh phúc mỹ mãn mà mọi người thường ngưỡng mộ”. Riêng tựa đề của bài học hôm nay đã rất cảm xúc. Khi đọc lời tựa, tôi nhớ đến câu Hòa Thượng nói: “Bạn không có thành tựu vì bạn không y giáo phụng hành”.

***************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỉ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Chúng con chân thành cảm ơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook